Thiết chế văn hóa ở Đà Nẵng: Cần tương xứng với phát triển kinh tế

Bài 2: Đầu tư mạnh mẽ cho văn hóa

.

Để “sửa sai”, chính quyền Đà Nẵng đã nhanh chóng vào cuộc xốc lại ngành văn hóa bằng những quyết sách đầu tư.

Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng được thành phố giữ lại và đầu tư xây mới trở thành biểu tượng văn hóa đọc bên bờ sông Hàn.
Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng được thành phố giữ lại và đầu tư xây mới trở thành biểu tượng văn hóa đọc bên bờ sông Hàn.

Tăng đầu tư

Tại cuộc họp với ngành văn hóa vào tháng 2-2014, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng lúc bấy giờ là ông Trần Thọ cho rằng sau hơn 15 năm trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã xây dựng và phát triển thành một trong những đô thị lớn của cả nước và là trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của khu vực miền Trung. Tuy nhiên, công tác quản lý và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ trên lĩnh vực văn hóa vẫn còn một số hạn chế, bất cập; đặc biệt, việc đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với vị trí, vai trò của thành phố. Sau buổi làm việc này, Văn phòng Thành ủy ban hành Thông báo kết luận số 193 – TB/TU kết luận của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ đối với đầu tư cho văn hóa, nhằm đưa lĩnh vực văn hóa thành phố phát triển tương xứng với phát triển kinh tế, làm cho văn hóa thật sự là nền tảng tinh thần của xã hội.

Thực hiện thông báo này cùng với chủ trương “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2014”, UBND thành phố chỉ đạo điều chỉnh dự toán chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2014, tăng đầu tư cho văn hóa ít nhất gấp 1,5 lần so với năm 2013, năm 2015 tăng gấp 2 lần so với năm 2014. Cụ thể, năm 2014, vốn đầu tư 174,227 tỷ đồng, vốn sự nghiệp tổng chi toàn ngành 166,601 tỷ đồng (chi cho sự nghiệp văn hóa 56,557 tỷ đồng). Năm 2015, vốn đầu tư 179,6 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 190,890 tỷ đồng (chi cho sự nghiệp văn hóa 50,045 tỷ đồng). Năm 2016, vốn đầu tư 314,344 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 204,864 tỷ đồng (chi cho sự nghiệp văn hóa 56,757 tỷ đồng). Năm 2017, vốn đầu tư 78,242 tỷ đồng (do một số công trình giao cho quận, huyện triển khai bằng nguồn vốn đầu tư được thành phố phân bổ từ năm 2016), vốn sự nghiệp 211,797 tỷ đồng (chi cho sự nghiệp văn hóa: 71,081 tỷ đồng). Năm 2018, vốn đầu tư 105,76 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 249,432 tỷ đồng (chi cho sự nghiệp văn hóa 94,974 tỷ đồng).

Cũng trong thông báo này, một số TCVH trọng điểm được quan tâm đầu tư như: Nâng cấp Công viên 29-3; giữ nguyên vị trí, công năng và cải tạo, nâng cấp Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng; thành lập Bảo tàng Mỹ thuật, nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm; lập quy hoạch và thiết kế xây dựng công trình Nhà hát lớn thành phố; chọn địa điểm xây dựng Trung tâm Văn hóa thành phố…

Từ quyết định đầu tư này, các thiết chế văn hóa (TCVH) cấp thành phố đã từng bước được đầu tư hoàn thiện, cụ thể như: Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng có diện mạo mới và trang thiết bị hiện đại, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng ra đời, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Bảo tàng Điêu khắc Chăm được nâng cấp, sửa chữa; các di tích lịch sử, đình làng, đặc biệt là di tích thành Điện Hải được trùng tu, tôn tạo.

Theo Sở Văn hóa-Thể thao (VH-TT), hoạt động của các thiết chế khởi sắc, thu hút người dân và du khách, trong đó du khách đến tham quan Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm tăng mạnh so với các năm trước, hoạt động triển lãm mỹ thuật được tổ chức thường xuyên tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng; Thư viện Khoa học tổng hợp bổ sung nhiều đầu sách, tài liệu, lượng bạn đọc đến đông đảo, nhiều hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc như tổ chức trưng bày và giới thiệu sách mới, tọa đàm về sách…

Theo nhìn nhận của các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà quy hoạch, lãnh đạo Đà Nẵng đã có tầm nhìn chiến lược về đầu tư cho văn hóa. KTS Hồ Duy Diệm cho rằng, một trong những quyết định đúng đắn của lãnh đạo đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân là giữ lại Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng tại địa chỉ 46 Bạch Đằng và đầu tư xây dựng mới theo hướng không gian mở. Ông Diệm nhớ lại, năm 2005, UBND thành phố có Thông báo số 120/TB-VP về chủ trương di dời thư viện và tiếp đó quy hoạch Thư viện Khoa học tổng hợp về khu đất tại khu đông nam Đài Tưởng niệm thành phố để lấy đất xây dựng tổ hợp cao ốc, điều này đã nhận không ít phản ứng gay gắt của người dân và các nhà quy hoạch.

Đến năm 2014, Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ quyết định giữ lại và đầu tư nâng cấp thư viện cũ, đồng thời đầu tư xây dựng thêm thư viện mới với quy mô lớn, hiện đại tại khu đông nam Đài Tưởng niệm thành phố. “Tôi cho rằng đây là một bước ngoặt quan trọng làm thay đổi nhận thức về phát triển trong lĩnh vực văn hóa. Quan điểm của tôi thời điểm đó khá rõ ràng. Xét về vị trí địa lý tự nhiên thông thường thì khu đất 46 Bạch Đằng, nơi đặt Thư viện Khoa học tổng hợp là nơi đẹp nhất Đà Nẵng. Theo góc nhìn về phong thủy thì vị trí này chính là vị trí số một ở Đà Nẵng, đặc biệt, đây là đất “đắc địa” cho sự học”, ông Hồ Duy Diệm nói.

Một quyết định mang tính lịch sử khác đối với đầu tư cho văn hóa Đà Nẵng là chính quyền quyết tâm trả lại giá trị cho di tích thành Điện Hải. Để thực hiện chủ trương này, Đà Nẵng phải giải phóng mặt bằng và di dời toàn bộ số hộ dân ra khỏi khu vực thành Điện Hải, trả lại vùng bảo vệ II của di tích; di dời Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi khu vực bảo vệ I thành Điện Hải; triển khai thi công công trình tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải. Đồng thời, xem xét di dời các công trình tiếp cận với di tích như: trạm điện của Trung tâm Công nghệ phần mềm, Nhà Văn hóa phường Thạch Thang, dự án Nhà hàng và bến du thuyền Bạch Đằng…

Trao đổi với báo chí mới đây, TS, KTS Hoàng Đạo Cương, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích nhìn nhận, việc Đà Nẵng giữ gìn, bảo tồn di tích thành Điện Hải cũng như những bước đi thận trọng trong triển khai thi công công trình tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải cho thấy những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc.

Đối với TCVH cơ sở, 7 Trung tâm Văn hóa - Thể thao (VHTT) quận, huyện được bố trí đất để xây dựng công trình và đang được tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất. Trong năm 2015, thực hiện triển khai công tác đầu tư nâng cấp 6 khu vui chơi giải trí; cải tạo, nâng cấp 11 khu vui chơi giải trí thành Trung tâm VHTT, nâng cấp 5 nhà văn hóa phường (quận Hải Châu), đầu tư 5 Trung tâm VHTT xã (huyện Hòa Vang); 8 khu vui chơi giải trí chuyển đổi công năng thành công viên, vườn dạo kết hợp thể thao đơn giản, Trung tâm VHTT phường Hòa An với tổng mức đầu tư gần 54 tỷ đồng. Từ năm 2016 bằng nguồn vốn phân cấp của thành phố, các quận/huyện đã tiến hành đầu tư các thiết chế văn hóa cơ sở gồm 11 Trung tâm VHTT phường và các vườn dạo…

Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, về mặt tích cực, các TCVH, thể thao cơ sở đã tạo điều kiện cho quần chúng nhân dân đến vui chơi, giải trí; các hoạt động VHTT được tổ chức qua đó phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật, thể dục-thể thao. Đồng thời, lồng ghép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật là hoạt động tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cộng đồng dân cư về vai trò của văn hóa và hình thành đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh trong nhân dân. Ngoài ra, các Trung tâm VH-TT đã linh hoạt trong việc phối hợp, liên kết tổ chức hoạt động, trong đó có nguồn xã hội hóa như cho thuê hội trường, sân bãi..., vừa đa dạng hóa hoạt động, khai thác tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị, thu hút người dân đến vui chơi, giải trí, luyện tập thể dục, thể thao vừa mang lại nguồn thu để trả một số chi phí tại trung tâm.

Đồ họa: TUYẾT ANH
Đồ họa: TUYẾT ANH

Dành quỹ đất cho văn hóa

Gần đây, Đà Nẵng tiếp tục có những quyết sách đầu tư quyết liệt cho văn hóa, đáng chú ý là các dự án đất công sau khi sắp xếp lại sẽ dành đầu tư thiết chế văn hóa, công viên, quảng trường... Mới nhất là trong nội dung Thông báo Kết luận số 331-TB/TU của Ban Thường vụ Thành ủy tại cuộc họp ngày 23-1-2018 đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát tổng thể quy hoạch khu vực ven biển trên địa bàn các quận Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, Liên Chiểu; qua đó nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh quy hoạch để tạo một số công viên, bãi tắm, lối xuống biển có quy mô tương xứng, kết nối các trục đường chính và tiếp cận bãi biển, phục vụ cộng đồng; nghiên cứu thu hồi, mở rộng quy hoạch dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn. Đồng thời, tiến hành quy hoạch tổng thể hệ thống quảng trường trên địa bàn thành phố, đưa vào quy hoạch chung của thành phố.

Trên cơ sở đó xác định tính chất, quy mô của dự án quảng trường tại khu vực tứ giác các đường Hùng Vương - Phan Châu Trinh - Nguyễn Thái Học - Bạch Đằng (quảng trường trung tâm, quảng trường công cộng...); nghiên cứu phương án mở rộng Công viên APEC, chuyển đổi công năng đối với dự án nhà hàng và bến du thuyền theo hướng gắn kết với hoạt động của thành Điện Hải và khai thác mục đích công cộng hoặc bố trí là trung tâm thông tin du lịch; tăng cường diện tích đất tại khu đô thị Đa Phước để đầu tư các công trình công cộng, các TCVH (TTVH, nhà hát lớn, công viên cây xanh). Ngoài ra, giao cho Ban Tuyên giáo Thành ủy và Sở Văn hóa-Thể thao tiến hành rà soát các TCVH trên địa bàn thành phố để đề xuất quy hoạch giai đoạn từ đây đến 2030 và tầm nhìn đến 2045.

Phát biểu tại buổi làm việc với ngành văn hóa vào tháng 4-2018, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh: “Tăng cường đầu tư các TCVH là hết sức cần thiết, trở thành chủ trương lớn của Đảng bởi văn hóa là nền tảng của phát triển đất nước. Đối với Đà Nẵng, phải thống nhất quan điểm là vừa phát triển kinh tế song song với phát triển, bảo tồn văn hóa, phải dựa vào văn hóa để làm động lực phát triển KT-XH của thành phố, góp phần đưa thành phố phát triển một cách bền vững hơn. Những khu vực đã quy hoạch cho TCVH phải giữ để dành, tùy theo điều kiện triển khai cho phù hợp”.

Bài và ảnh: NGUYỄN CHUNG - LÊ PHẠM

;
.
.
.
.
.
.