Nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức

.

Một trong những nội dung thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TU ngày 19-5-2020 của Thành ủy về “Lãnh đạo đẩy mạnh hoạt động khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình Covid-19 được kiểm soát” là đổi mới cách thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; tăng cường phát huy trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và nâng cao năng lực, trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đơn vị. Tinh thần này đang được các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố ráo riết thực hiện.

Hoạt động giao dịch hành chính tại Bộ phận Một cửa Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng. Ảnh: TRỌNG HUY
Hoạt động giao dịch hành chính tại Bộ phận Một cửa Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng. Ảnh: TRỌNG HUY  

Tập trung vận động giải tỏa mặt bằng các dự án trọng điểm

Theo nghị quyết của HĐND thành phố, đầu tư công là giải pháp tạo động lực để Đà Nẵng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là sau khi tình hình Covid-19 trên cả nước và ở thành phố đã được kiểm soát. Chỉ thị số 40-CT/TU yêu cầu thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp xử các “điểm nghẽn” trong thủ tục đầu tư, xây dựng cơ bản, công tác giải tỏa, đền bù, bàn giao mặt bằng phục vụ triển khai các dự án, nhất là các công trình trọng điểm, động lực.

Nhiệm vụ này đặt ra yêu cầu cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp của thành phố phải nâng cao năng lực, phát huy tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Theo kế hoạch năm 2020, toàn thành phố có 128 dự án là nhóm các dự án, công trình thuộc danh mục trọng điểm, động lực hoặc các dự án hoàn thành công tác đền bù trong năm 2020 (nhóm I/2020). Theo đó, huyện Hòa Vang có 47 dự án; quận Liên Chiểu có 27 dự án; quận Ngũ Hành Sơn có 22 dự án; quận Sơn Trà có 12 dự án; quận Cẩm Lệ có 8 dự án; quận Hải Châu có 7 dự án; quận Thanh Khê có 5 dự án. Do diễn biến dịch bệnh, trong quý I-2020, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn vì phải tập trung phòng, chống dịch.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Trần Phước Sơn, thực hiện Chỉ thị 40-CT/TU, thành phố đang tập trung tháo gỡ khó khăn đối với các dự án quy mô lớn của các doanh nghiệp có vướng mắc, chậm triển khai trong nhiều năm, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư, khởi công dự án; hoàn thành xúc tiến, hỗ trợ các dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy đăng ký kinh doanh.

Theo ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu, trên địa bàn quận có một số dự án triển khai, trong đó có các dự án trọng điểm của thành phố. “Hiện công tác giải phóng mặt bằng tại dự án nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý còn vướng 1 hộ chưa giải quyết dứt điểm. Hội đồng Giải phóng mặt bằng (HĐGPMB) quận đã linh hoạt, vận dụng nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng do yêu cầu của người dân vượt thẩm quyền giải quyết của quận. Sau khi thành phố có chỉ đạo cụ thể, quận sẽ tập trung giải quyết hoàn thành”, ông Lê Anh cho biết.

Đối với các dự án triển khai dở dang trên địa bàn quận Sơn Trà, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Trần Thị Thanh Tâm cho biết, HĐGPMB quận tích cực vận động, tháo gỡ dần các khó khăn, vướng mắc, tìm tiếng nói chung với hộ dân liên quan. Với trường hợp chây ỳ, địa phương sẽ ban hành quyết định cưỡng chế theo quy định. Đối với các dự án mới triển khai, HĐGPMB quận đang đẩy mạnh các biện pháp để sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, địa bàn huyện có nhiều dự án trọng điểm triển khai trong năm 2020 nhưng đến nay qua công tác vận động, chưa có trường hợp nào buộc phải cưỡng chế.

Người dân cơ bản đồng thuận chủ trương của thành phố. Đối với dự án hạ tầng Khu công nghệ cao, HĐGPMB huyện đang phấn đấu sớm có đất sạch giao lại cho Ban Quản lý Khu công nghệ cao để mở rộng thu hút đầu tư.

Đối với các dự án khác, các cấp, ngành, đặc biệt là các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách đền bù giải tỏa. Hiện nay, dịch bệnh đã được kiểm soát, công tác triển khai cơ bản thuận lợi. Lãnh đạo huyện đang tăng cường chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan tích cực triển khai công tác giải phóng mặt bằng để sớm giao cho các ban quản lý dự án.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng, thời gian vừa qua, UBND thành phố đã tăng cường phân cấp các lĩnh vực quản lý Nhà nước theo hướng giao thêm thẩm quyền và trách nhiệm cho các sở, ngành, UBND các quận, huyện. Phân cấp tập trung giải quyết các lĩnh vực trọng điểm như: quản lý đầu tư công; quản lý đất đai; quản lý đô thị; quản lý ngân sách; quản lý tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...

Bên cạnh đó, UBND thành phố chỉ đạo theo dõi và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo thành phố giao. Sở Nội vụ tham mưu UBND thành phố thành lập các đoàn kiểm tra công vụ; lãnh đạo các địa phương, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của công chức trong thực thi nhiệm vụ.

Hoạt động giao dịch hành chính tại Bộ phận Một cửa Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng. Ảnh: TRỌNG HUY
Hoạt động giao dịch hành chính tại Bộ phận Một cửa Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng. Ảnh: TRỌNG HUY

Ông Lê Anh cho biết, cùng với đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) có ý nghĩa rất lớn, giúp thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, sản xuất và các hoạt động xã hội sau khi dịch được kiểm soát.

Theo đó, công tác đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ cho cán bộ, công chức được tăng cường để ngày càng hoàn thiện, giải quyết công việc nhanh chóng, đúng, trúng nguyên tắc, quy trình.

Được biết, ngay sau khi Thành ủy ban hành Chỉ thị số 40-CT/TU, Quận ủy Hải Châu đã tổ chức hội nghị triển khai đến cán bộ chủ chốt, lãnh đạo 13 phường. Theo đó, các phòng, ban, các phường được yêu cầu phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp, giải pháp cải cách TTHC; hỗ trợ miễn, giảm và giãn nợ thuế cho người dân và doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Đặng Phú Hành, thời điểm Covid-19 diễn ra, việc triển khai các hoạt động dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đã mang lại hiệu ứng tích cực trong cải cách TTHC ở huyện Hòa Vang. Người dân dần làm quen với giao dịch trực tuyến, đăng ký giao dịch qua mạng.

Tuy nhiên, sau khi dịch được kiểm soát, việc hỗ trợ kỹ thuật không còn, cơ sở vật chất tại các xã hiện chưa đáp ứng tốt để triển khai các DVCTT. “Dù vậy, huyện chỉ đạo các địa phương tích cực hoàn thiện cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu về cải cách TTHC, khuyến khích và hướng dẫn người dân sử dụng DVCTT”, ông Hành nói.

Hiện nay các cán bộ chủ chốt, lãnh đạo các phường của quận Sơn Trà đã thích ứng với sự vận hành trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển, thay đổi tư duy trong công tác điều hành, xử lý, giải quyết công việc để bảo đảm kịp thời, nhanh nhất các bức xúc, tồn đọng phát sinh tại cơ sở.

Theo bà Trần Thị Thanh Tâm, quận đang chỉ đạo rà soát, xem xét các bộ thủ tục hành chính, bộ phận nào còn dài dòng, không cần thiết thì đề xuất cắt giảm, bảo đảm giải quyết nhanh nhất cho người dân, doanh nghiệp đến giao dịch; tăng cường DVCTT, nhất là phát huy hiệu quả dịch vụ bưu chính công ích.

Ông Võ Ngọc Đồng cho biết, thành phố đã tập trung nguồn lực xây dựng hàng trăm DVCTT để phục vụ người dân và doanh nghiệp nhanh hơn, thuận lợi, hiệu quả, chuyên nghiệp hơn. Tất cả các cơ quan, địa phương có thông báo triển khai ưu tiên nhận và xử lý hồ sơ trực tuyến trên Cổng DVCTT và cử đầu mối liên lạc để chỉ đạo cũng như xem xét nhận hồ sơ trực tiếp trong trường hợp cần thiết.

Theo báo cáo, từ ngày 1 đến ngày 22-4-2020, số hồ sơ trực tuyến tổ chức, công dân nộp chiếm 80% tổng số hồ sơ của tất cả các sở, ngành toàn thành phố (1.679 hồ sơ trực tuyến/2011 hồ sơ). Trong tháng 6 tháng đầu năm 2020, đã có hơn 500 lượt hẹn giờ giao dịch hành chính tại các đơn vị nhằm bảo đảm giãn cách giao dịch. Đối với việc trả kết quả cho người dân thông qua dịch vụ bưu chính công ích, từ tháng 4-2020, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành hỗ trợ người dân chi phí chuyển trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Kinh phí được lấy từ nguồn đã giao trong dự toán 2020.

Trong tháng 4-2020, thành phố xây dựng thêm gần 500 DVCTT, nâng tổng DVCTT là 1.334 dịch vụ, chiếm gần 100% DVCTT trên Cổng DVCTT và thông báo cho các cơ quan, địa phương sử dụng. Đối với cấp phường, xã là 101 DVCTT/101 TTHC (100% trực tuyến) và quận, huyện là 183 DVCTT/183 TTHC (100% trực tuyến); các sở, ban, ngành là 1.050 DVCTT/1.100 TTHC (100% trực tuyến; trừ một số thủ tục liên quan đến đất đai và chứng thực).

Có 580 DVCTT mức 4 (nộp hồ sơ qua mạng, trả lệ phí qua mạng và nhận kết quả qua mạng); chiếm 41% trong số TTHC của thành phố (vượt định mức 30% vào cuối năm 2020 theo Nghị quyết 17/NQQ-CP và Nghị quyết 02/2020/NQ - CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020).

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.