Ngày 10-12, HĐND thành phố khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 khai mạc kỳ họp thứ 12. Dự phiên khai mạc có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Trương Quang Nghĩa; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đặng Thị Kim Liên, cùng đại biểu HĐND thành phố và đại biểu khách mời.
Các đại biểu trao đổi bên lề kỳ họp. Ảnh: ĐẶNG NỞ |
Tập trung triển khai “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư 2020”
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung cho biết, mặc dù năm 2019, tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức, song các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của thành phố vẫn giữ được mức tăng trưởng khá; nhiều chủ trương lớn của thành phố được triển khai bước đầu mang lại hiệu quả. Thành phố đã tập trung triển khai cụ thể, đúng tiến độ, đúng tinh thần của Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trên các lĩnh vực.
Tuy vậy, tốc độ phát triển kinh tế chưa cao; một số chủ trương chưa thực hiện nghiêm túc, việc tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp còn chậm và lúng túng, dẫn đến vốn đầu tư phát triển thấp; hiệu quả sử dụng ngân sách chưa cao. “Các đại biểu cần tập trung thảo luận tìm ra những “điểm nghẽn” trong thực hiện nhiệm vụ năm 2019; đồng thời xây dựng các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng chính quyền năm 2020; những vấn đề cần đầu tư để làm tiền đề phát triển trong giai đoạn 2020 - 2025”, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung nhấn mạnh.
Trình bày báo cáo kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, năm 2019, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn thành phố ước tăng 6,47% so với năm 2018. Mức tăng trưởng này chưa đạt kế hoạch một phần do ảnh hưởng của công tác rà soát, điều chỉnh, khắc phục những bất cập trong quy hoạch phát triển.
Tuy nhiên, về lâu dài sẽ hướng đến bảo đảm tăng trưởng thực chất, bền vững, đúng định hướng. Về nhiệm vụ và giải pháp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, thành phố tiếp tục chủ động phối hợp với bộ, ngành có liên quan, trình dự thảo nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, dự kiến thông qua trong kỳ họp Quốc hội thứ 9, khóa XIV. UBND thành phố nỗ lực triển khai hiệu quả chủ đề “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư 2020”; phấn đấu kế hoạch tăng trưởng (GRDP, giá so sánh năm 2010) đạt 8-9% so với năm 2019; nghiên cứu đề xuất cơ chế thí điểm phát kinh tế về đêm trong hoạt động du lịch. Hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư và triển khai các chương trình, dự án trọng điểm...
Tìm ra những bất cập để tháo gỡ
Báo cáo giám sát tại kỳ họp, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND thành phố Trần Chí Cường cho rằng, về chỉ tiêu kinh tế, thành phố cần nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc các yếu tố làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế, phân tích các yếu tố tác động, nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong huy động nguồn lực vốn.
“Hiện nay ngành du lịch thành phố đang phát triển mạnh, nhưng vẫn thiếu các sản phẩm du lịch để tăng chi tiêu của du khách, nhất là sản phẩm du lịch về đêm còn quá đơn điệu”, ông Trần Chí Cường nói, đồng thời đề xuất để phát triển kinh tế về đêm trong hoạt động du lịch với 3 nhóm dịch vụ chính gồm: ẩm thực, vui chơi, giải trí và mua sắm.
Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Thành Tiến cho biết, qua công tác kiểm tra, thanh tra tình trạng sử dụng đất của các dự án cho thấy, mặc dù thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp quản lý, tuy nhiên trên thực tế vẫn tồn tại nhiều lô đất trống; nhiều dự án chậm đưa đất vào sử dụng theo đúng quy định, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.
“Riêng công tác quản lý đất đai tại khu vực ven đô, nhất là huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp, tách thửa tràn lan; thậm chí nhiều khu vực đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu còn bị phân lô, cắm biển rao bán công khai”, ông Tiến nhấn mạnh.
Liên quan đến công tác quy hoạch, ông Tiến cho rằng, hiện công tác lập quy hoạch phân khu chưa bảo đảm chất lượng và thành phần theo quy định. Công tác quản lý trật tự đô thị đã được chấn chỉnh, nhưng vẫn còn nhiều bất cập trong phối hợp, dẫn đến tồn tại nhiều điểm nóng về trật tự đô thị. Tình trạng xây dựng trái phép, sai phép, không phép vẫn còn diễn biến phức tạp.
Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Phan Thanh Long cho rằng, Nghị định 79/2019/NĐ-CP là cơ hội Chính phủ dành cho Đà Nẵng để tháo gỡ “điểm nghẽn” trong nợ đất tái định cư cho người dân. Tuy nhiên, cần thống nhất, vận dụng linh hoạt các quy định; trên cơ sở lịch sử của Đà Nẵng, giải quyết hài hòa giữa lợi ích của người dân.
Báo cáo thẩm tra do Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Cao Thị Huyền Trân trình bày cho biết, dự báo đến năm 2030, dân số Đà Nẵng tăng lên khoảng 1,4 triệu người. Để đáp ứng quy mô học sinh đến năm 2030-2031, cần bổ sung diện tích 286ha đất.
Tuy nhiên, theo báo cáo của ngành giáo dục và đào tạo, diện tích đất đang quy hoạch cho giáo dục chỉ có 21,8ha. Bên cạnh đó, vấn đề quá tải bệnh viện đang là một thách thức lớn đối với Đà Nẵng. Để giải quyết vấn đề này cần những giải pháp đồng bộ trước mắt và lâu dài, kể cả việc hình thành cơ sở 2 của Bệnh viện Đà Nẵng nhằm giảm áp lực quá tải.
Tuy nhiên, tiến độ triển khai thực hiện các dự án giảm tải bệnh viện hiện còn chậm. Trong năm 2019, sự cố tai biến sản khoa xảy ra đặt ra vấn đề về công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực dược cũng như mô hình hoạt động của Bệnh viện Phụ nữ.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đặng Thị Kim Liên cho biết, qua giám sát cho thấy, tình trạng xây dựng các công trình dân sinh không bảo đảm chất lượng, kém hiệu quả, gây bức xúc trong nhân dân. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, Mặt trận đã giám sát 339 công trình, phát hiện 45 công trình có sai phạm, tiến hành lập biên bản, đình chỉ thi công và báo cáo, kiến nghị đến cấp có thẩm quyền.
Đến nay, các đơn vị thi công đã khắc phục được những sai phạm tại 38 công trình. Cũng theo bà Đặng Thị Kim Liên, qua giám sát cho thấy, tình trạng đất nông nghiệp không sản xuất được do ảnh hưởng của các dự án trên địa bàn thành phố là 188,9 ha.
Từ năm 2012 đến nay, thành phố đã hỗ trợ gần 31 tỷ đồng nhằm bảo đảm đời sống cho các hộ nông dân có đất không sản xuất được. Vì vậy, đề nghị chính quyền thành phố chỉ đạo ngành chức năng rà soát, thống kê, đề xuất xử lý dứt điểm đối với từng diện tích đất nông nghiệp không sản xuất được. Đối với các dự án đã treo nhiều năm trên đất nông nghiệp, đề nghị hủy bỏ dự án, điều chỉnh quy hoạch để nông dân yên tâm sản xuất.
Thúc đẩy tăng trưởng, ưu tiên giải ngân vốn
Trong phiên thảo luận tại tổ vào chiều 10-12, các đại biểu HĐND thành phố tập trung thảo luận các nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó nhấn mạnh phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, giải ngân vốn đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài… Trưởng ban Đô thị, HĐND thành phố Nguyễn Thành Tiến cho rằng, để đạt được mức tăng trưởng kinh tế 9% trong năm 2020 theo dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố đề ra, trước hết thành phố cần phải xác định lại các mô hình phát triển kinh tế cũng như cơ cấu lại kinh tế của thành phố theo đúng tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Đại biểu Trần Anh Đức, Chủ tịch HĐND quận Cẩm Lệ phát biểu thảo luận tại kỳ họp. Ảnh: VĂN NỞ |
Mặt khác, cần xác định rõ các trụ cột kinh tế có thế mạnh của thành phố để tập trung phát triển. ĐB Tiến cho rằng, năm 2020 nguồn vốn đầu tư phát triển của thành phố sẽ tăng gấp đôi (khoảng trên 14.000 tỷ đồng), vì vậy, nếu không có giải pháp mạnh thì khó có thể giải ngân được số tiền này. “Việc giải ngân vốn đầu tư phát triển chậm sẽ kéo sự kìm hãm phát triển kinh tế của thành phố ở nhiều lĩnh vực. Vì vậy, đề nghị thành phố cần chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành tập trung nguồn lực để thực hiện việc giải ngân đạt hiểu quả”, ông Nguyễn Thành Tiến kiến nghị.
Liên quan đến quản lý loại hình bất động sản căn hộ du lịch (condotel), ông Nguyễn Thành Tiến đề nghị thành phố chỉ đạo có giải pháp quản lý có hiệu quả, hạn chế tình trạng chuyển đổi loại hình căn hộ condotel sang loại hình chung cư để tránh phá vỡ tổng thể quy hoạch chung đô thị, phát sinh hệ quả lâu dài cho thành phố, mất khả năng kiểm soát về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nhiều dự án triển khai chậm, đó là do công tác giải tỏa hiện nay gặp rất nhiều khó khăn và năng lực nhà đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Theo ông Chinh, hiện nay trên toàn địa bàn thành phố có khoảng 1.500 dự án lớn nhỏ triển khai chậm hoặc chưa triển khai. Quan điểm của UBND thành phố, đến quý 1-2020, sẽ tiến hành tổng rà soát lại, kiểm tra dự án nào có tính khả thi cao thì tiếp tục triển khai thực hiện, nếu không sẽ chuyển đổi mục đích hoặc dừng.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch thành phố thừa nhận, hiện sản phẩm du lịch của thành phố chưa nhiều, đặc biệt là các điểm du lịch vui chơi giải trí về đêm. Bà Hạnh cho biết, ngành du lịch thành phố đã chọn một số khu vực đề xuất với thành phố sớm xây dựng các khu vui chơi giải trí về đêm cũng như đề xuất với Trung ương cho phép Đà Nẵng tăng thời gian mở cửa “xuyên đêm” ở một số dịch vụ trên các tuyến đường du lịch của thành phố như: Bạch Đằng, Võ Nguyên Giáp... Ngoài ra, đối với các khu du lịch của thành phố sẽ đề xuất với ngành văn hóa xây dựng các chương trình biểu diễn về đêm để phục vụ du khách đến với Đà Nẵng.
Tại phiên khai mạc, HĐND thành phố bầu ông Trương Minh Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021; miễn nhiệm chức danh đại biểu HĐND thành phố khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 đối với Đại tá Trương Chí Lăng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố do nghỉ hưu theo chế độ; bỏ phiếu cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND thành phố khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, đối với ông Lê Thanh Hải, nguyên Phó Giám đốc Công an thành phố, do chuyển công tác. Kỳ họp đã bầu chức danh Ủy viên UBND thành phố khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 đối với các ông, bà: Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương; Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch; Đại tá Nguyễn Quốc Hương, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố; Lê Tùng Lâm, Giám đốc Sở Xây dựng. |
NHÓM PV THỜI SỰ