Chung niềm đam mê học tập

.

Có một lớp học mà những thầy giáo vốn là học viên khóa trước nhiệt thành đứng lớp giảng giải cho khóa sau, có những học viên gần 90 tuổi vẫn ngày ngày chuyên cần đến lớp, say sưa với các bài giảng... Bởi, họ có cùng chung niềm đam mê học tập, học tập suốt đời.

Cứ vào sáng thứ bảy hằng tuần, Nhà Văn hóa phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu) lại sôi nổi hoạt động dạy và học chữ Hán Nôm. Đây là lớp học khóa 3 của Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng. Hai khóa trước cùng có thời gian học 3 năm. Còn khóa này thực hiện theo chương trình mới của Ban Giám đốc Trung tâm với thời gian học 2 năm. “Hiện nay, có các phương tiện hiện đại hỗ trợ việc học chữ Hán Nôm như máy vi tính, điện thoại thông minh, người học dễ dàng tra cứu, vận dụng, đó là cơ sở để chúng tôi rút ngắn thời gian”, Phó Giám đốc Trung tâm Nguyễn Đức Thắng chia sẻ.   

Học viên ở đây có nhiều độ tuổi và cùng chung niềm đam mê học tập. Ông Nguyễn Ngọc Chánh ở đường Đinh Tiên Hoàng (Đà Nẵng) đã 89 tuổi vẫn chuyên cần đến lớp và say mê học tập. Theo ông Chánh, chữ Hán Nôm hiện còn rất nhiều trên các đình, chùa, nhà thờ, bia mộ, văn bản cổ, do đó, cần phải học để đọc cho được những nội dung của người xưa đã ghi.

Còn bà Nguyễn Thị Đức Hạnh, 50 tuổi, ở tận xã Duy Châu (Duy Xuyên, Quảng Nam), hằng tuần vẫn đến với lớp học này, vì cho rằng học chữ Hán Nôm là “một việc làm góp phần xây dựng xã hội học tập”. Lớp trưởng Lê Vĩnh Trình chia sẻ: Qua bài giảng của các thầy, chúng tôi còn học được nhiều kiến thức quý giá từ những điển tích, sự kiện lịch sử, có ý nghĩa sâu sắc về giáo dục đạo lý, nhân cách, phương pháp đối nhân xử thế...

Đội ngũ giáo viên giảng dạy đa số là cán bộ nghỉ hưu. Hai “lão Nho” Huỳnh Phương Bá và Nguyễn Đình Ngật là những người thành lập Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng nhiệt tình giảng dạy trong 2 khóa trước. Khóa này, thầy Bá vẫn tiếp tục đứng lớp, còn thầy Ngật đã “nhường bục giảng” cho lớp kế cận nhưng thứ bảy nào cũng trực tiếp viết nội dung bài học lên bảng và chú tâm theo dõi, góp ý, dìu dắt thế hệ kế tiếp. Theo ông Hoàng Ngọc Khăn, Giám đốc đương nhiệm của Trung tâm, biết chữ Hán Nôm mới có thể đọc, nghiên cứu, sử dụng các tác phẩm, tài liệu của tổ tiên để lại.  

Đặc biệt, tại Trung tâm, có những thầy giáo vốn là học viên khóa 1 của Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng. Các thầy chỉ nhận mình là “người hướng dẫn, cùng với học viên trao đổi, học hỏi”, nhưng qua từng buổi học, ai cũng cảm phục về nhiệt huyết và trình độ của các thầy và hiểu rằng các thầy đã dày công tìm tòi, nghiên cứu, chuẩn bị cho một buổi lên lớp như thế nào. Theo Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Trần Đình Liễn, các thầy giáo thế hệ kế cận của Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng đã trở thành những tấm gương sáng về tinh thần học tập, giữ gìn, truyền bá loại chữ viết vốn quý của dân tộc.

LÊ VĂN THƠM

;
;
.
.
.
.
.