ĐNO - Ngày 20-11, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) Hồ Hương cho biết, sông Cầu Đỏ nhiễm mặn nặng trở lại trong 2 ngày qua với độ mặn cao nhất vào sáng 20-11 gần 450mg/l.
Dawaco đề nghị được đắp bao cát tại sông Quảng Huế để tăng lưu lượng nước sông Vu Gia về đẩy mặn và bảo đảm cấp nước sinh hoạt. |
Cùng với đó, mực nước sông Yên tại Trạm bơm phòng mặn An Trạch cũng hạ thấp, nhất là vào tối 19-11, chỉ từ 1,59-1,63m.
Do sông Cầu Đỏ nhiễm mặn nặng, Dawaco đang tiến hành bơm nước thô từ Trạm bơm phòng mặn An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ để sản xuất, cấp nước sinh hoạt cho thành phố.
Đáng nói, trong 1 tuần qua, các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia như: Sông Bung 4, A Vương vận hành xả nước về hàng ngày từ 6-12 giờ với lưu lượng lớn. Trong khi đó, thủy điện Sông Tranh 2 và Đăk Mi 4 cũng vận hành xả nước phát điện với lưu lượng lớn về sông Thu Bồn, góp phần đẩy mặn cho sông Hàn.
Đặc biệt, vào ngày 19-11, thủy điện Sông Bung 4 xả nước về sông Vu Gia trong 14 giờ với lưu lượng từ 139-163m3/s, thủy điện A Vương xả nước trong 2 giờ với lưu lượng 30m3/s; thủy điện Sông Tranh 2 xả nước dưới mực nước chết về sông Thu Bồn trong 6 giờ với lưu lượng từ 137-192m3/s.
Nhưng đến tối 19-11, mực nước sông Vu Gia tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa vẫn ở mức thấp kỷ lục là 1,85m. Lưu lượng nước từ thượng nguồn về ít trong khi triều cường cao do gió mùa đông bắc đang hoạt động là nguyên nhân làm cho nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nặng trong 2 ngày qua.
Ông Hồ Hương cho hay: “Mặc dù các nhà máy thủy điện xả nước về nhưng sông Cầu Đỏ vẫn bị nhiễm mặn và mực nước tại Trạm bơm phòng mặn An Trạch vẫn hạ thấp. Có thể nước từ các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia xả về bị chia qua sông Thu Bồn quá nhiều do khu vực cửa sông Quảng Huế bị xói lở nặng. Vì thế, nếu được UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý cho đắp đập tạm ở cửa sông Quảng Huế thì Dawaco xin được thực hiện ngay việc đắp bao cát tại đây để bảo đảm nguồn nước thô về cấp nước sinh hoạt và đẩy mặn”.
Tin và ảnh: HOÀNG HIỆP