Người trẻ Đà Nẵng hưởng ứng tích cực trào lưu 'Thách thức để thay đổi'

.

ĐNO - Từ một lời kêu gọi trên mạng xã hội Facebook, trào lưu "Thách thức để thay đổi - Challenge For Change" đã lan tỏa toàn cầu. Ở Đà Nẵng, nhiều bạn trẻ đã tham gia trào lưu này với mong muốn góp phần xây dựng môi trường thành phố "xanh-sạch-đẹp".

Ngày 5-3, Byron Román (một bạn trẻ đang sống tại bang Arizona, Mỹ) chia sẻ trên mạng xã hội Facebook hai bức ảnh chụp tại cùng địa điểm. Một bức chụp khu đất ngổn ngang rác thải và bức còn lại là hình ảnh khu đất sau khi được dọn sạch rác. 

Đính kèm hai bức ảnh là chia sẻ của Byron: “Đây là một thử thách mới dành cho các bạn trẻ đang buồn chán. Hãy chụp ảnh một khu vực cần được dọn dẹp hoặc sửa chữa, sau đó chụp tiếp một bức ảnh mới khi nơi đó đã được dọn sạch, rồi đăng nó lên Facebook nhé”. Byron cũng không quên gõ thêm một “hashtag” (tạm dịch là từ khóa-PV) là #ChallengerMe.

Ảnh: XUÂN SƠN
Một góc bán đảo Sơn Trà. Ảnh: XUÂN SƠN 

Từ bài đăng của Byron, một trào lưu ý nghĩa có tên gọi “Thách thức dọn rác - Challenge For Change” mang thông điệp bảo vệ môi trường thế giới chính thức được lan truyền.

Trong bối cảnh vấn đề ô nhiễm môi trường đang nóng toàn cầu, trào lưu đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình với những hashtag mới là #trashtag và #trashtagchallenge.

Tại Việt Nam, nhiều bạn trẻ ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… và mới đây nhất là tại Đà Nẵng cũng tích cực tham gia phong trào này. Phong trào đặc biệt sôi nổi ở bán đảo Sơn Trà, nơi vốn được mệnh danh là “lá phổi xanh” của thành phố.

Huỳnh Bá Lực là một trong người đầu tiên hưởng ứng “Thách thức dọn rác” tại Đà Nẵng. Trước khi trào lưu này được lan rộng, anh thợ ảnh trẻ tuổi và bạn bè từng chèo thuyền vớt rác trên sông Hàn.

Ảnh: XUÂN SƠN
Huỳnh Bá Lực và Lê Văn Thi thu gom rác trên bán đảo Sơn Trà. Ảnh: NVCC

Lực cho biết, một lượng rác ở bán đảo Sơn Trà dường như đã bị vứt bỏ từ khá lâu, có nhiều mảnh rác bị vùi lấp dưới gốc cây và đất đá. Ở bãi biển thì nhiều vỏ lon bia, đồ hộp và ống hút vương vãi. Số rác này gây ra mùi khó chịu và côn trùng rất nhiều.

“Chỉ có 2 người dọn rác nhưng chỉ cần hơn 2 giờ đồng hồ để trả lại sự sạch sẽ cho một điểm dừng chân thì đó là việc nên làm. Nếu mọi người cùng chung tay thì bán đảo Sơn Trà và các bãi biển sẽ luôn luôn sạch đẹp”, Lực chia sẻ.

Trung tuần tháng 3 vừa qua, Lực cùng người anh họ là Lê Văn Thi dành gần 3 giờ đồng hồ để dọn dẹp rác tại một số điểm trên bán đảo Sơn Trà. Số rác được hai bạn trẻ phân vào các túi lớn, tập kết ngay tại khu vực đường Hoàng Sa (hướng lên bán đảo Sơn Trà) để xe rác tiện thu gom.

Theo Lực, những điểm du lịch, bãi nghỉ mát ở bán đảo Sơn Trà nằm sâu dưới các đoạn dốc đang thiếu vắng những chiếc thùng rác, đó cũng là một sự bất tiện cho những du khách khi họ không biết bỏ rác ở đâu.

“Mình mong cơ quan chức năng nên đặt thêm nhiều thùng rác trên bán đảo Sơn Trà để du khách không mang rác về được thì cũng có chỗ bỏ rác, tránh ô nhiễm”, Lực cho hay.

Sắp tới, Lực sẽ huy động thêm bạn bè tiến hành dọn dẹp rác tại cảng cá Thọ Quang và một số nơi khác.

Ảnh: XUÂN SƠN
Nhóm bạn của anh Võ Thành An hưởng ứng trào lưu "Thách thức dọn rác" ở bãi Đá Đen, bán đảo Sơn Trà. Ảnh: NVCC

Nhóm bạn của anh Võ Thành An, một người Gia Lai đang sống và làm việc tại Đà Nẵng cũng là những người đầu tiên tham gia “Thách thức dọn rác” tại Đà Nẵng.

“Nhóm mình hay tổ chức dã ngoại, đi du lịch, câu cá… và đặc biệt rất thích dạo chơi ở các bãi hoang sơ trên bán đảo Sơn Trà. Qua những chuyến đi, mình mới thấy những nơi này còn nhiều rác thải, ý thức mọi người trong việc bảo vệ môi trường cũng chưa tốt. Thấy bẩn thì bắt tay vào làm”, anh An cho biết.

Trong chuyến đi gần đây nhất đến bãi Đá Đen, nhóm của anh An đã hưởng ứng “Thách thức dọn rác” bằng việc dành gần một ngày dọn dẹp khu vực này. Rác được cho vào các bao tải và đưa xuống núi.

Anh An cho hay: “Lúc đầu mình định dọn một khu vực bên này thôi, nhưng quan sát các điểm lân cận thấy vẫn còn một lượng lớn rác nên quyết định huy động mọi người dọn dẹp nốt”. Công việc dọn rác ở bán đảo Sơn Trà có đôi chút khó khăn khi các cung đường trên bán đảo này không thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển rác. Ngoài ra, nhiều mảnh rác bị vứt trong các khe đá khiến các bạn phải chui vào giữa các hốc đá để thu gom.

Việc dọn rác không chỉ là hưởng ứng một trào lưu ý nghĩa, với nhóm anh An và Lực, đó còn là niềm vui cho bản thân khi làm được điều có ích. Lực chia sẻ: “Sau này, khi trở lại Sơn Trà, mình sẽ rất hạnh phúc vì đã góp một phần nhỏ cho sự sạch đẹp của bán đảo”.

Dù việc làm của mình và các bạn được hưởng ứng, An vẫn mong những buổi dọn rác sẽ… ít lại. Anh chia sẻ: “Chỉ mong mọi người chú ý, khi đi mang theo cái gì thì khi về cũng mang theo chừng ấy thứ, có như thế các điểm du lịch mới sạch sẽ. Khi không còn rác thì những buổi dọn rác sẽ không phải diễn ra. Ý thức giữ gìn vệ sinh của mọi người sẽ có ý nghĩa hơn hoạt động dọn rác rất nhiều”.

Được biết, trước khi "Thử thách dọn rác" phổ biến ở Đà Nẵng, UBND quận Sơn Trà và Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng và nhiều tổ chức, cá nhân, tình nguyện viên... đã tổ chức nhiều đợt dọn rác tại Sơn Trà.

Cũng liên quan đến hoạt động dọn rác làm sạch môi trường, mới đây nhất, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng đã phối hợp cùng Ban quản lý Khu du lịch Xuân Thiều tổ chức cho các bệnh nhân tâm thần đang điều trị nội trú tại bệnh viện tham gia dọn dẹp vệ sinh tại bãi biển Xuân Thiều. 

Theo bác sĩ Lâm Tứ Trung, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, hoạt động này nhằm giúp bệnh nhân được hòa nhập, tham gia các hoạt động xã hội một cách bình đẳng; từ đó giúp tinh thần bệnh nhân thoải mái hơn. Hoạt động này cũng nhằm kêu gọi mọi người cùng chung tay vì một môi trường thành phố "xanh - sạch - đẹp".

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.
.