Giám sát để gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng chi trả kịp thời, đúng đối tượng

.

Chiều 27-4, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai và hướng dẫn giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn chủ trì hội nghị. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đặng Thị Kim Liên và Phó Chủ tịch UBND Lê Trung Chinh chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, trước tình hình đời sống nhân dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19, Chính phủ đã thông qua gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Việc hỗ trợ phải kịp thời, đúng đối tượng, không để xảy ra bất cứ trường hợp tiêu cực nào ở các cấp, ngành, địa phương; đồng thời nhấn mạnh vai trò giám sát của nhân dân trong thực hiện chính sách hỗ trợ.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị Mặt trận các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau: Thứ nhất, phải chặt chẽ, chính xác ngay từ việc xác định đối tượng được thụ hưởng chính sách. Danh sách tổng hợp phải rõ ràng từ tên, tuổi, địa chỉ, mức hỗ trợ, hình thức hỗ trợ. Thứ hai, phải công khai mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ qua các phương tiện thông tin đại chúng; niêm yết danh sách tại các điểm thuận lợi để nhân dân theo dõi, giám sát chặt chẽ.

Thứ ba, cần cung cấp số điện thoại, địa chỉ thư điện tử Trung ương đến các tỉnh, huyện, xã để nhân dân trực tiếp phản ánh; có thể nhận qua hộp thư tố giác để giữ bí mật cho người phản ánh; trả lời thỏa đáng các kiến nghị của nhân dân. Mặt trận Trung ương phải công khai 3 số điện thoại của: Trưởng ban Phong trào, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Trưởng ban Tuyên giáo để sẵn sàng tiếp nhận, giải đáp ý kiến góp ý, phản ánh của nhân dân.

Cuối cùng là xác định rõ trách nhiệm từ việc ký văn bản, phê duyệt danh sách, biên bản làm việc, báo cáo kết quả, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, mặt trận, nhất là ngành lao động, thương binh và xã hội các cấp; bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, trưởng ban công tác mặt trận, các hội, đoàn thể; nêu rõ thời gian triển khai, kết thúc, thời gian tổng kết chương trình.

Tại điểm cầu Đà Nẵng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn An nêu một số bất cập trong thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ như một số lao động mất việc trước thời gian quy định của Thủ tướng chính phủ; những đối tượng lao động tự do như buôn bán nhỏ nhưng có vị trí cố định có nằm trong diện được hỗ trợ hay không. Nghị quyết quy định hỗ trợ những đối tượng khó khăn, nhưng không quy định cụ thể mức thu nhập nào là khó khăn... Thành phố xin ý kiến hướng dẫn từ các bộ, ngành Trung ương để sớm triển khai các biện pháp hỗ trợ đến người dân.

Được biết,  đối tượng được nhận hỗ trợ là người bị giảm sâu thu nhập, mất hoặc thiếu việc làm, gặp khó khăn, không bảo đảm mức sống tối thiểu; một số nhóm đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi, bảo trợ xã hội trong thời gian có dịch. Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất. Nguồn kinh phí hỗ trợ cho đối tượng bán lẻ xổ số lưu động do các công ty xổ số kiến thiết các địa phương chi trả. Hình thức chi trả hỗ trợ được khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin, ngân hàng; hạn chế chi trả trực tiếp để bảo đảm phòng, chống Covid-19 hiệu quả.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.