Kiểm soát đất công, xử lý nghiêm tình trạng xâm hại trẻ em

.

Ngày 5-6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV. Đầu giờ sáng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà tiếp tục trả lời chất vấn. Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung trả lời các vấn đề nóng liên quan đến các lĩnh vực quản lý của ngành.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Trả lại bờ biển cho dân

Tranh luận với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị Chính phủ cần ban hành quy định rà soát toàn bộ bờ sông, bờ biển, không thể để nhà đầu tư chiếm hẳn bờ sông, bờ biển như vậy vì vừa sai luật, vừa bất công với người dân.

Giải thích vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, vừa qua thành phố Đà Nẵng xử lý được vấn đề này vì dựa trên pháp luật đã có. Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng thừa nhận có nhiều quy hoạch, dự án đã có từ trước khi các luật này có hiệu lực; do đó, trong trường hợp bất khả kháng, liên quan tới an toàn hay cản trở nhiều thì cần xem xét điều chỉnh.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, việc quản lý hành lang bờ biển, bờ sông đã được thể chế hóa bằng Luật Tài nguyên nước, Luật Tài nguyên môi trường biển… Do đó, không cần có thêm luật hay quy định mà chỉ cần thực hiện tốt việc đưa các luật này vào cuộc sống.

Các ĐB Quốc hội tham gia chất vấn tiếp tục quan tâm đến việc “đầu cơ” đất đai tại các địa phương sắp trở thành đặc khu. ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) nêu thực trạng giao dịch mua đất đai khá phức tạp tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), là những nơi sắp trở thành đặc khu.

ĐB Tiến cũng cho biết có thông tin người nước ngoài đã mua đất ở các khu vực này. Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, theo quy định hiện hành thì người nước ngoài không có quyền mua đất, chỉ được phép mua chung cư ở các đô thị. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN-MT cùng các cơ quan khác tiến hành kiểm tra, qua đó chưa phát hiện việc người nước ngoài mua đất ở các khu vực nêu trên.

ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đặt câu hỏi: Hiện ở Đà Nẵng có 3 nhà máy thép hoạt động; trong đó có tư liệu rõ ràng cho thấy 2/3 nhà máy không chỉ ô nhiễm về khói bụi mà còn có cả nguồn nước. Trong khi, hiện nay đang có kế hoạch đưa nhà máy thép Việt Pháp lên thượng nguồn các dòng sông tại Đà Nẵng và Quảng Nam, rất nguy hiểm.

Bộ TN-MT có biết vấn đề này không và chúng ta phải xử lý thế nào? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, 3 nhà máy thép này đã có những quy định, quy chuẩn về việc xử lý xả thải ra môi trường cũng như công nghệ xử lý rác thải.

Nếu đặt ở nơi không phù hợp thì có quan trắc thế nào cũng không hiệu quả. “Tôi đồng tình Đà Nẵng cần có trao đổi để tìm ra địa điểm hợp lý, chứ nếu đưa lên khu vực thượng nguồn các dòng sông thì rất khó kiểm soát”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Trả lời các câu hỏi mà ĐB đề cập liên quan đến vấn đề thất thoát đất công và ai chịu trách nhiệm, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận có nhóm lợi ích trong chuyện này. Bộ trưởng cũng đồng tình với ĐB trong việc quản lý đất đai không chặt chẽ.

“Trước cổ phần hóa, các doanh nghiệp đã sử dụng đất không đúng mục đích cho thuê cho mượn đấy thuộc trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp đó. Trong và sau cổ phần hóa, còn có trách nhiệm của ngành TN-MT và UBND các cấp”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Xâm hại trẻ em ngày càng phức tạp

Chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) và một số ĐB khác phản ánh về tình trạng bạo hành, bạo lực, xâm hại với trẻ em ngày càng tăng phức tạp gây bức xúc cho xã hội, đồng thời nêu câu hỏi về giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn nạn này. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, ở nước ta hằng năm có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo hành.

“Cá nhân tôi cho rằng con số có thể tăng lên. Về khung pháp lý, chúng ta hoàn toàn có đầy đủ như Luật Trẻ em. Sau khi tình trạng này gia tăng, Thủ tướng có chỉ thị 18 quy định phân cấp từng ngành, từng địa phương… tiến hành nhiều giải pháp khác nhau như tuyên truyền vận động, thành lập đường dây nóng 111; xử lý nghiêm một số vụ việc. Đặc biệt, một số vụ việc có chỉ đạo của lãnh đạo Nhà nước, Bộ LĐ-TB&XH trực tiếp đôn đốc xử lý”, ông Đào Ngọc Dung cho biết.

Trả lời chất vấn ĐB Quốc hội vào chiều 5-6, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, theo thống kê của ngành Công an, 5 tháng đầu năm 2018 đã xảy ra 682 vụ, 759 đối tượng, 735 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, số lượng các vụ xâm hại tình dục chiếm 84% trong số các vụ việc này.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, hiện quy định của luật pháp liên quan đến tội phạm xâm hại trẻ em, trong đó có xâm hại tình dục trẻ em, đã được quy định rất rõ ràng.

Tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ với phát biểu của các đại biểu rất bức xúc về tình trạng xâm hại trẻ em, phải đặt quyền lợi của trẻ em lên trên. Tuy nhiên không chỉ đặt nặng vấn đề xử lý, mà phải chú trọng phòng ngừa, hỗ trợ trẻ em. Phó Thủ tướng cho biết, từ năm 1990 đã có Công ước quốc tế về Quyền trẻ em, Việt Nam là một trong 2 nước đầu tiên ký công ước này.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi toàn thể xã hội chung tay chăm sóc, bảo vệ trẻ em. “Không như ngày xưa nữa, yêu thì cho roi cho vọt, ghét thì cho ngọt cho bùi, bây giờ văn minh rồi”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, gần đây có ý kiến nói rằng, nhiều doanh nghiệp FDI đã sa thải nhiều lao động độ tuổi 30-35, thậm chí có ý kiến của một viện nghiên cứu nói rằng tỉ lệ người bị sa thải khi 35 tuổi lên tới 80%.

“Tôi xin báo cáo Quốc hội và cử tri là không có chuyện này”, ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh và khẳng định, ngay sau khi có thông tin đã phối hợp Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội, đi khảo sát và đi kiểm tra thực tiễn ở các doanh nghiệp và tại 3 tỉnh (Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh) và Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả cho thấy không như phản ánh.

Kết luận phiên chất vấn ngày 5-6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng TN-MT, Bộ trưởng LĐ-TB&XH tiếp thu ý kiến của các ĐB Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy các kết quả đạt được để tạo chuyển biến tốt hơn trong thời gian đến.

Liên quan đến vấn đề quản lý đất đai, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, những năm qua, quản lý đất đai đã có chuyển biến, góp phần lập lại trật tự. Tuy nhiên, quản lý đất tại một số nơi còn hạn chế.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, mặc dù Chính phủ đã chấn chỉnh song còn nhiều bất cập. Vì vậy, trong thời gian tới cần thực hiện theo đúng Chỉ thị 01/2018 về quản lý đất đai của Thủ tướng. Đồng thời cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về đấu giá đất vàng tại các địa phương, rà soát quy hoạch đô thị dành không gian cho mục đích công cộng như bãi biển, điểm giữ xe…

Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.
.