Trợ giúp pháp lý cho người dân vùng khó khăn

Thời gian qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý thành phố từng bước được xây dựng, củng cố về tổ chức bộ máy, đội ngũ cộng tác viên và thực hiện có hiệu quả các hoạt động trợ giúp pháp lý, góp phần quan trọng trong công tác “xóa nghèo” về pháp luật cho người dân.

Thực hiện Quyết định số 734/TTg ngày 6-9-1997 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách, UBND thành phố đã ban hành các văn bản pháp luật kịp thời, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trợ giúp pháp lý trong từng thời kỳ. Trong những năm qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý thành phố dần khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân. Thực tế cho thấy, mặc dù công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã làm tốt nhưng nhân dân không thể nắm bắt hết các quy định của pháp luật, vì vậy người thực hiện trợ giúp pháp lý phải hướng dẫn, giúp đỡ theo từng trường hợp cụ thể bảo đảm tính thiết thực, gần dân; tạo phương thức đưa pháp luật đến với người dân để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của dân.

Anh Mai Phước Tèo (sinh năm 1970, trú thôn Trường Định, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) là một trong những trường hợp được trợ giúp pháp lý. Dù ở độ tuổi ngoài 45 (thời điểm trợ giúp pháp lý) nhưng anh Tèo không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào. Theo gia đình kể lại thì năm 1981, anh Tèo đi lạc và theo tàu hỏa từ Huế vào Đà Nẵng, sau đó được ông Mai Phước Đá và bà Lê Thị Nhẽ ở thôn Trường Định, xã Hòa Liên nhận nuôi (không thực hiện đăng ký nuôi con nuôi tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền). Năm 1996, ông Mai Phước Đá và bà Lê Thị Nhẽ qua đời.

Anh Tèo sang ở với ông Trương Đình An và bà Mai Thị Én (cùng địa phương) cho đến nay. Sau khi được trợ giúp pháp lý, đến nay anh Tèo đã có được tất cả các giấy tờ tùy thân (giấy khai sinh, hộ khẩu, chứng minh nhân dân). Anh Tèo xúc động chia sẻ: “Bản thân tôi và gia đình không nắm rõ các quy định của pháp luật nhưng nhờ có hoạt động trợ giúp pháp lý của Nhà nước mà tôi đã trở thành một công dân đúng nghĩa với đầy đủ các quyền lợi được pháp luật quy định”.

Bà Vũ Thị Đoan (ở tổ 17, phường An Khê, quận Thanh Khê) chia sẻ: “Tôi không nắm rõ các quy định liên quan đến chế độ chính sách đối với người tham gia hoạt động cách mạng nhưng qua các đợt trợ giúp pháp lý lưu động, tôi đã nhận được sự hướng dẫn cụ thể của các trợ giúp viên pháp lý về các thủ tục cần thiết khi làm hồ sơ để được hưởng chế độ chính sách dành cho người có công với cách mạng”.

Cũng như bà Đoan, bà Trần Thị Minh Hạnh (trú tổ 23, phường An Khê, quận Thanh Khê), cho rằng nhờ có buổi trợ giúp pháp lý lưu động mà bà được tuyên truyền, hiểu biết thêm nhiều kiến thức pháp luật. Bà cho biết vừa được các trợ giúp viên pháp lý hướng dẫn các quy định về chế độ bảo hiểm dành cho người lao động trong trường hợp công ty mà bà đang làm việc giải thể. Nhờ đó bà đã có thêm kiến thức để đấu tranh với chủ sử dụng lao động trong việc bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình khi sự cố xảy ra.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng Châu Thanh Việt cho biết, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã mở rộng thêm diện người được trợ giúp pháp lý.

Cụ thể như người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, trẻ em, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình, người nhiễm HIV... Theo ông Việt, việc mở rộng đối tượng trợ giúp pháp lý đã thể hiện rõ nét chính sách nhân văn, sự quan tâm toàn diện của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng chính sách và đối tượng yếu thế trong xã hội.

Đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý thành phố đã giúp nhiều người được nhận chế độ chính sách ưu đãi của Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật. Có những trường hợp, tuy chỉ là tư vấn, hướng dẫn rất đơn giản như cung cấp thông tin, giúp họ soạn thảo đơn xin hỗ trợ nhà tình nghĩa hoặc liên hệ cơ quan chức năng cung cấp, xác nhận một số thông tin nhưng đã mang lại cho họ quyền lợi có giá trị cả về tinh thần và vật chất. Đặc biệt, đối với người dân các xã của huyện Hòa Vang, nơi điều kiện tiếp cận thông tin còn hạn chế, trình độ hiểu biết còn thấp thì những đợt trợ giúp pháp lý lưu động góp phần đáng kể vào việc “xóa nghèo” về pháp luật cho người dân.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Trung tâm Trợ giúp pháp lý thành phố thụ lý và thực hiện 80 vụ việc trợ giúp pháp lý cho 80 lượt người. Trong đó có những đối tượng như: người có công cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em; người dân tộc thiểu số; người nhiễm HIV…

Trần Hữu Minh

;
;
.
.
.
.
.