Đường gom dọc đường sắt từ cầu vượt Hòa Cầm đến Cầu Đỏ: Xóa bỏ đường ngang dân sinh

.

UBND thành phố vừa phê duyệt dự án Đường gom dọc đường sắt từ cầu vượt Hòa Cầm đến Cầu Đỏ. Đây là công trình được triển khai với tổng mức đầu tư trên 39 tỷ đồng do Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng thực hiện.

Thực tế hiện nay, một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt là do hệ thống an toàn của hạ tầng đường sắt chưa bảo đảm. Hiện tại, đa số người dân trong các khu dân cư sống dọc trên tuyến đường sắt không còn cách nào khác phải băng qua đường sắt để đi lại. Các lối đi tự mở dần xuất hiện nằm khuất tầm nhìn là một trong những nguy cơ tiềm ẩn TNGT. Vì vậy, đường gom là một trong những phương án để xóa bỏ hệ thống đường ngang dân sinh, bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) đường sắt. Do đó, với khoảng 5,5km đường gom đã được xây dựng (đường gom từ ngã ba Huế - cầu vượt Hòa Cầm) và hiện tại là dự án 1,2km nữa sẽ góp phần hạn chế TNGT, ổn định cuộc sống của người dân sống cạnh đường sắt.

Bà Trần Thị Duyên (nhà nằm ở khu vực Hòa Cầm) cho biết đã từng chứng kiến nhiều vụ TNGT ở đường ngang dân sinh nên từ lâu mong muốn có một con đường hoàn chỉnh ven đường sắt để đi lại cho an toàn. Còn ông Lê Văn Hùng, nhà ở gần đường sắt (đoạn cầu vượt Hòa Cầm - Cầu Đỏ) chia sẻ: “Con cháu tôi thường chơi đùa trước cửa nhà nên cả gia đình luôn nơm nớp lo sợ mỗi khi có tàu lửa chạy qua. Hy vọng với sự phê duyệt của thành phố, dự án đường gom cầu vượt Hòa Cầm - Cầu Đỏ sớm được triển khai thi công và đưa vào sử dụng”.

Theo Sở Giao thông vận tải, một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến các vụ TNGT đường sắt gia tăng thời gian qua xuất phát từ hành vi vi phạm của những người điều khiển phương tiện qua đường ngang. Lỗi do người tham gia giao thông cố tình vượt qua đường sắt không chú ý quan sát, hoặc cố tình phóng nhanh, vượt ẩu khi tàu đến. Mặt khác, một số nhân viên đường sắt chưa chấp hành nghiêm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các quy trình liên quan trong bảo đảm ATGT đường sắt. Ngoài ra, chất lượng bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, vật tư, phụ tùng; công tác sửa chữa, nâng cấp các phương tiện vận tải chưa bảo đảm yêu cầu theo quy định dẫn đến tai nạn, sự cố.

Các giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ còn khá nhiều, các công trình vi phạm hành lang ATGT đường sắt chưa được giải tỏa dứt điểm… Đặc biệt, hiện nay, việc phối hợp giữa các địa phương trong việc cảnh giới cũng như ngăn chặn lối đi tự mở còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương chưa triển khai đầy đủ các nội dung quy chế phối hợp. Việc chủ trì giải tỏa, cưỡng chế vi phạm hành lang, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt ở một số địa phương thiếu quyết liệt; các hành vi vi phạm trật tự an toàn đường sắt chưa được kịp thời xử lý; trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý đường ngang dân sinh qua đường sắt chưa rõ ràng, cụ thể.

Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh văn phòng Sở Giao thông vận tải đánh giá, ngành giao thông và ngành đường sắt đã không ngừng đầu tư xây dựng hành lang an toàn đường sắt cũng như hệ thống đường gom để người dân đi lại thuận tiện. Hành lang ATGT đường sắt được xây dựng như một hệ thống hàng rào an toàn tại các vị trí có đông dân cư, tuy nhiên thực tế cũng tồn tại nhiều đường ngang dân sinh nguy hiểm, thường xuyên xảy ra tai nạn…

Theo Ban ATGT thành phố, thời gian qua, cùng với công tác phối hợp tuyên truyền về ATGT đường sắt, thành phố đã triển khai xây dựng hoàn thành 5,5km đường gom chạy song song với đường sắt từ ngã ba Huế - cầu vượt Hòa Cầm, tổng mức đầu tư hơn 144,7 tỷ đồng thuộc dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố được ngân sách Trung ương hỗ trợ. Dự án với mục tiêu xóa các lối đi tự mở, bảo đảm ATGT đường bộ, đường sắt. Đặc biệt, sau khi đưa vào sử dụng công trình đã góp phần làm giảm ùn tắc và TNGT; đồng thời khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với các khu vực lân cận trên địa bàn 2 phường Hòa An và Hòa Phát.

Trong khi đó, theo ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT, nhằm bảo đảm an toàn tại các điểm đường bộ giao nhau với đường sắt, trong 13 đường ngang dân sinh qua đường sắt còn tồn tại trên địa bàn thành phố, hiện có 8 đường ngang đã được Ban ATGT thành phố phối hợp với UBND quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang bố trí tổng cộng 31 người cảnh giới. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định từ nay đến năm 2020 đầu tư để đóng 30% đường ngang dân sinh qua đường sắt; đến năm 2025, đầu tư đóng 100% đường ngang dân sinh.

PHƯƠNG UYÊN

 
;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.