Vướng mắc quản lý đất rẻo

.

Các dự án hạ tầng đô thị hoàn thành để lại hàng ngàn lô đất rẻo gần như trong tình trạng vô chủ dù vẫn mang danh Nhà nước quản lý. Phân cấp cho quận, huyện quản lý đất rẻo là câu chuyện được Thường trực HĐND thành phố yêu cầu thực hiện từ cuối tháng 7-2016, đến nay vẫn là vấn đề nói mãi nhưng chậm triển khai.

Lô đất rẻo có diện tích lớn do dự án bỏ lại trên địa bàn phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu được UBND phường cải tạo tạm thời làm thành sân chơi cho khu dân cư.
Lô đất rẻo có diện tích lớn do dự án bỏ lại trên địa bàn phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu được UBND phường cải tạo tạm thời làm thành sân chơi cho khu dân cư.

Vấn đề quản lý đất rẻo từng được chất vấn tại kỳ họp thứ 14 của HĐND thành phố khóa VIII và tiếp tục là vấn đề bức xúc kéo dài đến hôm nay.

Tại phiên giải trình của Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) ngày 29-7-2016, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung lúc đó đánh giá công tác quản lý đất rẻo chưa tốt, còn để người dân chiếm dụng và xây dựng trái phép trên đất rẻo, thậm chí có tiêu cực trong quản lý đất rẻo.

Để xử lý thực trạng này, Thường trực HĐND thành phố yêu cầu UBND thành phố chuyển giao nhiệm vụ quản lý cũng như thẩm quyền giải quyết hợp thửa đất rẻo cho người dân có nhu cầu cho UBND các quận, huyện.

Một năm sau, UBND thành phố ban hành Quyết định số 3862/QĐ-UBND ngày 14-7-2017 quy định về quản lý, sử dụng đất rẻo trên địa bàn thành phố; trong đó phân cấp cho UBND quận, huyện quản lý đất rẻo và chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan giải quyết nhu cầu hợp thửa đất rẻo cho người dân.

Quyết định này quy định UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm rà soát, tổng hợp quỹ đất rẻo trong địa giới hành chính và quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, UBND các quận, huyện đang gặp khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ này.

Phó phòng TN-MT quận Thanh Khê Trần Trung Nam cho biết, hầu hết đất rẻo (theo quy định tại Quyết định 3862/QĐ-UBND) đều phát sinh do quá trình triển khai các dự án hạ tầng đô thị. Sau khi dự án hoàn thành, phần đất rẻo không được bàn giao lại cho quận; vậy lấy gì để rà soát, để quản lý.

Chỉ sau khi có công văn đốc thúc của Sở TN-MT, trong cuối tháng 6-2018, quận mới nhận được danh sách 22 lô đất rẻo của 2 dự án do Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên bàn giao. Tuy nhiên, ban này mới chỉ bàn giao trên giấy còn hồ sơ kỹ thuật để biết chính xác vị trí đất rẻo lại không bàn giao.

Một cái khó khác cho quận là trước đây thành phố có 9 Ban quản lý dự án (BQLDA) nay sáp nhập còn 6 ban. Các BQLDA mới không chủ động bàn giao đất rẻo, quận cũng chịu.

Quận Thanh Khê còn có trường hợp người dân ở phường Thanh Khê Tây xin hợp thửa đất rẻo thừa lại sau dự án kè bờ sông Phú Lộc, nhưng BQLDA đó có từ khi chưa thành lập quận và giải tán sau đó. Nay cả quận và người dân không biết thông tin lô đất rẻo đó hiện nay do ai quản lý để yêu cầu hợp thửa.

Trưởng phòng TN-MT quận Liên Chiểu Lê Duy Hòa cũng bày tỏ bức xúc: “Trên địa bàn quận có hơn 80 dự án hạ tầng đô thị, số lượng đất rẻo chắc chắn rất nhiều nhưng quận không thể quản lý được vì biết vị trí lô đất rẻo đó ở đâu mà quản.

Từ trước đến nay, quận chỉ biết và thực hiện quản lý khi người dân nộp đơn xin hợp thửa đất rẻo dự án. Khi đó, UBND quận phối hợp với các sở, ngành của thành phố giải quyết nhu cầu hợp thửa cho người dân.

Tuy nhiên, thủ tục hợp thửa cho dân qua nhiều cơ quan, rất rườm rà. Đến nay, trên địa bàn quận mới chỉ có 7 trường hợp được giải quyết hợp thửa đất rẻo”. Ông Hòa cũng cho biết, mặc dù Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở TN-MT là cơ quan quản lý đất đai có đủ hồ sơ quản lý đất rẻo nhưng không chia sẻ thông tin này với quận.

Khi được hỏi, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Trần Nam Hưng cho biết Trung tâm chỉ bàn giao quỹ đất rẻo của các dự án do Trung tâm phụ trách và 80 trường hợp xin hợp thửa đất rẻo về các quận, huyện. Đất rẻo do các BQLDA khác quản lý, Trung tâm không biết.

Phó ban Pháp chế HĐND thành phố Huỳnh Bá Cử bày tỏ đồng tình với việc UBND thành phố ban hành Quyết định 3862/QĐ-UBND phân cấp cho UBND các quận, huyện quản lý đất rẻo.

Việc phân cấp này là phù hợp nhằm khai thác nguồn lực không nhỏ bổ sung vào ngân sách thành phố, vừa quản lý hiệu quả đất đai tránh tình trạng lãng phí, tránh để người dân lấn chiếm, sử dụng trái phép đất đai.

Tuy nhiên, việc giao UBND quận, huyện quản lý nhưng lại không quy định các cơ quan: Trung tâm Phát triển quỹ đất, các BQLDA, các đơn vị được giao chức năng giải tỏa đền bù, khai thác quỹ đất phải bàn giao quỹ đất rẻo từ các dự án hạ tầng đô thị làm cho nhiệm vụ quản lý của UBND các quận, huyện là không thực quyền. Và nhiệm vụ quản lý đất rẻo của UBND các quận, huyện tiếp tục là câu chuyện dài chưa có hồi kết.

Bài và ảnh: SƠN TRUNG

;
.
.
.
.
.
.