Tôi học viết về đề tài xây dựng Đảng

.

Từ một phóng viên chuyên viết về mảng kinh tế, tôi được Ban Biên tập điều chuyển sang theo dõi mảng xây dựng Đảng (XDĐ). Ngày mới tiếp cận mảng đề tài này, tôi gặp rất nhiều trở ngại, lúng túng và thực sự không biết bắt đầu từ đâu. Nhưng được đồng nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, tôi đã nhận ra rằng, đề tài này không khô khan mà luôn có tính thời sự cao, mang đậm hơi thở cuộc sống.

Bồi dưỡng nghiệp vụ góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng viết bài về chủ đề xây dựng Đảng cho đội ngũ phóng viên. TRONG ẢNH: Các phóng viên báo Đảng khu vực miền Trung tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí viết về xây dựng Đảng tổ chức tại tỉnh Nghệ An.
Bồi dưỡng nghiệp vụ góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng viết bài về chủ đề xây dựng Đảng cho đội ngũ phóng viên. TRONG ẢNH: Các phóng viên báo Đảng khu vực miền Trung tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí viết về xây dựng Đảng tổ chức tại tỉnh Nghệ An.

Tuyên truyền về xây dựng Đảng trên báo chí là cầu nối nhằm đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng đến với đời sống xã hội, biến chủ trương của Đảng thành ý chí, quyết tâm của quần chúng nhân dân. Thông qua những bài viết về xây dựng Đảng, các chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước và địa phương được thể hiện sinh động, hấp dẫn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng trong thực tiễn cuộc sống hằng ngày. Trên thực tế, hầu hết các cơ quan báo Đảng từ Trung ương đến địa phương đều dành tỷ lệ “đất” thích đáng, tập trung đầu tư nhân lực, trí tuệ để tuyên truyền có hiệu quả về công tác XDĐ.

Ở Báo Đà Nẵng, việc viết về công tác XDĐ luôn được Ban Biên tập xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong nhiều năm qua. Các bài viết về lĩnh vực XDĐ thường xuyên được Ban Biên tập, lãnh đạo phòng định hướng và yêu cầu phóng viên đầu tư đúng mức để có những tác phẩm vừa đúng đường lối, quan điểm chính trị vừa hấp dẫn bạn đọc, đáp ứng yêu cầu tuyên truyền của báo Đảng địa phương. Yêu cầu đó quả thật không dễ đối với phóng viên trẻ, nhất là những phóng viên ngày đầu viết về mảng đề tài này như tôi.

Người làm báo thường có câu, đã hành nghề cầm bút thì mảng nào cũng “chơi được”, thế nhưng với tôi, khi mới tiếp cận thì việc tạo ra một tác phẩm về đề tài XDĐ vừa bảo đảm định hướng tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng vừa phải sinh động và hấp dẫn để thu hút bạn đọc thì quả thực không dễ chút nào. Ban đầu, khi tiếp xúc với mảng đề tài này, tôi thực sự gặp rất nhiều khó khăn ngay từ khâu tiếp cận tìm đề tài, khai thác thông tin cũng như phong cách thể hiện tác phẩm. Vì vậy, cứ đến thứ  năm hằng tuần, khi thực hiện đăng ký đề tài, dường như đầu tôi như muốn “nổ tung” lên vì nghĩ mãi chẳng biết thực hiện đề tài nào cho đúng, cho trúng, chứ chưa nói hay về đề tài XDĐ. Vì những đề tài mà mình suy nghĩ, có ý định thực hiện thì dường như các anh chị đồng nghiệp đã thực hiện trước đó rồi. Thế là đôi lúc bí phải chọn đề tài khác “chữa cháy”.

Từ những đồng nghiệp trong Báo Đà Nẵng từng viết nhiều về XDĐ, tôi được “mách nước” là nên chọn những vấn đề dễ như: công tác phát triển đảng viên mới trong quần chúng là sinh viên, thanh niên nông thôn, miền núi; triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước tại các tổ chức Đảng và cơ quan, đơn vị. Tiếp đó là tiếp cận với những khó khăn, vướng mắc trong phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; cho đến việc đổi mới phương thức lãnh đạo để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Riêng đề tài về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng được tôi dành nhiều thời gian tìm hiểu để viết bài tuyên truyền. Khi mỗi bài viết được đưa lên biên tập, rất nhiều vấn đề người viết cần phải bổ sung, chỉnh sửa, thậm chí viết lại để đạt yêu cầu và hoàn thiện một bài báo. Cái khó là vừa không lặp lại những lối viết cũ, nhưng lại vừa cung cấp những thông tin mới, cách làm hay trong mỗi tác phẩm. Điều này với tôi thật sự là một thách thức cần phải tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa khi gắn bó với mảng đề tài này.

Qua những lần gặp gỡ, trao đổi với các đồng nghiệp cùng cơ quan cũng như các phóng viên ở các cơ quan, thông tấn báo chí Trung ương và các báo Đảng địa phương khác, đa số phóng viên chuyên viết về XDĐ, ban đầu ai nấy đều khẳng định, để có những bài viết hay quả thực không dễ chút nào. Các đồng nghiệp trong cơ quan tôi thường gọi những phóng viên viết về XDĐ là những người viết mảng “khó, khô”. Thực tế, nhiều đồng nghiệp đã khẳng định, viết về mảng XDĐ khó từ khâu xác định đề tài, xây dựng nội dung đề tài, khai thác tư liệu cũng như cách thức thể hiện tác phẩm đều có những yêu cầu cao về kiến thức, vốn sống, nghiệp vụ và quan trọng hơn nữa đó là thể hiện tâm huyết, bản lĩnh chính trị của người cầm bút.

Không ít lần được tiếp xúc với các nhà báo “cây đa, cây đề” của thành phố, được nghe các chú, các anh và những bạn đồng nghiệp chia sẻ về nghề, tôi cũng vỡ vạc được nhiều điều. Khi mới “học nghề” viết về XDĐ, tôi đã được anh chị em đồng nghiệp đi trước luôn nhiệt tình hỗ trợ, chia sẻ thông tin về mảng đề tài này. Tôi được Ban Biên tập cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ viết về XDĐ do các nhà báo chuyên viết về XDĐ đứng lớp. Thông qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đã giúp tôi có thêm kinh nghiệm, kỹ năng trong việc tiếp cận đề tài, khai thác thông tin cũng như cách thức thể hiện tác phẩm viết về XDĐ. Từ đó, tôi đã đúc kết ra một điều, để có được tác phẩm viết về XDĐ, ngoài phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, vốn sống phong phú, phóng viên luôn phải nghiên cứu, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; đặc biệt là phải có trình độ lý luận chính trị và sự nhạy cảm trước các sự kiện đã, đang và sẽ diễn ra.

ANH NHƯ

;
.
.
.
.
.
.