Vui, buồn với những cựu chiến binh

.

Gần 20 năm phụ trách đề tài cựu chiến binh (CCB) đã để lại trong tôi những ấn tượng không thể phai mờ về lớp người một thời xả thân cứu nước, những trăn trở về một lĩnh vực khó viết và khó hấp dẫn… 

Đại diện lãnh đạo quận Hải Châu tặng quà cho cựu chiến binh Điện Biên Phủ toàn thành phố.
Đại diện lãnh đạo quận Hải Châu tặng quà cho cựu chiến binh Điện Biên Phủ toàn thành phố.

Nhờ phụ trách mảng CCB, tôi có cơ hội tìm hiểu nhiều chiến công, kỳ tích trên thành phố quê hương trong các thời kỳ kháng chiến. Đơn cử như sự kiện Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng năm 1965, nhưng trước đó, từ đầu năm 1962 đã diễn ra trận đánh bọn cố vấn Mỹ tại bán đảo Sơn Trà.

Trận đánh do Đội Công tác đặc biệt của Huyện ủy Hòa Vang thực hiện, người chỉ huy là Đội trưởng Trần Thị Kim Cúc (SN 1936), hiện ở phường Thanh Bình (quận Hải Châu). Tôi được nghe bà Trần Thị Kim Cúc kể lại trận đánh rất tỉ mỉ và đã viết bài “Trận đánh Mỹ ở Sơn Trà năm 1962” đăng Báo Đà Nẵng ngày 22-9-2017. Sau khi xuất bản, bài báo được nhiều người xem và những nhân chứng lịch sử nêu trong bài đã điện đến tôi, bày tỏ sự xúc động cùng niềm vui khi được nhắc lại chiến công của họ từ hơn nửa thế kỷ trước.

Hay như ở Đà Nẵng nhiều người biết núi Phước Tường, nhưng mấy ai biết ngay trên đỉnh núi này, vào đêm 17-5-1967 đã diễn ra trận đánh lẫy lừng của 12 cảm tử quân, tiêu diệt tiểu đoàn tên lửa Tomahawk của giặc Mỹ, mừng kỷ niệm 77 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh?

Một trong những chiến sĩ cảm tử ấy là ông Nguyễn Đình Tham, 74 tuổi, hiện ở phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) đã kể cho tôi nghe trận đánh trên núi Phước Tường năm ấy và tôi cũng đã viết bài về sự kiện này.

Sau khi báo đăng, tôi nhận được điện thoại của ông Nguyễn Đình Tham và 2 cảm tử quân hiện còn sống, đó là ông Trần Ngọc Sẵn ở thành phố Đà Nẵng và ông Trương Văn Ba ở tỉnh Quảng Nam. Cả 3 CCB đều nói lên sự phấn khởi khi được hậu thế nhắc lại chiến công năm xưa với sự tôn vinh, trân trọng và cùng bày tỏ niềm mong muốn có tấm bia ghi lại chiến công ấy.

Tôi đã đăng lại bài viết cùng nguyện vọng của 3 CCB ấy trong tập sách kỷ niệm 10 năm thành lập quận Cẩm Lệ và một lần nữa nhận được nhiều lời cảm kích của những người trong cuộc...

Cựu chiến binh Trần Thị Kim Cúc, người chỉ huy trận đánh bọn cố vấn Mỹ tại bán đảo Sơn Trà năm 1962 và ông Nguyễn Đình Tham, một trong 12 cảm tử quân lập chiến công trên núi Phước Tường đêm 17-5-1967.
Cựu chiến binh Trần Thị Kim Cúc, người chỉ huy trận đánh bọn cố vấn Mỹ tại bán đảo Sơn Trà năm 1962 và ông Nguyễn Đình Tham, một trong 12 cảm tử quân lập chiến công trên núi Phước Tường đêm 17-5-1967.

Cũng thông qua các CCB để viết bài nhân các ngày kỷ niệm, tôi còn biết tỉ mỉ chủ trương nhạy bén, kịp thời của Quân ủy Trung ương về việc khẩn trương giải phóng Trường Sa và các đơn vị thực hiện nhiệm vụ này đều tập kết và xuất phát tại cảng Tiên Sa (Đà Nẵng).

Bởi trong mùa Xuân lịch sử 1975, khi quân đội Sài Gòn trong đất liền bị thua to khắp nơi, thì các đơn vị ngụy quân đóng ở Trường Sa chắc chắn sẽ hoang mang, dao động. Nếu ta không nhanh chóng giải phóng Trường Sa, thì nước ngoài sẽ lợi dụng cơ hội xâm chiếm quần đảo Trường Sa của Việt Nam như Trung Quốc đã từng xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974...   

Gần 20 năm viết về CCB, tôi đã thành người thân quen với nhiều vị lãnh đạo lão thành. Các đồng chí Trần Thận, nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà; Lê Công Thạnh, nguyên Phó Chính ủy Mặt trận 4 Quảng Đà, các Anh hùng LLVTND Hồ Phúc Ngôn, Nguyễn Thanh Thủy cùng biết bao nhân chứng lịch sử đã trở nên thân thiết với tôi. Hễ nghe tôi liên lạc là họ lại hỏi ngay:

“Nhà báo lại viết bài kỷ niệm phải không?”. Và, chẳng biết tự bao giờ, trong lòng tôi đã in sâu hình ảnh của những người một thời xả thân cứu nước và coi việc viết bài về các chiến công, kỳ tích của họ là trách nhiệm, là niềm vui của mình trên hành trình làm báo.   

Có một kỷ niệm vui mà tôi không thể nào quên liên quan đến các CCB Điện Biên Phủ, đó là vào ngày 7-5-2013, Ban Liên lạc CCB Điện Biên Phủ thành phố Đà Nẵng tổ chức gặp mặt kỷ niệm tại nhà khách Vạn Tường trên đường Nguyễn Tri Phương.

Đến đưa tin buổi gặp mặt này, tôi nghe các CCB ở quận Hải Châu thổ lộ là không được lãnh đạo quận thăm hỏi, tặng quà như ở các địa phương khác. Tôi có quen biết ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu, liền điện thoại trao đổi với ông Lê Anh nỗi niềm ấy của các CCB Điện Biên Phủ.

Nghe vậy, ông Lê Anh liền nhờ tôi chuyển máy cho ông gặp một người đại diện các CCB Điện Biên Phủ ở quận Hải Châu. Ông Lê Anh đã hỏi tỉ mỉ địa chỉ từng người và ngay trong ngày hôm ấy, ông tổ chức đến từng nhà, thăm hỏi, tặng quà các CCB Điện Biên Phủ.

Từ đó, 10 CCB Điện Biên Phủ ở quận Hải Châu được lãnh đạo quận quan tâm hơn hẳn các nơi khác. Không chỉ vậy, mỗi dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Lê Anh còn tổ chức bữa liên hoan thân mật và trao tặng quà đồng loạt (1 triệu đồng) cho tất cả CCB Điện Biên Phủ trong toàn thành phố.

Điều trăn trở thường xuyên của tôi là Hội CCB các cấp ít có hoạt động và hoạt động nhiều nơi khá giống nhau. Tìm “cái mới” rất khó, trong khi chức năng của nhà báo là phải tìm tòi, phát hiện cái mới, phản ánh cái mới.

Mảng đề tài CCB là một lĩnh vực thật khó để có thể viết hay nếu chúng ta không dành tất cả tâm huyết và nhất là sự trân trọng quá khứ cũng như những đóng góp cho đời thường, cho sự phát triển đất nước, quê hương của “Bộ đội Cụ Hồ”. Cùng với những bài báo ấn tượng, hấp dẫn, người viết đã thâu nhận nhiều kiến thức quý giá và muôn vàn tình cảm thắm nồng.

LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.
.