Tính đến đầu năm 2019, thành phố có 235.799 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 18,8% dân số, trong đó 2.767 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (trẻ em sống trong hộ gia đình nghèo, cận nghèo hoặc gia đình có vấn đề xã hội; mồ côi cha mẹ...), 164 em bị bỏ rơi không nơi nương tựa, 2.473 em vi phạm phát luật...
Những trẻ em thuộc các CLB Can thiệp sớm phòng ngừa nghiện ma túy trong một lần giao lưu với các học viên Cơ sở xã hội Bầu Bàng. |
Những con số được Sở LĐ-TB&XH thành phố báo cáo mới đây tại hội nghị triển khai công tác trẻ em năm 2019 thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều đại biểu. Dưới góc độ của từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể, các đại biểu chỉ ra những tồn tại trong công tác phòng, chống tình trạng xâm hại trẻ em hiện nay.
Đặc biệt, nhiều ý kiến đều cho rằng ngay trong từng gia đình vẫn còn tồn tại những “khoảng trống” khiến việc giáo dục, chăm sóc và phòng, chống xâm hại trẻ em gặp khó khăn.
Theo Trưởng phòng Chính trị-tư tưởng (Sở GD-ĐT) Ngô Ngọc Hoàng Vương, đây chính là việc quản lý cảm xúc của người lớn đang có... vấn đề. Từ trường học, công sở, nơi công cộng cho đến trong từng gia đình, nhiều người lớn không thể kìm giữ tốt cảm xúc của mình để rồi sẵn sàng la mắng trẻ.
Điều này đã làm tổn hại đến các em; nguy hại hơn khi các em sẽ “cắt đứt” thông tin với người lớn, kể cả cha mẹ hay thầy, cô giáo của mình. Đây thực sự là khoảng trống mà trẻ em sẽ trở thành nạn nhân và rất dễ bị lợi dụng làm những việc không tốt, hoặc trở thành nạn nhân của kẻ xấu.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) Phạm Thị Như Hồng cho rằng, “lỗ hổng” ngay tại gia đình khiến cho công tác bảo vệ trẻ em trước tình trạng bị xâm hại gặp nhiều khó khăn chính là việc nhiều gia đình chọn giải pháp im lặng, không khai báo với cơ quan chức năng để xử lý khi xảy ra sự việc.
Tâm lý chung của các bậc phụ huynh là muốn giấu chuyện vì sợ ảnh hưởng đến tương lai các em, nhất là các vụ xâm hại tình dục trẻ em gái. Ngược lại, cha mẹ lại ít chú ý quản lý con cái sử dụng các thiết bị có kết nối với mạng xã hội. Nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra mà nguyên nhân là trẻ bị kẻ xấu rủ rê, lợi dụng qua mạng xã hội. Các con làm gì với mạng xã hội, giao du cùng ai... thực sự là “điểm mù” của cha mẹ.
Đồng tình với nhận định này, Thượng tá Phạm Sỹ Nguyên, Phó phòng Cảnh sát hình sự - Công an thành phố dẫn ra câu chuyện đau lòng trong năm 2018 mà nguyên nhân là sự chủ quan, thiếu kiến thức của người lớn.
Đó là trường hợp một gia đình Việt kiều Pháp về Đà Nẵng chơi và ở lại nhà người bà con. Trong quá trình này, trẻ trai và trẻ gái học lớp 7 được sắp xếp ở chung phòng và nảy sinh “chuyện người lớn”. Đến khi gia đình Việt kiều quay trở lại Pháp, cô con gái mới kể lại sự việc với ba mẹ nhưng đã quá trễ.
Theo báo cáo của Công an thành phố, năm 2018, trên địa bàn thành phố xảy ra 9 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 1 vụ hiếp dâm trẻ em, 2 vụ giao cấu trẻ em, 1 vụ dâm ô trẻ em, 5 vụ cố ý gây thương tích. Qua phân tích các vụ xâm hại tình dục, 2 đối tượng là bà con, 2 đối tượng là người quen biết sống cùng nhà, cùng khu trọ.
Sau khi xảy ra sự việc, hầu hết phụ huynh có con bị xâm hại mới nhận ra lâu nay quá chủ quan, ít chú ý đến sinh hoạt cũng như diễn biến tâm lý của con để có biện pháp giáo dục, phòng ngừa.
Vì thế, từng gia đình, từng thành viên trong gia đình phải là “địa chỉ” tin cậy của trẻ; là nơi giáo dục cho các em kỹ năng bảo vệ mình cũng là nơi bảo vệ con trẻ đầu tiên. Để làm được điều này, cha mẹ phải nâng cao năng lực về kiến thức, kỹ năng làm cha, mẹ cũng như hiểu biết về vai trò và trách nhiệm khi phát hiện trẻ em bị xâm hại.
Tuy nhiên, thực tế, việc trang bị kiến thức cho phụ huynh về các vấn đề trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng hiện nay đang gặp khó khăn rất khó xử lý. Đó là những bậc phụ huynh lao động phổ thông hoặc do đặc thù công việc bận rộn thường xuyên nên hầu như không có thời gian tham dự các buổi họp tuyên truyền, chương trình tư vấn, tập huấn kỹ năng dành riêng cho cha mẹ.
Đây là những khoảng trống đã được nhìn thấy nhưng việc khắc phục ít mang lại hiệu quả như mong đợi, thậm chí là khoảng trống ngày càng lớn khi trẻ em bị “hút sâu” vào việc sử dụng các thiết bị có kết nối mạng xã hội và xa dần vòng tay của cha mẹ, gia đình.
Bài và ảnh: THANH VÂN