Người cao tuổi "cô đơn" trong nhà mình

.

Hiện nay, người trên 60 tuổi tại Đà Nẵng chiếm tỷ lệ khoảng hơn 12% dân số. Theo xu hướng chung, tuổi thọ người cao tuổi tăng dẫn đến những thách thức không nhỏ đối với hệ thống y tế, các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe.

Để thích ứng với già hóa dân số, Đà Nẵng đang tăng cường các hoạt động chăm sóc người cao tuổi. Chỉ riêng trong năm 2019, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình thành phố đã tổ chức 14 lớp tập huấn kiến thức nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng truyền thông về dân số và phát triển, chăm sóc sức khỏe cho 14 câu lạc bộ là thành viên các câu lạc bộ tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng tại phường, xã.

Hoạt động này nhằm cung cấp, cập nhật những kiến thức cơ bản về kỹ năng tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; chế độ sinh hoạt về tinh thần, vật chất để khuyến khích người cao tuổi sống khỏe, sống có ích, gương mẫu và vận động con cháu xây dựng gia đình sinh đủ 2 con, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Đà Nẵng cũng đã nâng mức trợ cấp xã hội cao hơn mức quy định của Chính phủ, mở rộng đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội là người cao tuổi. Không chỉ vậy, vào các dịp lễ, Tết, ngày người cao tuổi, các địa phương trên thành phố còn vận động các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, tổ chức từ thiện, nhà tài trợ đi thăm, tặng quà cho người cao tuổi nghèo ở khu dân cư, nhất là người cao tuổi ở các xã trung du, miền núi; tặng quà người cao tuổi, người già neo đơn, bệnh tật đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các trung tâm dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội…

Tuy nhiên, Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước xuất hiện nhiều người cao tuổi cô đơn ngay chính trong ngôi nhà thân thuộc của mình. Cuộc sống hiện đại khiến mọi người bị cuốn vào nhịp sống hối hả, không còn thời gian để trò chuyện, vui chơi cùng ông bà bố mẹ. Bởi vậy, có không ít người cao tuổi có đầy đủ điều kiện vật chất cùng con cháu thành đạt nhưng vẫn muốn vào viện dưỡng lão để tìm bạn tâm sự hoặc cùng tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí dành cho họ. Bà M. (85 tuổi, ở quận Hải Châu) từ quê ra ở với vợ chồng con trai đã 3 năm nay chia sẻ: “Các con tui đều bận, đi làm đến tối mịt mới về. Đến thời gian để chăm con cũng không có nói gì đến hỏi thăm bố mẹ.

Ở nhà cả ngày một mình nhiều lúc không chịu nổi. Muốn đi chơi cũng không biết chỗ nào đi. Nhiều lúc thấy cô đơn lắm”. Bây giờ bà M. đã về lại với quê nhà, ở một mình với mảnh vườn luống rau ngày xưa vợ chồng bà đã cấy trồng ở Quảng Nam và quyết tâm không quay lại nhà con trai mặc cho các con cứ nằng nặc đòi đón mẹ ra ở cho vui cửa vui nhà. Không phải ai cũng làm được như bà M., nên dù chưa có thống kê và chưa ai thống kê nhưng ngày càng có nhiều hơn người cao tuổi cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe họ, dễ bị mắc các bệnh trầm cảm, tim mạch...

Bởi vậy, cần lắm chỉ một lời hỏi han, một cái nắm tay thật chặt hay một sự quan tâm nho nhỏ khi tự tay chuẩn bị một bữa ăn cho cha mẹ, để người cao tuổi không còn cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng cần phải tăng cường công tác truyền thông nhằm xây dựng và phát triển phong trào chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, mở rộng mạng lưới cơ sở y tế, mở các khu giải trí dành cho người cao tuổi, tổ chức nhiều hơn nữa các câu lạc bộ, sân chơi cho người cao tuổi. Có như vậy mới giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe; đồng thời phát huy tốt nhất vai trò của mình đối với sự phát triển chung của xã hội.

Kim Ngân

;
;
.
.
.
.
.