Sáng 6-6, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tập trung vào ba vấn đề nóng của giáo dục.
10:55
Chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) cho rằng kỳ thi thi tốt nghiệp THPT quốc gia hiện khối lượng kiến thức quá nặng, thi theo hình thức tổ hợp gây áp lực cho cả người dạy và người học. Đại biểu cũng cho biết, có ý kiến cử tri cho rằng học để thi chứ không phải học để áp dụng kiến thức áp dụng thực tiễn, sáng tạo và đặt vấn đề "Bộ trưởng đánh giá sao về ý kiến này"?
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2017 về cơ bản đã xã hội đồng tình, điều quan trọng là tiếp tục chỉnh sửa những bất cập để tốt hơn.
"Tuy nhiên, trong khi chưa áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới thì vẫn phải làm gọn nhẹ, thiết thực hơn đề thi, các câu hỏi, chuẩn hoá bài thi để vừa đánh giá được kiến thức, kỹ năng, đồng thời vẫn khơi dây, phát huy năng lực người học", Bộ trưởng khẳng định.
10:47
Đến 10h46 vẫn còn rất nhiều đại biểu đang chờ chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Chủ tịch Quốc hội nhắc các đại biểu chỉ hỏi 1 câu thôi vì còn trên 60 đại biểu nữa đang chờ chất vấn.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắc Nông Nguyễn Trường Giang chất vấn. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
10:42
Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TP Hồ Chí Minh) hỏi tiếp: Bộ trưởng mới nói nguyên nhân khách quan là nhu cầu của phụ nữ gửi trẻ từ 3 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi mà chưa thấy nguyên nhân chủ quan. Trong khi đó, báo cáo của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội nêu mặc dù Chính phủ đã phê duyệt đề án xây dựng nhóm trẻ tư thục tại khu công nghiệp nhưng đến nay Bộ GDĐT lại chưa có văn bản hướng dẫn vấn đề này.
10:40
Câu chuyện các nhà trẻ không nhận giữ trẻ mầm non 3 tháng tuổi được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) chưa đồng tình phần trả lời của Bộ trưởng với câu hỏi của đại biểu Đặng Thuần Phong về việc giữ trẻ mầm non.
Đại biểu Dung nêu: Thực tế trường công không đâu nhận trẻ 3 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi – đây là nhóm trẻ dễ bị bạo lực, đặc biệt tại khu công nghiệp. “Bộ trưởng nói 3 tháng tuổi rất khó, do khó khăn về kinh tế nên tập trung vào phổ cập nhóm trẻ 5 tuổi. Liệu có phải ta đã bỏ ngỏ vấn đề này hay không?”, đại biểu Dung hỏi.
10:35
Liên quan đến tuyển sinh mà đại biểu Hứu Thị Hà (Tuyên Quang) chất vấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, kỳ tuyển sinh năm trước điểm trung bình là 5-6, điểm 9-10 chiềm 3%, số điểm 10 chưa đến 1%. Nhưng có hiện tượng 30 điểm vẫn trượt là rơi vào ngành công an, quân đội do nhu cầu thi vào ngành này năm rất cao, điểm xét tuyển cũng rất cao.
Năm ngoái cũng có nguyên nhân nữa là điểm ưu tiên vùng miền cao (0,5). Để khắc phục vấn đề này, năm nay Bộ đã làm việc với Uỷ ban Dân tộc, Hội đồng dân tộc, các cơ quan liên quan để chuẩn chỉnh lại điểm ưu tiên, trong đó giữ nguyên điểm ưu tiên với đối tượng chính sách dân tộc, con em liệt sĩ; nhưng giữa vùng miền giảm một nửa vì những năm gần đây giữa khu vực 1 và khu vực 2 đã có sự phát triển, không chênh như trước kia. "Năm nay chúng tôi cũng tính toán để không còn hiện tượng không đáng có", Bộ trưởng nhấn mạnh.
10:31
Phiên chất vấn sáng nay đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội. Vào 10 giờ 30, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết còn 66 đại biểu chờ chất vấn, 8 đại biểu chờ tranh luận. Vì thế, đề nghị các đại biểu hỏi ngắn gọn, rõ ý, hỏi không nhanh quá để Bộ trưởng có thể nghe rõ.
10:15
Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) nêu tình trạng thiếu giáo viên mầm non, trong khi tỷ lệ trẻ mầm non ngày một tăng, giải pháp khắc phục thế nào? Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, yêu cầu với giáo viên mầm non rất cao do đặc điểm nghề nghiệp là giáo viên phải rất gần trẻ, rất vất vả. Biên chế giáo viên mầm non hiện nay là 2,2, nhưng ở địa phương chỉ từ 1,2-1,5/lớp nên rất "căng".
Bộ trưởng cũng nêu con số, hàng năm có khoảng 250.000 trẻ mầm non; trong khi 3 năm gần đây biên chế không tăng nên mong Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân quan tâm tới vấn đề này. Hứu Thị Hà (Tuyên Quang): cần phân biệt "thi thành công và tuyển sinh thành công"
10:05
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) hỏi về triết lý của giáo dục Việt Nam. Theo bà Hải, triết lý giáo dục như bản Hiến pháp, là kim chỉ nam của ngành nhưng hiện nay không rõ triết lí của Việt Nam là gì. Các nước đều có triết lí giáo dục như Nhật Bản là giáo dục đạo đức, Đức là nhân bản – thực tiễn, Pháp là sau phổ thông có thể đi làm.
Về câu hỏi này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng Bộ GDĐT cần tổ chức hội thảo về triết lý giáo dục.
10:00
Đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa-Vũng Tàu) tranh luận lại, cho rằng khi đưa ra 2 câu hỏi thì câu hỏi 1 Bộ trưởng nói sơ qua, câu hỏi 2 về chất lượng đầu vào ngành sư phạm Bộ trưởng chưa trả lời.
Trả lời đại biểu Phạm Đình Cúc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận năm ngoái có hiện tượng 3 điểm cũng vào được Cao đẳng, còn đối với các trường Đại học sư phạm thì đều trên điểm sàn (trên 15 điểm) ... nhưng điều này cũng báo động về chất lượng đầu vào của ngành sư phạm.
Bộ trưởng cũng bày tỏ tán thành với ý kiến của đại biểu là chất lượng không tốt ảnh hưởng không chỉ chất lượng về giáo dục của sư phạm, đặc biệt là giáo dục phổ thông.
Bộ trưởng cho biết, năm nay rút kinh nghiệm, trên xơ sở thống nhất các trường sư phạm thì tiêu chuẩn đầu vào phải nâng cao, hồ sơ xét tuyển vào Đại học sư phạm phải đạt loại giỏi, vào Cao đẳng phải khá. Các trường phải tính toán làm sao để ngưỡng đầu vào được nâng lên.
09:56
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ GDĐT phải kiểm soát cấp phép cho các chương trình liên kết đào tạo ngay từ đầu. Không để đến khi học viên học xong, nhận bằng rồi lại không công nhận gây lãng phí cho xã hội.
09:53
"Chủ trương liên kết đào tạo với nước ngoài là đúng để nâng cao chất lượng đào tạo nhưng một số trường đã không thực hiện nghiêm quy định về giáo viên nên triển khai không đạt yêu cầu. Bộ GDĐT có trách nhiệm do kiểm tra không thường xuyên, chúng tôi tiếp thu ý kiến của đại biểu và sẽ điều chỉnh những văn bằng không phù hợp", Bộ trưởng nói.
09:50
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) nêu thực tế việc công nhận với các văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp tại Việt Nam còn nhiều vấn đề, Bộ phải đi công nhận với từng văn bằng. Bộ trưởng cho biết Quyết định 77/2007/QĐ-BGDĐT về công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp đã lạc hậu.
Tới đây, Bộ sẽ sửa đổi quyết định này, công khai minh bạch bằng phần mềm. Những cơ sở nào được đào tạo sẽ công khai cho người học biết. Những chương trình chưa kiểm định thì Bộ sẽ giám sát. Như vậy sẽ giảm được thủ tục hành chính.
09:33
Vào lúc 9h30, Quốc hội nghỉ giao lao 20 phút trong phiên chất vấn sáng nay. Trước khi giải lao, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đến giờ này có 9 đại biểu đăng ký chờ tranh luận, 65 đại biểu chờ chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, về vấn đề xuống cấp đạo đức của giáo viên, thời gian qua cũng khiến dư luận bức xúc, nhưng đó là những trường hợp cá biệt, không phải là phổ biến, vì vậy không nên nhìn vào đó để đánh giá các thế hệ nhà giáo là xuống cấp đạo đức.
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
09:20
Bộ trưởng nói thêm: Ở nước ngoài 10-12 sinh viên là có 1 giảng viên, ở ta trên 20 sinh viên mới có 1 giảng viên, như vậy là rất thấp. "Bộ đã dùng phần mềm để công khai danh tính các thầy cô để giám sát việc một thầy cô dạy nhiều nơi, khắc phục tình trạng không trung thực.
09:18
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) hỏi Bộ trưởng về tỷ lệ thực số lượng PGS-TS trên người học ở Việt Nam là bao nhiêu. Nhiều tiến sĩ được ghi danh thỉnh giảng tại nhiều cơ sở đào tạo nhưng thực chất không được giảng, đứng tên nhiều công trình nghiên cứu khoa học, Bộ có giải pháp gì? Chủ tịch Quốc hội cho biết câu hỏi thiên về số liệu cần tổng hợp thì Bộ trưởng sẽ trả lời bằng văn bản.
09:12
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) tranh luận việc có nhiều trường ĐH trong nhiều năm không chiêu sinh đủ sinh viên. Ông Sơn cũng hỏi về việc làng đại học Đà Nẵng 22 năm quy hoạch "treo".
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết đã giám sát và ngưng hoạt động một số trường vì không đủ sinh viên. Tới đây trường nào yếu kém, 2-3 năm tuyển không đủ sinh viên thì phải giải thể hoặc sát nhập.
Trả lời về việc làng đại học Đà Nẵng 22 năm quy hoạch "treo", Bộ trưởng cho biết lý do là thiếu vốn, nhưng sự chủ động của lãnh đạo nhà trường còn yếu, chưa chủ động tham mưu cho Chính phủ. Thủ tướng đã chỉ đạo ưu tiên giải phóng mặt bằng, Bộ đã đề nghị Đà Nẵng phối hợp với Bộ về việc này.
09:05
Phiên chất vấn Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo nóng đến nỗi hệ thống máy của Quốc hội bị "treo". Chủ tịch Quốc hội cho biết có đến hơn 80 đại biểu đăng kí chất vấn và tranh luận, do đó Chủ tịch sẽ ưu tiên những đại biểu tranh luận vào đúng những vấn đề mà Bộ trưởng đã nói.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
08:55
Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương cho rằng có hiện tượng không hiếm là nhiều cháu không học những môn không thi, nhưng để đủ điều kiện được thi thì phụ huynh đến gặp thày cô để "nộp tiền" để được công nhận đạt những môn này. Đại biểu chất vấn: Theo Bộ trưởng, làm thế nào để có thể loại bỏ được hiện tượng tiêu cực này?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận đây là có thật, tuy chưa có thống kê, nhất là với trường chuyên. Ngành không đồng ý với kiểu học này vì giáo dục phổ thông là toàn diện, chú trọng giáo dục con người. Bộ trưởng nhấn mạnh "phản đối" điều này và mong nhà trường phối hợp để làm nghiêm.
08:49
Trả lời đại biểu Đặng Thuần Phong, Bộ trưởng Nhạ cho biết bậc mầm mon dù đã được quan tâm nhưng còn nhiều vấn đề. Phổ cập mầm non 5 tuổi tại khu công nghiệp chưa có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất và giáo viên. Bạo hành chủ yếu tại các trường tư thục.
"Hiện nay hệ thống pháp lí cơ bản đã có nhưng quan trọng là tổ chức thực hiện. Chúng tôi mong các Bộ liên quan và các địa phương, hội phụ nữ cùng chúng tôi tăng cường giám sát để phòng ngừa bạo hành là chính", Bộ trưởng nói.
08:47
Nhiều đại biểu đặt câu hỏi về giáo dục mầm non. Bộ trưởng cho biết những giáo viên không đủ năng lực sẽ kiên quyết đưa ra khỏi ngành, cơ sở xảy ra sai phạm phải giải thể, đóng cửa.
"Có nhiều giải pháp nhưng chúng tôi xác định giải pháp căn cơ là đội ngũ giáo viên phải được quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng thường xuyên, có chế độ hợp lý. Hiện nay giáo viên mầm non có bằng trung cấp, lương khởi điểm chỉ khoảng 2,4 triệu đồng, điều này cũng gây áp lực cho các cô giáo. Một mặt tăng cường bồi dưỡng đi liền chế độ đãi ngộ", Bộ trưởng nói.
08:45
Đại biểu Bùi Thị Thuỷ (Thanh Hoá) cho rằng giấy khen trong nhà trường đang mất dần giá trị, tỷ lệ học sinh giỏi khá nhiều. Điều này biểu hiện rõ nét của bệnh thành tích. Vậy giải pháp "chữa" căn bệnh này một cách dứt điểm như thế nào.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận, bệnh thành tích đã có từ lâu, ngành cũng rất cố gắng giải quyết và kiên quyết "nói không với bệnh thành tích". Ngành cũng đã có các văn bản nêu rõ bỏ rất nhiều cuộc thi, không tính điểm vào thi đua,...
Tới đây thông qua Luật Giáo dục cũng đưa vấn đề này vào. Thầy cô giáo nào có kết quả tích cực thì được ghi nhận chứ không phải chỉ căn cứ vào đăng ký thi đua. Vì đăng ký thi đua là gốc gác của vấn đề này. "Thủ tướng đã chỉ đạo, thi đua phải thiết thực và ngành giáo dục phải tiên phong", Bộ trưởng khẳng định.
08:35
Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) tranh luận: “Hiện nay, đầu tư cho bậc mầm non thấp nhất trong ngành giáo dục. Tỷ lệ gia đình phải đóng góp trong bậc học này là cao nhất so với các bậc học khác. Các bức xúc của dư luận trong bậc học này lại rất lớn, không hiểu UNICEF đánh giá cao thế nào?”
08:35
Đại biểu K'Nhiễu (Lâm Đồng) nêu thực trạng vấn đề cử tuyển bộc lộ nhiều hạn chế. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, cử tuyển là chính sách được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Cách đây 5-7 năm thì chính sách này phát huy tác dụng cao, vì sau khi cử con em đi học về thì được bố trí việc làm.
Tuy nhiên, gần đây, cử tuyển có vấn đề, nhiều cháu đi học về không bố trí được việc làm. Bộ trưởng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Quốc hội từ kỳ họp trước, ngành đã tiến hành khảo sát các đối tượng chương trình 30a và những vùng khó khăn...; và cũng sẽ đưa vào Luật Giáo dục lần này, bên cạnh đó rà soát đúng đối tượng cử tuyển.
08:26
"Mặc dù được tự chủ tuyển sinh nhưng không có nghĩa các trường thích mở ngành gì thì mở, phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình, trách nhiệm với sinh viên. Không thể khi mở ngành thì quảng cáo nhiều xong rồi không chịu trách nhiệm. Bộ sẽ tăng cường hậu kiểm thay vì tiền kiểm như hiện nay", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
08:24
Liên quan đến con số 200.000 cử nhân thất nghiệp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Không nên chỉ quan tâm con số thất nghiệp mà phải giải quyết câu chuyện này từ việc nâng cao chất lượng đào tạo. Chất lượng phải đạt chuẩn quốc tế và có thị trường lao động.
Vừa rồi Bộ đã có cơ chế cho một số ngành như công nghệ thông tin, du lịch được đào tạo theo cơ chế thị trường, tức là doanh nghiệp (DN) cùng tham gia vào đào tạo. Bộ chú trọng giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo để giảm thất nghiệp. Từng trường ĐH phải chủ động nghiên cứu thị trường trước khi mở ngành đào tạo.
08:20
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện mỗi năm số sinh viên, học sinh đi ra nước ngoài học tập dạng học bổng và không học bổng rất lớn (chi phí khoảng 3-4 tỷ USD). Vì vậy, bây giờ phải làm sao thu hút các gia đình có điều kiện không chỉ cho con cái ra nước ngoài học tập mà ngay trong nước cũng có thể hưởng nền giáo dục tốt.
Bộ trưởng cho biết thêm, chúng đã tham mưu cho Thủ tướng, Chính phủ để có chính sách tăng cường xã hội hoá, khuyến khích các thành phần kinh tế và doanh nghiệp và đến nay đã có nhiều nhà đầu tư đầu tư cho giáo dục và với yêu cầu là chất lượng.
Việc đầu tư đó phải đảm bảo chương trình giáo dục, đào tạo tiên tiến, chuẩn quốc tế, kiểm định từ đầu. Điều này cũng nhằm tăng sự đóng góp của khu vực tư nhân cho giáo dục.
08:12
Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) về phân luồng trong giáo dục hướng nghiệp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định đây không phải vấn đề mới, nhưng thời gian qua kết quả thực hiện chưa tốt.
Nguyên nhân nhiều nhưng trước hết từ nhìn nhận từ ngành giáo dục thì hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp chưa rõ ràng trong phân luồng. Trong tháng 5, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ LĐTB&XH tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.
08:08
Phát biểu đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, giáo dục và đào tạo là vấn đề liên quan đến mọi người, mọi nhà, đến tương lai đất nước. Đây là lĩnh vực rộng lớn, cần có thời gian mới phát huy được những kết quả của đổi mới. Thời gian qua ngành còn nhiều hạn chế, thiếu sót, còn vấn đề tồn tại, trong đó có nhiều vấn đề gây bức xúc cho nhân dân, có nhiều việc chưa đạt kỳ vọng của Quốc hội, cử tri và nhân dân.
Với trách nhiệm người đứng đầu ngành, Bộ trưởng khẳng định "chúng tôi xin chịu trách nhiệm về những gì chưa làm được".
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
07:41
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
07:40
Ba nhóm vấn đề các đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gồm: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; Công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập; Giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.
Theo Báo tin tức