Phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển Đà Nẵng

.

Để tận dụng thời cơ, bứt phá sau thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 và thực hiện hiệu quả năm “Đẩy mạnh thu hút đầu tư”, đầu tháng 3-2018, thành phố Đà Nẵng tổ chức chương trình “Tọa đàm Mùa Xuân 2018”.

Nhiều ý kiến góp ý, hiến kế của các doanh nghiệp, doanh nhân, đại diện cho các hội, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước được thành phố ghi nhận.

Nhiều doanh nghiệp đề nghị thành phố rà soát lại quy hoạch giao thông, phát triển du lịch để thúc đẩy phát triển kinh tế trong những năm đến.  		         Ảnh: VIỆT DŨNG
Nhiều doanh nghiệp đề nghị thành phố rà soát lại quy hoạch giao thông, phát triển du lịch để thúc đẩy phát triển kinh tế trong những năm đến. Ảnh: VIỆT DŨNG

Mô hình mới của ASEAN

Là người am hiểu Đà Nẵng, ông Niwa Dai, Tổng Giám đốc Công ty Niwa Foundry Việt Nam cho rằng, so với các thành phố lớn tại khu vực ASEAN, thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bangkok…, lợi thế chính của Đà Nẵng gồm 3 điểm nổi bật, như: Đà Nẵng có quy hoạch khu công nghiệp nằm gần trung tâm thành phố nơi có ngành công nghệ thông tin (CNTT) phát triển mạnh mẽ, gần sân bay quốc tế, cảng biển quốc tế.

Đặc biệt về mặt địa lý, Đà Nẵng có vị trí thuận lợi nằm giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây. Tại khu vực phía nam của Đà Nẵng là tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, một phần của ngành công nghiệp ô-tô đang được tập trung công nghiệp hóa.

“Đà Nẵng cần định hướng phát triển kinh tế - xã hội theo mô hình đô thị “Giao điểm IoT (internet vạn vật)”. Hiện nay chính vì Đà Nẵng còn chưa đông dân và chưa có nhiều lượng hàng hóa, khả năng tiếp cận đất đai có thể sử dụng được dễ dàng, Đà Nẵng có thể là một mô hình điển hình tại ASEAN với lợi thế có môi trường có thể đối ứng một cách linh hoạt, dễ dàng thử nghiệm các chính sách mới.”, ông Niwa Dai tâm đắc.

Ông Ishikawa Yoshitaka, Tổng Giám đốc Công ty Les Gants đề nghị thành phố xem xét khả năng cho thuê các khu đất có diện tích nhỏ hơn trong các khu công nghiệp. Theo ông Yoshitaka, hiện nay tại các khu công nghiệp ngoại thành của Thành phố Hồ Chí Minh, các nhà đầu tư có thể thuê đất diện tích nhỏ từ 3.000m2 và có thể bắt đầu đầu tư từ quy mô nhỏ.

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản, so với việc thuê nhà xưởng, nếu có định hướng phát triển trong tương lai, việc trực tiếp xây dựng nhà xưởng về mặt chi phí có lợi ích lớn hơn. Nếu thành phố cho nhà đầu tư các sự lựa chọn (xây dựng nhà xưởng hay thuê nhà xưởng) thì sẽ có nhiều hơn các nhà đầu tư quan tâm đầu tư tại Đà Nẵng.

Còn Tổng Giám đốc Indochina Capital Peter Ryder đề xuất chính quyền thành phố không nên cấp phép xây dựng cho các nhà đầu tư cho đến khi họ chứng tỏ rằng họ có đủ nguồn lực và tài chính để thực hiện dự án để tránh trường hợp các dự án bị bỏ hoang. Cùng với đó, ưu tiên nguồn lực để tập trung phát triển các lĩnh vực quan trọng cho tương lai của thành phố như giáo dục, y tế.

Hoàn thiện hạ tầng giao thông, du lịch hiện đại

Ông Lê Minh Phúc, Giám đốc Công ty TNHH Biển VinaCapital đề xuất thành phố cần nghiên cứu kế hoạch trong 10-15 năm tới để thành phố có một khu vực cấm xe máy lưu thông (như thành phố Yangon của Myanmar).

Cùng với đó, Đà Nẵng cần tối đa hóa việc sử dụng các công năng của sân bay quốc tế Đà Nẵng, cảng Đà Nẵng vì số lượng khách du lịch liên tục tăng nhanh trong thời gian tới và sẽ tạo nên áp lực lên hạ tầng của thành phố. Ông Phúc đề xuất thành phố định vị lại ngành du lịch và nên tập trung vào việc đầu tư và phát triển các cơ sở du lịch chất lượng cao từ 4, 5 sao hoặc 5 sao+, việc tập trung thu hút một số lượng các khách du lịch VIP sẽ giúp đem lại nguồn thu lớn cho thành phố.

Theo ông Derrick Quentin, Trưởng đại diện Trường William Angliss tại Việt Nam, để phát triển hạ tầng giao thông hiện đại, thành phố cần quy hoạch bãi đậu xe tập trung cho các khu vực có nhiều nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ mát; đồng thời tăng cường đèn giao thông cho các tuyến đường ven biển.

Đi liền với đó là xây dựng chương trình giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông cho đối tượng là lái xe taxi và xe bus và kiểm soát việc chấp hành luật giao thông của đối tượng này ở các khu vực phát triển mạnh du lịch.

Bà Kako Sasai, Phó đại diện Văn phòng JETRO Nhật Bản tại Hà Nội kỳ vọng thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cạnh trạnh trong nước, dựa trên mô hình thành công như của Singapore tại Đông Nam Á để tiếp tục thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư từ Nhật Bản.

“Hiện nay mặc dù ở Đà Nẵng gần một nửa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Đà Nẵng đến từ Nhật Bản, tôi rất tiếc khi thấy các bản chỉ dẫn tại sân bay và trong nội thành đều chưa hiển thị tiếng Nhật. Với chính sách tăng cường quảng bá thu hút đầu tư và khách du lịch đến từ Nhật Bản, chúng tôi mong muốn thành phố sẽ có chính sách cải tiến ở lĩnh vực này”, bà Kako Sasai đề xuất.

Theo bà Yukiko Hirai, Tổng Giám đốc điều hành Selfwing Việt Nam, Đà Nẵng hiện nay đang tập trung vào một số lĩnh vực phát triển kinh tế như CNTT, du lịch, công nghiệp công nghệ cao… Để thu hút thêm đầu tư nước ngoài nhằm phát triển các lĩnh vực này, Đà Nẵng cần đầu tư và quảng bá mạnh mẽ hơn nữa như là điểm đến thuận lợi nhất cho khởi nghiệp (start-up) tại Việt Nam.

Không chỉ đầu tư vào cơ sở hạ tầng như các tòa nhà văn phòng vườn ươm doanh nghiệp, thành phố cũng cần chú trọng đầu tư vào các trung tâm ươm mầm, sáng tạo có thể cung ứng các hoạt động giáo dục khởi nghiệp, tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp... Nếu làm được điều này, Đà Nẵng sẽ tạo dựng được thương hiệu và lợi thế cạnh tranh độc đáo trong khu vực Đông Nam Á, thu hút được nhiều vốn đầu tư chất lượng (như mô hình của Singapore, Silicon Valley).  

Công khai quy hoạch, gắn kết lợi ích liên kết vùng

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng đề xuất thành phố tiến hành rà soát để loại bỏ những quy hoạch, công trình không còn phù hợp. Có cơ chế huy động nguồn lực, chuyển đổi những quy hoạch, không gian phát triển kinh tế - xã hội đã quy hoạch trước đây đến nay không còn phù hợp.

Sớm hoàn thiện quy hoạch, tuân thủ thực thi quy hoạch và công bố quy hoạch rộng rãi để cho người dân, nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp ở trong, ngoài nước nhận diện được định hướng phát triển, tiềm năng, cơ hội đầu tư, cơ hội an sinh cho người dân của Đà Nẵng và thu hút cư dân chất lượng cao ở trong và ngoài nước đến sống và làm việc tại Đà Nẵng.

Quy hoạch phải chú ý tới liên kết phát triển với 5 tỉnh ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Trước hết, khai thác cơ hội kết nối với Quảng Nam, Quảng Ngãi khi cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hoàn thiện và đi vào hoạt động.

Đà Nẵng định vị là trung tâm thương mại, tài chính, dịch vụ logistic, trung tâm giáo dục, y tế, vui chơi, giải trí không chỉ phục vụ cho Đà Nẵng mà là cho cả khu vực trong đó có các trung tâm sản xuất đặt tại Quảng Nam, Quảng Ngãi đã dần được hình thành. Đà Nẵng nên định vị mình là trung tâm cung ứng dịch vụ cho các trung tâm sản xuất lớn đặt tại Quảng Nam, Quảng Ngãi với quan điểm Quảng Nam, Quảng Ngãi phát triển thì Đà Nẵng được hưởng lợi và ngược lại.

Nghiên cứu mô hình chính quyền cảng

Ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng đề xuất: Để xây dựng thành công cảng Liên Chiểu, thành phố cần sớm để xuất thành lập chính quyền cảng để thúc đẩy sự ra đời cảng Liên Chiểu, có sự thống nhất sự quản lý Nhà nước trên địa bàn thành phố thì mới xây dựng được để chắn sóng, luồng vào cảng, đường kết nối, đầu tư cầu tàu, kho bãi. Thuê chuyên gia tư vấn về phát triển dịch vụ logistics, tư vấn quy hoạch, thiết kế. Trong dịch vụ phát triển logistics có dịch vụ phát triển cảng.

DIỆU MINH tổng hợp

(Nguồn báo cáo tổng hợp kiến nghị, đề xuất, hiến kế của hội, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân tại “Tọa đàm Mùa Xuân 2018”)

;
.
.
.
.
.
.