Sau gần 3 năm triển khai thí điểm, mô hình “quán ăn an toàn” tại phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê đã phát huy hiệu những kết quả bước đầu.
Các cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ và Trạm Y tế phường Vĩnh Trung giám sát, trao đổi với quán bún của cô Nguyễn Thị Hương. |
Chị Nguyễn Thị Hương, chủ quán bún bò số 1 Đỗ Quang, một trong 8 quán ăn được phường chọn thí điểm thực hiện mô hình “quán ăn an toàn” của phường Vĩnh Trung cho biết quán bún được mở từ năm 2003 đến nay.
Trước quán nhỏ, lụp xụp, mãi đến năm 2017, khi phường có công văn hướng dẫn và chọn quán thực hiện mô hình điểm về an toàn vệ sinh thực phẩm, chị Hương mới đầu tư nâng cấp, sửa sang lại khang trang như hiện nay. Các dụng cụ soong nồi, chảo, ly, chén đều được thay mới; đũa dùng một lần được thay bằng đũa tốt hơn; muỗng ăn có rãnh được thay bằng muỗng không rãnh hợp vệ sinh...
Đặc biệt, vấn đề nguồn gốc xuất xứ của các loại xương thịt, gia vị, rau sống ăn kèm luôn được bà chủ Hương thận trọng lựa chọn. “Khách vào ăn xong cười tươi, rồi khen đồ ăn ngon, quán sạch sẽ, tôi vui lắm. Nếu trước đây mỗi sáng quán bán được tầm 15kg bún, nay lên đến 30-35kg”, chị Hương vui mừng cho biết.
Hơn 9 giờ sáng, tiệm thịt bò bít tết Vĩnh Tường của ông Châu Sỹ Nghi (64 tuổi) ở 325/1A Hùng Vương vẫn nhộn nhịp khách vào ra. Ông Nghi cho biết trước ông làm trong ngành thủy sản, nhưng sau đó nhà máy giải thể, năm 2007 ông quyết định cùng vợ mở tiệm ăn.
Từ đó đến nay, với phương châm “quán sạch khách mới ghé ăn”, tiệm ăn của ông Nghi không một ngày vơi khách. “Khách đã có lòng ủng hộ, tôi nghĩ cách tri ân tốt nhất là nỗ lực phục vụ thật chu đáo bằng những món ăn không chỉ ngon mà còn tốt cho sức khỏe. Nhất là khi chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện chọn chỗ chúng tôi thí điểm quán ăn an toàn, thì câu chuyện kinh doanh của quán không còn của riêng gia đình tôi nữa”, ông Nghi nói.
Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Vĩnh Trung, xuất phát từ giám sát thực tế trước đây, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn chưa chú ý về nguồn gốc thực phẩm, giấy khám sức khỏe nhân viên…, từ năm 2017, Hội LHPN phường phối hợp với UBND, Trạm Y tế phường vận động các hộ kinh doanh chấp hành quy định về an toàn thực phẩm thông qua việc chọn 10 hộ buôn bán thực hiện mô hình quán ăn an toàn (đến nay còn 8 hộ, 2 hộ xin nghỉ do chuyển đổi chỗ ở). Mô hình “quán ăn an toàn” là mô hình có các quán ăn bảo đảm điều kiện, các quy định về nguồn gốc thực phẩm, điều kiện về trang thiết bị, dụng cụ, điều kiện về con người.
Theo nhìn nhận của bà Bùi Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN phường Vĩnh Trung, qua gần 3 năm, mô hình đã cho thấy những kết quả bước đầu: các quán ăn được chọn bảo đảm các tiêu chí về khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên; các quy định về an toàn khi buôn bán như mang bao tay, đội mũ khi bán hàng; các thực phẩm lấy nơi có nguồn gốc xuất xứ; các trang thiết bị dụng cụ dùng để chế biến, bảo quản thực phẩm bảo đảm vệ sinh... được chấp hành đầy đủ.
Bà Đỗ Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Khê cho biết, an toàn thực phẩm là một trong 3 nội dung chính được Trung ương Hội LHPN Việt Nam lựa chọn trong năm 2019.
Vì vậy, ngay từ đầu năm, các cấp Hội Phụ nữ quận Thanh Khê đã tích cực triển khai thực hiện nội dung về an toàn thực phẩm từ việc tuyên truyền, giám sát, đến xây dựng các mô hình thiết thực, hiệu quả. “Với hướng đi của các cấp Hội LHPN, mô hình “quán ăn an toàn” của Vĩnh Trung là một trong những mô hình nổi bật, gắn với lợi ích thiết thực của người dân, cần được duy trì, nhân rộng trong thời gian đến”, bà Hiền nhấn mạnh.
Bài và ảnh: THANH TÌNH