Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi và giá thu mua cây keo lá tràm cao, nhiều hộ trồng rừng ở huyện Hòa Vang tranh thủ khai thác rừng cây keo lá tràm 4 - 4,5 năm tuổi; đồng thời phát dọn, xử lý thực bì để chuẩn bị trồng lại rừng với giống cây mới nhằm cho năng suất, chất lượng gỗ cao hơn. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tham mưu thành phố có chính sách hỗ trợ trồng rừng kinh tế gỗ lớn.
Nhiều hộ trồng rừng đang chuẩn bị trồng cây giống cho năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu thiên tai tốt hơn. |
Trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ dẫn lên các xã Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), nhiều chuyến xe tải chở đầy gỗ keo lá tràm đã bóc vỏ chạy về hướng Nhà máy chế biến dăm gỗ ở xã Hòa Nhơn. Đặc biệt, từ cuối năm 2018 đến nay, do Trung Quốc thu mua dăm gỗ để sản xuất giấy với giá cao nên người trồng rừng vui mừng vì được giá bán gỗ keo lá tràm.
Theo nhiều người trồng rừng, giá gỗ keo lá tràm non (4 - 4,5 năm tuổi) được thu mua với mức giá phổ biến từ 1-1,1 triệu đồng/tấn, cao hơn giá thu mua vào giữa năm 2018 từ 200.000-250.000 đồng/tấn.
“Gia đình tôi vừa thu hoạch xong 10ha rừng keo lá tràm ở xã Hòa Liên. Sau khi trừ chi phí về giống, công chăm sóc…, gia đình tôi lãi được hơn 500 triệu đồng. Hiện gia đình tôi đang thu hoạch 3ha rừng trồng tại thôn Trường Định (xã Hòa Liên), dự kiến thu được 60 tấn gỗ/ha và sẽ bán với giá 1,1 triệu đồng/tấn. Sau khi khai thác xong sẽ khẩn trương xử lý thực bì và trồng lại rừng nhằm tranh thủ thời tiết đang mát mẻ thuận lợi cho cây keo con sinh trưởng và phát triển nhanh”, bà Phan Thị Nguyệt (trú tổ 1, thôn Trường Định, xã Hòa Liên) nói.
Ông Nguyễn Văn Miêu (trú tổ 3, thôn Trường Định, xã Hòa Liên) cho hay: “Thổ nhưỡng của đồi núi ở các xã Hòa Liên, Hòa Bắc rất phù hợp với cây keo lá tràm. Những năm gần đây, người trồng rừng ở các xã nói trên đã chuyển từ trồng cây giống ươm bằng hạt sang trồng cây giống giâm cành (hom) thuộc giống BV71 để cho năng suất cao, khả năng sinh trưởng, phát triển và chống chịu được gió bão tốt hơn. Từ cuối năm 2018 đến nay, tôi mua về giao cho người trồng rừng hơn 800.000 cây giống giâm cành nói trên để trồng trên các cánh rừng ở xã Hòa Liên, Hòa Bắc”.
Xã Hòa Bắc có diện tích rừng hơn 33.000ha, chiếm 27% rừng của thành phố với độ che phủ rừng hơn 80%. Hằng năm, người dân trên địa bàn xã Hòa Bắc khai thác và trồng mới khoảng 300ha rừng trồng, chủ yếu là cây keo lá tràm. Với đặc thù là một xã miền núi có địa hình đồi núi dốc, kiến tạo địa chất phức tạp, lượng mưa hằng năm lớn, tình hình thiên tai, sạt lở có nguy cơ phức tạp…, việc giữ rừng, bảo vệ hơn 33.000ha rừng và trồng cây gây rừng, phát triển bền vững môi trường sinh thái có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với xã.
Trong năm nay, người dân trồng rừng khai thác 280ha gỗ keo lá tràm với khối lượng khoảng 16.800 tấn. Năng suất khai thác gỗ keo lá tràm khoảng 60 tấn/ha. Giá thu mua keo lá tràm là 1,12 triệu đồng/tấn, cao nhất trong những năm trở lại đây.
“Công tác bảo vệ, tái sinh rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và trồng rừng sản xuất ngày càng có vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, việc quy hoạch lại rừng sản xuất, cơ cấu lại cây trồng, tập trung phát triển rừng gỗ lớn…, làm cho đời sống của người làm nghề rừng trên địa bàn xã không ngừng được cải thiện. Sản xuất lâm nghiệp đã trở thành động lực quan trọng trong phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế bền vững”, bà Lê Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc nhấn mạnh.
Theo Hạt Kiểm lâm Hòa Vang, đơn vị đã phân công các kiểm lâm về phụ trách địa bàn các xã có rừng để kịp thời tham mưu cho chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn và bám sát cơ sở, hỗ trợ hướng dẫn các chủ rừng thực hiện tốt các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng cùng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh.
Đặc biệt, trong năm 2018, kiểm lâm địa bàn đã kiểm tra, hướng dẫn 273 trường hợp chủ rừng đốt, xử lý thực bì sau khai thác rừng trồng với diện tích 831ha; bảo đảm đúng quy trình, thủ tục cho các chủ rừng khai thác 825ha rừng trồng với sản lượng gần 500.000m3 gỗ. Từ đầu năm 2019 đến nay, kiểm lâm địa bàn các xã tiếp tục triển khai hướng dẫn các chủ rừng khai thác rừng trồng và tiến hành mùa vụ trồng rừng mới, bảo đảm công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng…
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đà Nẵng hiện có 18.947ha rừng trồng đang phát triển ổn định và bền vững. Rừng trồng sau khai thác đều được trồng lại ngay trong năm, không bỏ hoang hóa đất đai. Trong đó, phần lớn diện tích rừng trồng là rừng gỗ nhỏ, chủ yếu là cây keo lá tràm, bạch đàn với sản lượng khai thác hơn 50.000m3 gỗ tròn.
Đà Nẵng là địa bàn thường hay gánh chịu bão, lũ hằng năm nên mỗi khi cây keo lá tràm trồng được từ 4-4,5 năm tuổi, người trồng rừng thường khai thác gỗ non để bán phục vụ xuất khẩu dăm gỗ. Nhiều người trồng rừng không dám mạo hiểm để rừng keo phát triển thêm khoảng 4,5-5 năm nữa để khai thác gỗ xẻ, gỗ thương phẩm với trữ lượng gỗ tăng gấp đôi, giá bán cao gấp 2-3 lần so với trồng gỗ nhỏ như hiện nay mà không phải tốn tiền mua cây giống để trồng lứa thứ 2, kinh phí thuê nhân công chăm sóc rừng khi cây còn nhỏ. Hơn nữa, do nhiều người có diện tích rừng trồng nhỏ, thu nhập thấp nên không có điều kiện tài chính để rừng keo phát triển đến 10 năm mới khai thác gỗ lớn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang xây dựng chính sách hỗ trợ trồng rừng nguyên liệu cây gỗ lớn, hỗ trợ chuyển hóa rừng trồng nguyên liệu gỗ nhỏ sang rừng trồng nguyên liệu cây gỗ lớn để trình UBND và HĐND thành phố xem xét ban hành trong năm 2019.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP