Tại Nghị quyết số 43-NQ/TW, Bộ Chính trị định hướng, kinh tế biển là một trong 3 trụ cột chính mà Đà Nẵng cần tập trung phát triển và ngư nghiệp là một trong 5 lĩnh vực mũi nhọn mà thành phố cần có chính sách ưu tiên nguồn lực, chú trọng phát triển. Cùng với đó, các cảng biển đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Đà Nẵng sẽ xây dựng cảng Tiên Sa phục vụ du lịch đường biển. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Tận dụng tiềm năng biển
Trao đổi với phóng viên, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, Đà Nẵng là thành phố có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế biển do có địa kinh tế thuận lợi, hệ thống cơ sở hạ tầng được quy hoạch và xây dựng tốt, nhất là hạ tầng du lịch biển. Tuy nhiên, cần tiếp tục triển khai đầu tư phát triển, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch biển để thu hút, phát triển du lịch vì đây là ngành kinh tế phát triển chủ lực của thành phố. Cùng với đó, thành phố cần nghiên cứu đầu tư khai thác khoáng sản, năng lượng tái tạo và hải sản.
Đà Nẵng cũng cần chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch, ưu tiên đầu tư các khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao và xây dựng cảng Tiên Sa phục vụ du lịch đường biển. Xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch biển Đà Nẵng đẳng cấp quốc tế, có sự kết nối với các tuyến du lịch trong vùng và khu vực trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử của thành phố.
Khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề từ các hoạt động có nguy cơ xâm hại, tác động tiêu cực đến biển, sang bảo vệ, bảo tồn, tạo sinh kế bền vững, việc làm mới ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đà Nẵng tiếp tục rà soát quy hoạch các cụm công nghiệp ven biển, bảo đảm không ảnh hưởng đến môi trường và sự phát triển của ngành dịch vụ - du lịch; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp phục vụ cho các ngành kinh tế thuần biển trên cơ sở bảo vệ môi trường. Thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác.
Nâng cao năng lực công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác tài nguyên, khoáng sản biển khác; gắn việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí với điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng các tài nguyên, khoáng sản biển khác, khoáng sản biển sâu, đặc biệt là các khoáng sản có trữ lượng lớn, giá trị cao, có ý nghĩa chiến lược; kết hợp hài hòa giữa khai thác, chế biến với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển. Quan tâm phát triển một số ngành kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển như: dược liệu biển, nuôi trồng và chế biến rong, tảo, cỏ biển…
Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cho hay, Nghị quyết số 43-NQ/TW định hướng ngư nghiệp là 1 trong 5 lĩnh vực mũi nhọn kinh tế mà thành phố cần có chính sách, ưu tiên nguồn lực, chú trọng phát triển. Chính phủ đã xác định Đà Nẵng là 1 trong 5 trung tâm nghề cá lớn của cả nước, gắn với ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa. Trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII), Thành ủy Đà Nẵng đã xác định, ngành khai thác hải sản có thứ tự ưu tiên đầu tư phát triển thứ 3 trong 6 ngành kinh tế biển.
Do đó, để triển khai các định hướng, chủ trương nói trên theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang chỉ đạo triển khai nhanh dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo cảng cá Thọ Quang đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, phấn đấu hoàn thành công trình vào năm 2020. Tiếp tục phối hợp làm việc với các đơn vị tư vấn nước ngoài để quy hoạch tổng thể khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang trở thành cảng cá sinh thái, thương mại và tạo thành điểm thu hút khách du lịch trong, ngoài nước.
Sở đang hoàn thiện văn bản để UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành chính sách hỗ trợ khai thác hải sản xa bờ theo hướng hiện đại hóa hoạt động khai thác, tăng chất lượng và hiệu quả kinh tế, bảo đảm an toàn, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển.
Đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường quản lý khu bảo tồn rạn san hô xung quanh bán đảo Sơn Trà; khảo sát phục hồi hệ sinh thái các vùng cửa sông, cửa biển, tạo cảnh quan môi trường thành phố.
Tăng cường năng lực quản lý nghề cá, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tàu cá và hoạt động khai thác trên biển. Quy hoạch các vùng nuôi trồng sinh thái tạo sản phẩm an toàn, kết hợp phục vụ du lịch tại thôn Trường Định (xã Hòa Liên), nuôi cá nước ngọt ở các xã Hòa Phong, Hòa Khương gắn với xây dựng sản phẩm đặc trưng, chủ lực…
Đầu tư cảng biển
Cũng theo GS Đặng Hùng Võ, Đà Nẵng đang có lợi thế rất lớn về phát triển kinh tế hàng hải. Hiện hệ thống cảng biển của Việt Nam chỉ có 2 cảng có vị trí hướng ra biển là cảng Đà Nẵng và cảng Sài Gòn, còn cảng Hải Phòng nằm hẳn trong Vịnh Bắc Bộ. Hiện nay, các nước đang xúc đào kênh đào Kra ở miền nam Thái Lan để nối thông Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương nhằm thay thế cho việc phải đi qua eo biển Malacca (giữa Malaysia và Indonesia) đầy chật chội, nguy hiểm và rút ngắn quãng đường hơn 1.000km.
“Đây là cơ hội lớn cho các cảng biển Việt Nam “tranh chấp” với Singapore, trong đó có cảng Đà Nẵng. Vì thế, Đà Nẵng tận dụng cơ hội này để phát triển dịch vụ cảng biển, logistics và cung cấp các mặt hàng, dịch vụ khác cho thế giới”, GS Đặng Hùng Võ nói.
Theo đó, triển khai chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng sẽ triển khai nâng cấp, đầu tư xây dựng các cảng biển của thành phố phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội, khai thác có hiệu quả các dịch vụ vận tải biển. Hoàn thiện hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông các cảng biển với các khu công nghiệp của thành phố và với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh phát triển đội tàu vận tải biển với cơ cấu hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng vận tải, từng bước gia tăng và chiếm lĩnh thị trường quốc tế.
Phát triển Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển, hướng đến hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics với hệ thống các cảng biển Tiên Sa, Liên Chiểu hình thành các trung tâm logistics cảng Liên Chiểu, Hòa Nhơn. Đặc biệt, cảng Liên Chiểu là nội dung được bổ sung điều chỉnh quy hoạch chung thành phố và là hạ tầng trọng điểm tạo “cú huých” cho phát triển kinh tế biển khi thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Nhận định về việc triển khai dự án cảng Liên Chiểu, TS. Huỳnh Huy Hòa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng cho hay, cảng Liên Chiểu có vị trí thuận lợi về giao thông, vận chuyển container và phù hợp là cảng hàng hóa. Muốn cảng Tiên Sa thành cảng du lịch thì buộc phải có cảng Liên Chiểu, nếu Đà Nẵng định hướng trung tâm du lịch của miền Trung thì cảng Tiên Sa nên phát triển thành cảng du lịch như các nước phát triển du lịch, chẳng hạn như Singapore.
Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố cho biết: “Trong bối cảnh cảng Tiên Sa đã sử dụng gần hết công suất và không còn khả năng mở rộng, việc xây dựng mới cảng Liên Chiểu để thay thế và làm chức năng cảng cửa ngõ quốc gia trong tương lai gần có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp Đà Nẵng duy trì được vị thế đầu tàu kinh tế, là động lực phát triển của khu vực. Việc sớm đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu là rất cấp bách và cần thiết”.
Các chuyên gia quy hoạch và phát triển đô thị nhận định ngoài việc phát triển và đầu tư các cảng lớn như: cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; cảng Tiên Sa thì việc mở rộng quy hoạch cảng Liên Chiểu sẽ trở thành tiềm năng lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW.
Tại hội thảo “Mô hình phát triển và khai thác cảng” do Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng vào ngày 10-4-2019, bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, “thành phố Đà Nẵng có thể nghiên cứu, xem xét và kế thừa cơ hội hợp tác trong công tác phát triển đề án thông minh.
Trong bối cảnh định hướng phát triển xây dựng, Đà Nẵng là một thành phố sáng tạo, đô thị thông minh, là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp quốc tế và châu Á. Tuy nhiên, chúng ta chưa phát huy hết những lợi thế tiềm ẩn, các khái niệm về đô thị sân bay, đô thị cảng đang còn hạn chế. Vì vậy, việc đưa những khái niệm phát triển đô thị cảng vào trong định hướng phát triển của thành phố là hết sức quan trọng”.
Cũng tại diễn đàn này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng nhấn mạnh, mục tiêu phát triển kinh tế dựa vào 3 trụ cột là: du lịch, công nghiệp và công nghệ cao, kinh tế biển. Thành phố Đà Nẵng là điểm trung chuyển giao thông và có 5 loại hình giao thông chính, trong đó cảng hàng không và cảng biển trở thành một trong những đầu mối giao thông hết sức quan trọng. Nếu phát triển tốt đầu mối giao thông, trong đó việc đầu tư cảng Liên Chiểu, đô thị cảng thì đây là những trung tâm đô thị động lực để phát triển kinh tế, là nơi thu hút đầu tư, tái sử dụng đất hiệu quả và xây dựng thành phố cạnh tranh.
Đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng lên 30 triệu khách/năm Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng hiện nay có 2 nhà ga hành khách T1 (quốc nội) và T2 (quốc tế) với tổng công suất thiết kế là 14 triệu khách/năm. Sản lượng khai thác năm 2018 của sân bay Đà Nẵng là hơn 13 triệu hành khách, không những chuẩn bị vượt công suất thiết kế mà còn vượt luôn quy hoạch đến năm 2020 (13 triệu hành khách/năm, lượng hàng hóa thông qua là 50.000 tấn). Theo đó, thành phố đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho mở rộng sân bay Đà Nẵng; trong năm 2019, dự kiến nhà ga hành khách T3 thuộc Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ được khởi công với công suất 30 triệu khách/năm. Như vậy, khi nhà ga T3 đi vào hoạt động trong vài năm tới, sân bay Đà Nẵng có thể phục vụ 42 triệu khách/năm. DIỆP NHƯ |
HOÀNG HIỆP – TRIỆU TÙNG