Chính quyền đô thị phải có tính tự chủ cao, không còn cơ chế "xin-cho"

.

ĐNO - Xây dựng chính quyền đô thị, chúng ta phải đạt được mô hình có tính tự chủ cao, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả và không còn cơ chế "xin-cho". Nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Đặng Công Ngữ nêu ý kiến tại hội thảo "Đánh giá thực trạng tổ chức, hoạt động chính quyền các cấp và đề xuất đổi mới theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng", do UBND thành phố tổ chức sáng 11-10. 

Nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Đặng Công Ngữ ủng hộ xây dựng mô hình CQĐT không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, xã
Nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Đặng Công Ngữ ủng hộ xây dựng mô hình CQĐT không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, xã.     Ảnh: SƠN TRUNG

Ông Đặng Công Ngữ ủng hộ phương án 1 của thành phố, là thí điểm xây dựng chính quyền đô thị (CQĐT) chỉ có 1 cấp chính quyền thành phố và 2 cấp hành chính, tức là không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, xã. Theo ông Ngữ, thành phố đã có 7 năm (2009-2016) thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và đạt được nhiều kết quả tích cực.

"Đây là kinh nghiệm thực tiễn rất tốt để Đà Nẵng tiếp tục xây dựng mô hình CQĐT theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về "Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045". Theo đó, xây dựng mô hình CQĐT phải đạt được mục tiêu có tính tự chủ cao, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, đồng thời phát huy cao nhất quyền làm chủ của người dân", ông Ngữ nói. 

Theo ông Ngữ, để xây dựng mô hình CQĐT, nên không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, xã; chuyển huyện Hòa Vang lên đơn vị hành chính là thị xã và cần phân kỳ để tổ chức thực hiện. Về tổ chức bộ máy, ông Ngữ đề nghị cần công chức hóa đội ngũ cán bộ, công chức tại cấp phường, xã; không để có 2 loại cán bộ ở cấp này là cán bộ chuyên trách và không chuyên trách như hiện nay. 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chủ trì Hội thảo
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chủ trì hội thảo                   Ảnh: SƠN TRUNG

Phát biểu tại hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước (Bộ Nội vụ) Nguyễn Huyền Hạnh đề xuất, khi xây dựng CQĐT phải xác định rõ và cụ thể những nhiệm vụ đích thực, riêng có của CQĐT và của từng cấp hành chính trong nội bộ đô thị. Sao cho không lẫn lộn với các nhiệm vụ của chính quyền nông thôn. 

Nên áp dụng chế định Thị trưởng (chế định thủ trưởng hành chính) thay cho chế định Ủy ban (chế định điều hành tập thể) trong quản lý hành chính ở các đô thị. Điều này cho phép khắc phục những nhược điểm của chế độ điều hành tập thể như: thiếu nhanh nhạy, tập trung, thống nhất, không rõ trách nhiệm người đứng đầu, làm chỗ dựa cho những tiêu cực cá nhân…

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh hội thảo                                                                             Ảnh: SƠN TRUNG 

Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chỉ đạo Sở Nội vụ tiếp thu các ý kiến góp ý, chuẩn bị báo cáo để trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội trong năm 2020.

"Thành phố sẽ tiếp tục xây dựng đề án CQĐT sau khi có nghị quyết của Quốc hội đồng ý cho phép thí điểm. Xây dựng mô hình CQĐT là 1 trong 8 đề án của thành phố đang triển khai nhằm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị trong thời gian đến", ông Lê Trung Chinh nói. 

S.TRUNG

;
;
.
.
.
.
.