Xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) trong thời gian qua diễn biến khá phức tạp, có xu hướng tăng, nhiều vụ việc nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trước thực trạng này, phóng viên Báo Đà Nẵng đã ghi nhận ý kiến của các ngành liên quan nhằm tìm ra nguyên nhân cũng như giải pháp ngăn chặn vấn nạn này.
*Thực trạng XHTDTE trên địa bàn thành phố thời gian qua diễn biến như thế nào? Đâu là nguyên nhân?
- Đại tá Trần Mưu, Phó Giám đốc Công an thành phố:
Từ đầu năm 2018 đến quý 1-2019, 15 vụ/44 đối tượng liên quan đến hành vi XHTDTE xảy ra trên địa thành phố; trong đó, có 15 trẻ bị xâm hại. Cơ quan Công an đã khởi tố 9 vụ/16 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 3 vụ/22 đối tượng; đang tiến hành xác minh 3 vụ/3 đối tượng.
XHTDTE xảy ra có nhiều nguyên nhân, một phần do cha mẹ, gia đình, người chăm sóc trẻ thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý trẻ em, thiếu nhận thức về nguy cơ, thiếu sự quan tâm, chia sẻ vấn đề giới tính với trẻ em; từ đó, dẫn đến thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, về kiến thức, kỹ năng phòng tránh xâm hại, nhất là xâm hại tình dục.
Ngoài ra, chênh lệch về điều kiện sống, những rạn vỡ trong gia đình và sự xói mòn các giá trị truyền thống dẫn tới con số trẻ em bị bỏ rơi, xao nhãng, bị lạm dụng và bóc lột ngày càng tăng.
Trẻ bị xâm hại thường xảy ra ở những địa phương có nhiều dân nhập cư, phòng cho thuê, khu vực đông người lao động nghèo và địa bàn vắng. Số vụ XHTDTE được báo cáo đến cơ quan chức năng điều tra thường được phát hiện chậm, dẫn đến thu thập chứng cứ khó khăn, đối tượng không nhận tội hoặc bỏ trốn.
Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động xã hội chưa bao phủ hết các địa bàn, đối tượng; số người thực hiện nghiệp vụ truyền thông, tư vấn còn hạn chế nên chất lượng truyền thông trực tiếp chưa cao. Việc cho trẻ tiếp xúc với Internet, vào các trang mạng xã hội mà thiếu sự giám sát của cha mẹ cũng là một trong những nguyên nhân; trong một số trường hợp, trẻ yêu sớm và bị các đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo quan hệ tình dục (giao cấu với trẻ em)…
* Ngành Công an đã có những giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng này?
- Nhận thức được tội phạm XHTDTE là loại tội phạm rất nhạy cảm, có ảnh hưởng rất lớn đến giá trị đạo đức, nhân thân con người, thời gian qua, Giám đốc Công an thành phố thường xuyên chỉ đạo, nhắc nhở lực lượng Công an các đơn vị, địa phương khi có thông tin tội phạm thì phải tổ chức tiếp nhận và phân công cán bộ có kinh nghiệm trong lĩnh vực này để thụ lý điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Công an toàn quốc quyết liệt với tội phạm XHTDTE. Chính vì vậy, Công an thành phố đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng: tập trung công tác tuyên truyền, đặc biệt là tại các khu chung cư, nhất là các khu chung cư thu nhập thấp; nâng cao nhận thức của cán bộ điều tra và điều tra viên khi tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm liên quan đến hành vi này, kịp thời báo cáo Giám đốc Công an thành phố để nhanh chóng chỉ đạo, xử lý. Đặc biệt, trong quá trình thụ lý điều tra, lực lượng Công an sẽ phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát Nhân dân và Tòa án Nhân dân để thống nhất, định hướng quan điểm xử lý.
* Trước thực trạng báo động như hiện nay, ngành giáo dục sẽ làm gì để bảo vệ các học sinh?
- Th.S Lê Thị Bích Thuận, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT:
Phòng, chống XHTDTE là nhiệm vụ quan trọng của ngành. Từ nhiều năm qua, vào đầu mỗi năm học, Sở GD-ĐT đều xây dựng kế hoạch chỉ đạo các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm túc việc tuyên truyền, giáo dục kỹ năng phòng chống XHTDTE; trong đó tập trung tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh về Luật Trẻ em năm 2016; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhà trường, gia đình, cộng đồng xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (BVCS&GDTE); tổ chức thực hiện kịp thời các chính sách đối với trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tạo điều kiện, cơ hội tốt nhất để trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được phát triển một cách toàn diện cả về thể chất, tinh thần và đạo đức; xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện để thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em.
Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT trang bị cho công chức, viên chức và học sinh có kiến thức, kỹ năng chủ động phòng, chống xâm hại trẻ em một cách bền vững; giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa xâm hại, xâm hại tình dục đối với trẻ em.
Từ công tác quán triệt nhận thức cho đội ngũ về phòng, chống XHTDTE, Sở GD-ĐT chỉ đạo các đơn vị, trường học phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở địa phương và phụ huynh học sinh tăng cường các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh trên đường đi học, tham gia các hoạt động giáo dục ở ngoài nhà trường; phối hợp với chính quyền, công an, ngành LĐ-TB&XH, các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền việc bảo đảm an toàn cho học sinh, phòng ngừa tình trạng học sinh bị bắt cóc, xâm hại, cướp giật tài sản đến từng phụ huynh học sinh.
Đồng thời, các đơn vị, trường học báo cáo ngay với công an địa phương và cơ quan quản lý khi phát hiện đối tượng có hành vi khả nghi xâm hại trẻ em; các trường mầm non, mẫu giáo, các nhóm trẻ gia đình lưu ý việc nhận và trả cháu cho phụ huynh phải đúng người.
* Trang bị kiến thức về XHTD đối với học sinh rất quan trọng. Vậy thời gian qua, ngành giáo dục triển khai như thế nào?
- Hiện nay, tất cả đơn vị, trường học đều xây dựng kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với các ngành công an, Đoàn Thanh niên, ngành LĐ-TB&XH tổ chức nhiều chương trình, mô hình giáo dục kỹ năng phòng chống XHTDTE; duy trì việc giáo viên dành 1 đến 2 phút cuối mỗi buổi học để nhắc nhở học sinh về phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước, phòng chống bắt cóc, xâm hại để các em luôn có ý thức tự bảo vệ mình và biết tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần.
Sở GD-ĐT phối hợp với các sở, ngành tổ chức tuyên truyền nhiều buổi cho học sinh các trường tiểu học, THCS về kỹ năng phòng chống XHTDTE; đồng thời, các trường học tham khảo, tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, tập trung vào các nội dung quan trọng, như: quy tắc 5 ngón tay, quy tắc PANTS, kỹ năng ứng phó khi bị xâm hại, kỹ năng biết nói ra, không im lặng; kỹ năng biết gọi Tổng đài 111 khi cần được bảo vệ.
Trong năm học 2018-2019, Sở GD-ĐT tiếp tục phối hợp với Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo, tập huấn năng lực và triển khai giáo dục học sinh kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục qua môi trường mạng. Đây là một vấn đề mang tính cấp thiết, rất cần phụ huynh và xã hội nhận thức đúng đắn vì mối nguy hại mới này đối với học sinh để giáo dục kỹ năng, bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại qua môi trường mạng từ các trang mạng xã hội, các trò chơi trực tuyến…
Luật sư Đỗ Pháp, Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp: Cần chế tài mạnh để xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em Hiện nay, tình trạng XHTDTE có chiều hướng lan rộng. Trong khi đó, hệ thống pháp luật để hoàn chỉnh cho việc xử lý tình trạng XHTDTE còn lỏng lẻo, mơ hồ, khó phân định. Đến bây giờ, các cơ quan tố tụng, cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn còn lúng túng, mỗi nơi mỗi kiểu khi xử lý đối tượng XHTDTE. Muốn bảo vệ trẻ em tốt thì phải có chính sách, chủ trương, văn bản pháp luật cụ thể, rõ ràng mới có sự đánh giá chuẩn mực. Vấn đề cốt lõi là phải minh định được là trong trường hợp nào là xâm hại tình dục đối với trẻ em và cần phải nhanh chóng, kịp thời chỉnh sửa, bổ sung những văn bản quy phạp pháp luật về những trường hợp XHTDTE. Bên cạnh đó, chế tài nghiêm mới răn đe được đối tượng. Ở nhiều nước trên thế giới, khi có dấu hiệu XHTDTE, họ làm ngay, không phải chứng minh. Còn ở nước ta, công tác xử lý phải qua một hệ thống, nhiều công đoạn, tiêu hao niềm tin, làm nguội đi những trường hợp phải xử lý nhanh... |
NGỌC PHÚ thực hiện