Theo Khoản 1 và Khoản 2 Mục II phần I, Thông tư 04/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 16/2009/TT-BXD chỉ rõ: “Hè (còn gọi là vỉa hè, hè phố) là bộ phận của đường đô thị, phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp là nơi bố trí hệ thống hạ tầng đô thị dọc tuyến...”.
Thế nhưng thực tế, vỉa hè có thực sự là bộ phận của đường đô thị phục vụ cho người đi bộ là câu hỏi không dễ trả lời. Bởi từ rất lâu, vỉa hè không chỉ có duy nhất chức năng là nơi dành cho người đi bộ mà là còn phải “gánh” trên mình rất nhiều chức năng khác. Phổ biến, tràn lan nhất, vỉa hè ở Đà Nẵng nói riêng và trên cả nước nói chung là nơi buôn bán đủ thứ của người dân.
Vỉa hè là nơi mở quán cà-phê, quán ăn đến dịch vụ rửa xe, giữ xe…; thậm chí là mảnh vườn riêng của hộ gia đình trồng rau xanh, cây kiểng. Nói chung là có tất tần tật mọi thứ và đều có chung một điểm là lấn phần lối của người đi bộ, có nơi gần như toàn bộ chiều ngang của vỉa hè bị lấn chiếm sử dụng, người đi bộ buộc phải đi xuống lòng đường.
Người dân bức xúc, cơ quan chức năng vào cuộc bằng rất nhiều rất nhiều biện pháp, kế hoạch trong cuộc chiến “dành lại vỉa hè” để trả lại lối đi cho người đi bộ. Tuy nhiên, kết quả chung, vỉa hè vẫn bị lấn chiếm tràn lan.
Với người dân thành phố hay người từ địa phương khác đến thành phố thì việc mất lối đi trên vỉa hè là sự bất tiện. Tuy nhiên, với du khách nước ngoài, nhất là đối với du khách đến từ các quốc gia phát triển, thì đây quả là một trải nghiệm... đáng sợ. Họ hoàn toàn không hiểu vì sao có vỉa hè, nhưng người đi bộ thì buộc phải đi xuống lòng đường? Họ cũng không hiểu được vẫn có lực lượng chức năng đi tuần tra làm nhiệm vụ thường xuyên trên đường, nhưng tình trạng lấn chiếm vỉa hè kinh doanh buôn bán vẫn diễn ra (?).
Hằng năm thành phố luôn dành một nguồn ngân sách khá lớn để mở rộng, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân. Đặc biệt, vài năm gần đây, với mục tiêu phát triển mạnh mẽ ngành du lịch, thành phố đã ưu tiên nguồn ngân sách không nhỏ để chỉnh trang, nâng cấp, mở rộng vỉa hè của nhiều tuyến phố ở khu vực trung tâm, và những nơi du khách thường xuyên lui tới. Có điều, vỉa hè có được sửa chữa, nâng cấp rộng rãi, khang trang hơn thì thì mọi việc vẫn không có gì thay đổi: Vỉa hè vẫn không là chỗ dành cho người đi bộ!
Câu chuyện vỉa hè không mới. Và việc trả lại vỉa hè đúng với chức năng đã được quy định là chuyện không dễ dàng. Thế nhưng, không vì khó mà không làm. Cần có sự quyết tâm, đặc biệt là có một lộ trình hợp lý để làm sao tạo điều kiện cho người dân làm ăn, nhưng vẫn bảo đảm được vấn đề quan trọng nhất là vỉa hè phải dành cho người đi bộ.
Thanh Vân