Mái ấm tình thương

.

Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và Trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng (sau đây gọi là Trung tâm) có lẽ là một trong những nơi không khí Tết đến sớm nhất trên địa bàn thành phố. Giữa bộn bề cuộc sống thường nhật, nơi đây đã thành một điểm sáng về tình yêu thương và lòng nhân ái.

Chuẩn bị bữa ăn trưa cho trẻ em tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và Trẻ em bất hạnh thành phố.
Chuẩn bị bữa ăn trưa cho trẻ em tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và Trẻ em bất hạnh thành phố.

Trung tâm trực thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Nẵng, hiện đang là nơi bán trú gần 120 trẻ em là nạn nhân chất độc da cam. Cứ khoảng 6 giờ rưỡi hằng ngày, ô-tô của Hội đi đến từng nhà riêng đón các em về Trung tâm. Buổi trưa, các em ăn nghỉ tại Trung tâm, đến 6 giờ chiều, ô-tô của Hội lại đưa các em về tận nhà.

Việc chăm sóc các em tại Trung tâm được tổ chức tận tình, chu đáo. Tùy theo dạng tật, từng em được học văn hóa hoặc học các nghề phù hợp như làm hương, kết hoa, kết cườm, tăng gia sản xuất và em nào cũng được hướng dẫn luyện tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng mỗi ngày; được hướng dẫn làm những công việc đơn giản và kỹ năng tự phục vụ. Ngoài bữa trưa, các em được uống sữa, ăn dặm giữa buổi chiều... Qua đó, hầu hết các em đều có sự chuyển biến tích cực về thể trạng và nhận thức. Bà Trần Thị N. ở xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) - mẹ của em T.V.T. hồ hởi chia sẻ: Trước kia T. thường lầm lì, biếng nói, nhưng sau 2 năm được nuôi bán trú tại Trung tâm, bây giờ T. đã biết trả lời khi nghe hỏi và biết thể hiện tình cảm với bố mẹ. Còn N.T.L., 15 tuổi, ở xã Hòa Phước, sau 4 năm được Trung tâm dạy nghề may, nay đã tự may được những kiểu quần áo thông thường.

Từ kết quả dạy nghề ở nơi đây, có hàng chục em được các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố tuyển dụng, bố trí việc làm, trong đó, 2 trường hợp trở thành giáo viên ngay tại trung tâm này. Đó là anh Nguyễn Ngọc Phương và chị Nguyễn Thị Thanh. Anh Phương ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) và chị Thanh ở phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) cách đây gần 10 năm được Trung tâm nuôi bán trú, bây giờ anh Phương đã trở thành giáo viên dạy nghề sản xuất hương, còn chị Thanh làm giáo viên dạy may và kết hoa của Trung tâm.      

Đặc biệt, Trung tâm này có lẽ là nơi mà không khí xuân đến sớm nhất trên địa bàn Đà Nẵng. Bởi, từ hạ tuần tháng 11 âm lịch, nơi đây đã bắt đầu nhộn nhịp hoạt động đón nhận quà Tết của nhiều đơn vị, cá nhân. Trung tâm đón hàng chục nhà hảo tâm gần xa, có cả bà con Việt kiều và những tổ chức phi chính phủ nước ngoài đến thăm, tặng quà. Tiêu biểu như CLB Hoa Từ bi kết nối yêu thương, Gia đình Hàn Việt, Nhóm Phụ nữ thiện nguyện Hòa Thọ Tây. Hay như chùa Phổ Quang (quận Sơn Trà), chùa Tân An (quận Thanh Khê), Nhóm Từ thiện Đoàn Kết tích cực trợ giúp Trung tâm về gạo, tiền, quà bánh và các loại vật dụng thiết yếu… Đó là những món quà nồng ấm tình yêu thương và lòng nhân ái.

Ông Tô Năm, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Nẵng, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và Trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng cho biết: Chi phí hoạt động của Trung tâm mỗi tháng hơn 200 triệu đồng, chủ yếu bằng nguồn xã hội hóa.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

 

;
;
.
.
.
.
.