ĐNO - Những ngày qua, bờ biển Đà Nẵng bị sóng cao xâm thực sâu, gây sạt lở nhiều vị trí và bồi lấp các cửa xả thoát nước mưa. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, mưa lớn tại thành phố Đà Nẵng còn kéo dài đến ngày 3 và 4-1-2019.
Sóng biển xâm thực sâu vào bờ, cuốn trôi cát chung quanh các gốc dừa trước một khu nghỉ dưỡng ven biển |
Những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh cường độ mạnh nên vùng biển Đà Nẵng có gió bắc đến đông bắc mạnh cấp 5-6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh, độ cao sóng từ 1,5m đến 3m. Sóng cao và nước biển dâng làm xâm thực sâu vào bờ biển dọc theo đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa thuộc quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.
Tại bờ biển thuộc các phường Thọ Quang, Mân Thái (quận Sơn Trà), một số ghe, thuyền của ngư dân bị sóng đánh chìm và làm trôi dạt các ngư, lưới cụ vào bãi biển. Một số dụng cụ thể thao bãi biển và phục vụ kinh doanh dịch vụ bãi biển, chợ cá cũng bị sóng biển tấp vào bờ.
Bờ kè của các nhà hàng ven biển ở phía bắc bãi tắm công cộng Sao Biển (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) tiếp tục bị sóng biển khoét sâu gây sạt lở. Bờ kè của bãi tắm công cộng Sơn Thủy (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) bị sóng biển đánh nứt nẻ, nguy cơ đổ sập. Hàng loạt hàng dừa chắn gió ven biển do các khu nghỉ dưỡng, khách sạn trồng bị sóng biển cuốn trôi cát chung quanh gốc.
Một số ghe, thuyền của ngư dân phường Mân Thái và Thọ Quang (quận Sơn Trà) bị sóng biển đánh chìm, cuốn trôi các ngư lưới cụ vào bãi biển. |
Các ngư dân tìm cách ra vị trí neo đậu để tát nước, chống chìm cho ghe, thuyền. |
Dụng cụ chơi thể thao bãi biển cũng bị sóng biển xâm thực đánh dạt vào bờ kè. |
Bờ kè của nhà hàng Dana Beach (phường Mỹ An) đã bị sóng cuốn trôi, tiếp tục làm sạt lở nặng nề. |
Một đoạn bờ kè đã bị sóng biến khoét sâu. |
Bờ kè của bãi tắm công cộng Sơn Thủy bị sóng đánh nứt, có nguy cơ bị đổ sập. |
Bên cạnh các vị trí sạt lở, sóng biển cũng bồi lấp cát tại nhiều vị trí, đặc biệt là bồi lấp các cửa xả thoát nước mưa ra biển như: Mân Thái, Mỹ Khê, Mỹ An, phía nam bãi tắm Sơn Thủy... dễ gây ngập úng cho các khu vực dân cư và khu phố du lịch khi mưa lớn.
Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng Mai Mã cho biết, trong đêm 29-12, công ty đã huy động phương tiện và nhân lực khơi thông các cửa xả nhưng lại bị sóng biển bồi lấp đầy cát.
‘‘Hiện nay, các trạm bơm đang vận hành hết công suất đưa nước mưa lẫn nước thải về các trạm xử lý nước thải. Công ty cũng đã tập kết phương tiện và nhân lực, khi xảy ra các trận mưa lớn thì huy động đào cát bồi lấp, chống ngập úng cho các tuyến đường, khu dân cư”, ông Mai Mã nói.
Nhiều cửa xả nước mưa ra biển bị cát bồi lấp nặng nề, dễ gây ngập úng cho đường phố và khu dân cư khi xảy ra mưa lớn |
Cửa xả Mỹ An bị tái bồi lấp hoàn toàn. |
Theo Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh, trong ngày và đêm nay (30-12), vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7; biển động; sóng biển cao từ 3-5m. Riêng vùng biển Đà Nẵng có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8, biển động mạnh, độ cao sóng từ 1,5-3m.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rìa phía bắc rãnh thấp có trục qua Nam Bộ và gió đông hoạt động mạnh nên từ hôm nay (30-12) và ngày mai, 31-12, tại thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục có mưa, có nơi mưa vừa vừa đến mưa to.
Tổng lượng mưa đo được tại huyện Hòa Vang và các quận Cẩm Lệ, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn phổ biến từ 20-40mm, có nơi trên 60mm; các quận Liên Chiểu, Thanh Khê và Hải Châu phổ biến 10-30mm, có nơi trên 50mm.
Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ cũng dự báo, đợt mưa này khả năng còn kéo dài đến ngày 3 và 4-1-2019. Nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở vùng núi, lũ quét trên các sông suối nhỏ, đặc biệt là các huyện Hòa Vang và các quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn và ngập lụt ở vùng trũng thấp.
Tin và ảnh: HOÀNG HIỆP