Phát triển Hòa Vang thành đô thị xanh

.

Sau 45 năm ngày Giải phóng Đà Nẵng (29-3), bộ mặt nông thôn huyện Hòa Vang thay đổi rõ rệt và có nhiều khởi sắc. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đã nỗ lực thực hiện và đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Sau 45 năm ngày Giải phóng Đà Nẵng (29-3), bộ mặt nông thôn huyện Hòa Vang thay đổi rõ rệt và có nhiều khởi sắc. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đã nỗ lực thực hiện và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Huyện đã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2 (2016-2020) trước 1 năm.

Phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc phỏng vấn Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Văn Trường (ảnh) về sự phát triển của huyện Hòa Vang những năm qua và thời gian đến.

* Thưa ông, nhìn lại sau 45 năm ngày Giải phóng Đà Nẵng, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, UBND huyện, huyện Hòa Vang đã có những bước phát triển nổi bật gì trong quá trình xây dựng và phát triển?

-Trước giải phóng, Hòa Vang là một chiến trường rất ác liệt, nhiều xã trở thành vùng trắng như: Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Liên… Các xã còn lại là khu vực dồn dân.

Sau giải phóng, chính quyền cách mạng lãnh đạo, đưa nhân dân về lại làng cũ; phải nhờ bộ đội, dân quân, du kích rà phá bom mìn và mất thời gian khá dài để khôi phục sản xuất. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và Huyện ủy, các xã dần dần khôi phục lại sản xuất, bảo đảm cuộc sống ổn định.

Năm 1978 bắt đầu hình thành tập thể hợp tác xã (HTX) từ các cơ sở sản xuất manh nha. Các xã Hòa Tiến và Hòa Châu được chọn làm điểm phát triển giao thông, làng xã; nhờ đó, đời sống nhân dân có những chuyển biến rõ rệt.

Đến thời kỳ đổi mới, thực hiện Chỉ thị 100, Chỉ thị 10 về khoán trong nông nghiệp, kinh tế huyện từng bước phát triển. Huyện đầu tư sản xuất, phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi. Hòa Vang hình thành các hồ Hòa Trung, Đồng Nghệ bảo đảm cung cấp nước cho sản xuất phát triển.

Đặc biệt, thời kỳ thực hiện xây dựng NTM, huyện tập trung xây dựng các mô hình sản xuất mới cho năng suất cao; đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, khoảng 3.000km đường giao thông kiệt, hẻm được bê-tông hóa. Trường học bảo đảm 4 cấp khang trang, có 38/42 trường đạt chuẩn quốc gia; y tế được đầu tư; điện phủ sáng tất cả các thôn, xã.

Cái được lớn nhất là cuộc sống người dân thu nhập ngày càng tăng cao, năm 2019 thu nhập bình quân đầu người đạt 49 triệu đồng/người/năm; năm 2020 dự kiến đạt 55 triệu đồng/người/năm. Hộ đói không còn, hộ nghèo chỉ còn dưới 5%.

Là địa phương có số lượng gia đình chính sách lớn nhất thành phố, nhưng đời sống của họ ổn định, ngang mức trung bình trở lên. Huyện không chỉ xóa nhà tạm cho người nghèo mà còn xây dựng kiên cố trở thành nơi trú bão, tránh lũ. Đội ngũ cán bộ từ xã đến huyện được đầu tư đào tạo bài bản, trẻ hóa và có trình độ đại học chính quy chiếm 70-80%, đáp ứng nhu cầu phát triển, góp phần tạo sự thành công chung của huyện.

* Để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn theo kịp mặt bằng chung của thành phố, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII sẽ tập trung vào những giải pháp gì để phát triển huyện nhà trong nhiệm kỳ tới?

-Những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội trong các nhiệm kỳ qua và kết quả 10 năm xây dựng NTM là tiền đề quan trọng để phát triển huyện Hòa Vang trong thời gian tới. Trong đó, huyện sẽ phát triển không gian đô thị về phía tây và nam thành phố, có những cơ chế, chính sách mới tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế-xã hội như:

Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển huyện Hòa Vang đến năm 2020 và những năm tiếp theo… tạo ra động lực mới cho sự phát triển của huyện.

Dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra mục tiêu đến năm 2025, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng: dịch vụ và thương mại chiếm 57,36%, công nghiệp và xây dựng chiếm 34,52%, nông nghiệp còn 8,12%. Tổng giá trị sản xuất tăng bình quân từ 11-12%/năm. Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân hằng năm từ 10-15%/năm, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 85 triệu đồng/người/năm.

Để đạt được những chỉ tiêu này, huyện tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng, hệ thống không gian xanh, đô thị huyện theo hướng bền vững, phát huy thế mạnh địa phương; phối hợp thực hiện lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, như: quy hoạch phát triển mạng lưới các vùng nông nghiệp công nghệ cao (CNC), quy hoạch giao thông, quy hoạch mạng lưới thiết chế văn hóa, quy hoạch mạng lưới giáo dục, cấp thoát nước, quy hoạch khu dân cư, quy hoạch hệ thống xử lý nước thải…; thực hiện tốt công tác quy hoạch, cấp phép và quản lý trật tự xây dựng; phân bố đất đai sử dụng cho các ngành, các cấp theo quy hoạch, kế hoạch phù hợp với vị trí và không gian đô thị trong tương lai. Huyện đồng thời nghiên cứu tiêu chuẩn khu đô thị kiểu mẫu để áp dụng cho các khu đô thị mới trên địa bàn.

Một khu phố cạnh ngã tư đường ĐT 605 giao với đường vành đai phía tây thành phố tại xã Hòa Tiến. Ảnh: Đ.H.L
Một khu phố cạnh ngã tư đường ĐT 605 giao với đường vành đai phía tây thành phố tại xã Hòa Tiến. Ảnh: Đ.H.L

Song song đó, huyện tập trung phát triển, nâng cao hiệu quả và đóng góp của ngành dịch vụ, đặc biệt là thương mại, du lịch và các dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống; đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, kết hợp với tìm hiểu lịch sử phục vụ du khách trong và ngoài nước tại các di tích Gò Hà - Chi bộ Phổ Lỗ Sĩ, Đồng Nghệ, Khu căn cứ cách mạng Huyện ủy.

Xây dựng các tour du lịch sinh thái kết hợp với văn hóa bản địa, làng nghề truyền thống; các tour du lịch đường sông Cu Đê, Túy Loan. Địa phương tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa XVI) về phát triển du lịch sinh thái cộng đồng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; Đề án Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030.

Bên cạnh đó, huyện phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng đầu tư chiều sâu, đưa các thiết bị, công nghệ tiên tiến vào sản xuất tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, giá cả hợp lý nhằm tăng sức cạnh tranh để tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ; tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC để nâng cao năng suất, sản lượng, hướng đến các mô hình công nghệ, hoạt động sản xuất thân thiện với môi trường, tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hữu cơ, theo mô hình VietGAP phục vụ đô thị và du lịch…

* Hiện nay, các Đảng bộ, chi bộ trên địa bàn huyện đã và đang chuẩn bị tiến hành đại hội Đảng các cấp. Ông có thể cho biết, Huyện ủy đã chỉ đạo những gì để tổ chức thành công Đại hội (ĐH) Đảng bộ cơ sở và Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII?

-Lãnh đạo Huyện ủy đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về ĐH Đảng bộ các cấp tiến tới ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Theo đó, chuẩn bị trước một bước triển khai chuẩn bị nội dung, định hướng, các bước quy trình nhân sự và có kế hoạch triển khai cụ thể. Đến nay, Huyện ủy đã chọn Đảng bộ xã Hòa Châu và Trung tâm Y tế huyện làm ĐH điểm; 3 xã tổ chức ĐH cuối tháng 3, đầu tháng 4; các cơ sở Đảng còn lại kết thúc ĐH vào giữa tháng 5. Riêng Đảng bộ huyện tổ chức ĐH Đảng bộ vào đầu tháng 7.

Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và quy hoạch của thành phố, huyện đã điều chỉnh quy hoạch và định hướng cho các xã nhằm phát triển huyện Hòa Vang thành đô thị xanh, tức là vẫn mang bản sắc văn hóa của làng quê, trong đô thị có nông thôn.

Định hướng Hòa Vang phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần bảo đảm tăng trưởng; phát triển thương mại dịch vụ, hướng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; ưu tiên phát triển các chợ truyền thống để tạo ra vùng du lịch trên địa bàn; đầu tư kêu gọi phát triển du lịch sinh thái ở các xã miền núi, như du lịch cộng đồng ở Hòa Phú, Hòa Bắc, Hòa Khương; cùng với thành phố, sẽ phát triển các khu công nghiệp Hòa Nhơn, Hòa Ninh; đặc biệt, Hòa Ninh có đường vành đai phía tây sẽ rất thuận lợi để phát triển công nghiệp.    

* Cảm ơn ông!

Đoàn Hạo Lương thực hiện

;
;
.
.
.
.
.