Thu hồi pin cũ, góp phần giữ xanh môi trường

.

ĐNO - Khi câu chuyện về bảo vệ môi trường ngày một "nóng" hơn, mỗi hành động dù nhỏ cũng là cần thiết để tạo nên hiệu quả lớn. Trong đó, việc thu gom và xử lý pin đã qua sử dụng đúng cách, đúng chỗ được nhiều người trẻ hưởng ứng và kêu gọi rộng rãi. 

Pin
Pin đã qua sử dụng tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người. Trong ảnh: Pin được thu gom tại Trung tâm Anh ngữ DUTI English.

Pin là nguồn năng lượng vận hành các thiết bị điện, điện tử... trong công việc và cuộc sống hằng ngày. Với sự phát triển của công nghệ, số lượng những thiết bị này ngày một nhiều hơn thì nhu cầu dùng pin cũng lớn hơn, đồng nghĩa một lượng pin cũ tương đương bị thải bỏ.

Nắm bắt được tác hại của pin cũ, tại Đà Nẵng, từ cuối năm 2018 đến nay, nhiều đơn vị, cá nhân đã thiết lập các "địa chỉ xanh" để kêu gọi mọi người tập kết pin cũ đúng chỗ, mang đi tiêu hủy đúng cách, góp phần bảo vệ môi trường.

Trước căn nhà số K574/24 Trưng Nữ Vương (phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu), chị Nguyễn Thị Thắm, chủ cửa hàng Làm Nông Xanh treo một can nhựa dung tích 5 lít làm nơi chứa pin cũ. Bản thân từng làm việc trong một số dự án về môi trường nên chị rất hiểu những tác động mà môi trường đang gặp phải.

Trên can nhựa, chị Thắm dán một nhãn thông điệp "Mỗi cục pin bị bỏ vào thùng rác, 1m3 đất và 500 lít nước bị ô nhiễm trong 50 năm. Vui lòng bỏ pin đã qua sử dụng vào đây, xin cảm ơn!". Thông điệp này được chị thiết kế thành file ảnh để lưu trữ trên máy tính, từ đó thuận tiện cho việc in ra thành dạng đề-can với nhiều kích cỡ và chia sẻ rộng rãi với mọi người. 

Anh
Cửa hàng Làm Nông Xanh sử dụng can nhựa 5 lít để đựng pin cũ.

"Gia đình mình chuyển từ Hà Nội vào Đà Nẵng chưa lâu nhưng rất có tình cảm với thành phố biển này. Là công dân của thành phố, mình mong muốn có thể cùng mọi người "sống xanh" hơn từ những điều đơn giản, thiết thực mà ai cũng có thể làm. Thông qua sự chia sẻ trên mạng xã hội, mình mong muốn địa chỉ của cửa hàng sẽ trở thành điểm thu gom pin phổ biến với mọi người", chị Thắm cho biết.

Có mặt tại quán cà phê và thư viện sách The Books (số 12 đường Cao Thắng, phường Thanh Bình, quận Hải Châu), nhiều vị khách không khỏi thích thú trước tấm bảng màu xanh da trời, ghi rõ thông điệp về xử lý pin đúng cách dựng ngay ở không gian quán. Dưới tấm bảng là những can nhựa thu gom pin cũ đặt xen kẽ với các lọ cây xanh làm từ chai nhựa. 

Cũng chung mục đích với chị Thắm và anh Khiết, anh Nguyễn Tiến Danh, Giám đốc Trung tâm Anh ngữ DUTI English (số 231 đường Kinh Dương Vương, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) cũng lập một góc thu gom pin ngay tại trung tâm. Để khuyến khích mọi người, trung tâm đã có ý tưởng tặng những món quà "xanh" là những lọ hoa, đồ chơi làm từ rác thải nhựa tái chế cho những ai mang pin đến "tập kết".

Ảnh: XUÂN SƠN
Điểm thu gom pin đã qua sử dụng tại cà phê và thư viện sách The Books.

Đến với The Books và hiểu thông điệp của quán, bạn Võ Thùy Trâm, sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ: "Do việc thu gom pin cũ còn mới ở Đà Nẵng, nên mình hy vọng từ mô hình này mà cộng đồng dần nhận thức được tác động của pin cũ tới môi trường và sức khỏe, từ đó biết sống "xanh" hơn; để đây không phải là một phong trào nhất thời, mà sẽ thành thói quen tốt của mỗi chúng ta".

Số pin thu gom được từ những địa chỉ nói trên sẽ được đưa trực tiếp về nơi xử lý phù hợp hoặc trung gian qua điểm thu gom quy mô lớn. Tại Đà Nẵng, có hai điểm thu gom tập trung phổ biến là tầng 2 của siêu thị Big C (Số 225-227 đường Hùng Vương, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) và siêu thị VinMart Đà Nẵng (số 910A đường Ngô Quyền, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà). Toàn bộ pin được chuyển vào TP. Hồ Chí Minh, nơi có nhà máy xử lý pin chuyên dụng để bảo đảm quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường.

Việc vứt bỏ pin đã qua sử dụng một cách bừa bãi có thể gây hại đến môi trường và không đúng quy định của pháp luật về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.

Trong số các loại rác thải bỏ ra môi trường, pin nằm trong Danh mục sản phẩm thải bỏ phải được thu hồi và xử lý, theo Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ra ngày 22-5-2015 quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.

Theo Tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) công bố tại Quyết định số 2186/QĐ-BTNMT ra ngày 11-9-2017, nhóm sản phẩm pin bao gồm pin phổ thông và pin sạc. Đánh giá của Bộ TNMT về tác động môi trường của pin cho thấy, các hóa chất có trong pin như thủy ngân, chì và cadmium có khả năng gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe con người trong suốt quá trình sản xuất và thải bỏ sản phẩm.

Nếu pin được chôn lấp bừa bãi, các hóa chất trong pin có thể thấm vào đất, gây ô nhiễm đến nguồn nước và đất đến 50 năm. Trong trường hợp được xử lý bằng cách đốt, các hóa chất có thể gây ô nhiễm không khí và trực tiếp tác động xấu đến sức khỏe con người. Chưa kể đến nguy cơ cháy nổ khi đốt rác có chứa pin đã qua sử dụng, đặc biệt là pin lithium-ion của điện thoại di động.

Chính vì thế, pin cũng như ắc-quy đã qua sử dụng cần được thu gom và đưa đến nơi xử lý đúng quy trình để bảo đảm an toàn cho môi trường và con người.

Bài và ảnh: XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.