Chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua bưu điện: Tiện cả đôi bên

.

Ở tuổi gần 80, từ vài năm nay, việc đi lại của bà Nguyễn Thị Tình (thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của bệnh xương khớp. Trước đây, cứ mỗi đầu tháng, bà lại nhờ con cháu chở ra trụ sở UBND xã nhận tiền trợ cấp ưu đãi người có công cách mạng (NCCCM).

Tuy nhiên, từ khoảng cuối năm 2017, khi việc nhận trợ cấp được chuyển về bưu điện xã và cho phép ủy quyền nhận, chuyện nhận tiền hằng tháng với bà đã thuận lợi hơn nhiều.

“Từ khi chuyển về nhận tiền trợ cấp ở bưu điện, tôi chỉ việc ở nhà ủy quyền cho con trai đi làm về ghé nhận nên rất thuận lợi”, bà Tình nói. Còn ông Nguyễn Văn Tân (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) cho hay, việc chi trả do nhân viên ngành bưu điện đảm nhận nên nhanh chóng và thuận lợi hơn nhờ huy động đến 3 người làm việc tại UBND phường.

Chị Đinh Thị Ngọc Lan, nhân viên bưu điện xã Hòa Phước chi trả tiền  trợ cấp ưu đãi tại bưu điện cho người dân.
Chị Đinh Thị Ngọc Lan, nhân viên bưu điện xã Hòa Phước chi trả tiền trợ cấp ưu đãi tại bưu điện cho người dân.

Chị Đinh Thị Ngọc Lan, nhân viên của Bưu điện xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) cho biết: “Để tránh tình trạng người nhận tiền chờ đợi lâu, chúng tôi dành riêng hai ngày 4 và 5 hằng tháng chi trả cho đối tượng NCCCM, sau đó mới chi trả trợ cấp xã hội và thu hộ tiền điện, nước.

Với 230 người được nhận trợ cấp ưu đãi NCCCM, chúng tôi có 2 người phục vụ nên mỗi người đến đây chưa quá 5 phút có thể nhận xong. Bà con rất hài lòng vì cách giải quyết này”. Tương tự, chị Lê Thị Loan, nhân viên Bưu điện phường An Khê (quận Thanh Khê) cho biết:

“Mặc dù phường có trên 600 người nhận trợ cấp ưu đãi NCCCM, nhưng vì chúng tôi huy động đến 3 người cùng làm việc này trong 3 ngày đầu tháng (các ngày  4, 5 và 6) nên không có tình trạng chờ đợi lâu. Sau các ngày trên, bưu điện vẫn bố trí người chi trả cho những người chưa nhận.

Cũng nhờ chuyển việc chi trả trợ cấp ưu đãi NCCCM qua bưu điện nên đã giảm “gánh nặng” cho cán bộ phụ trách công tác này ở phường, xã. Trước đó, việc chi trả trợ cấp ưu đãi NCCCM được thực hiện theo mô hình 3 bên, thông qua việc ký kết hợp đồng trách nhiệm chi trả giữa phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện, UBND các phường, xã và cán bộ chi trả tại địa phương.

Mặc dù phối hợp như vậy nhưng công việc chi trả trực tiếp thường vẫn do cán bộ phụ trách công tác xã hội đảm nhận, trong khi đây là vị trí rất bận rộn và nhiều việc đột xuất nên việc chi trả luôn trong tình trạng quá tải, gây vất vả cho cả người nhận lẫn cán bộ làm nhiệm vụ. Theo cán bộ phụ trách việc chi trả trợ cấp ưu đãi NCCCM ở quận Thanh Khê, việc chuyển nhiệm vụ này sang ngành bưu điện là giải pháp tốt cho tất cả các bên.

Theo Bưu điện thành phố, đơn vị đang đảm nhận việc chi trả trợ cấp ưu đãi NCCCM thường xuyên và ổn định cho trên 20.000 người, sau 2 tháng đầu tiên triển khai thí điểm (tháng 11 và 12-2017), qua khảo sát  gần 100% người nhận, kết quả cho thấy họ hài lòng với thái độ phục vụ của nhân viên chi trả trợ cấp và hình thức chi trả qua kênh bưu điện.

Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH thành phố, trong năm 2018, thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi NCCCM, trong số trên 100.000 người được hưởng trợ cấp, 20.800 người được hưởng trợ cấp thường xuyên thông qua Bưu điện thành phố đều được nhận đúng, nhận đủ quy định, với thái độ và tinh thần phục vụ tốt, được người dân đánh giá cao.

Ngày 17-12-2018, tại hội nghị tổng kết công tác thí điểm thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi NCCCM, Bộ LĐ-TB&XH đồng ý mở rộng thí điểm thêm 7 tỉnh, bao gồm: Hưng Yên, Hòa Bình, Thanh Hóa, Quảng Trị, Ninh Thuận, Hậu Giang và Cần Thơ. Thời gian thí điểm bắt đầu từ ngày 1-1-2019.

Trước đó, cả nước có 6 địa phương triển khai việc chi trả này, bao gồm: Quảng Nam, Đăk Nông, Bắc Kạn, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng với tổng kinh phí chi trả hơn 170 tỷ đồng/tháng.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.