Những sân chơi bổ ích, nhân văn

.

Năm 2016, thành phố Đà Nẵng đã thí điểm thành lập 2 CLB “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” ở phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) và phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) nhằm tạo ra sân chơi chung cho những thanh thiếu niên lầm lỡ lần đầu.

Một buổi dã ngoại của CLB “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” phường Hòa An (quận Cẩm Lệ).  Ảnh: T.S
Một buổi dã ngoại của CLB “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” phường Hòa An (quận Cẩm Lệ). Ảnh: T.S

Đến nay, đã có thêm 4 CLB nữa được thành lập ở 4 phường là Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), Hòa An (quận Cẩm Lệ), Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) và Bình Hiên (quận Hải Châu), nhờ vậy đã có hàng trăm thanh thiếu niên từ bỏ được việc “dùng thử” ma túy trở thành người tốt.

Có mặt cùng đứa con trai mới lớp 8 tham gia buổi thực tế tại Cơ sở xã hôị Bầu Bàng của các CLB “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy”, ông L. T (trú phường Nại Hiên Đông) bộc bạch: “Có đến đây mới thấy ma túy tác hại như thế nào với lớp trẻ. Và cũng nhờ đến đây mới rút ra được nhiều bài học để giúp con thoát ra khỏi ma túy, điều mà lâu nay nhiều phụ huynh như chúng tôi chưa hiểu hết. Nhờ tham gia CLB “Can thiệp sớm, dự phòng ma túy”, đến nay con trai tôi đã rời bỏ hẳn những bạn xấu, tu chí học tập, nghe lời ba mẹ, thầy cô”.

4 năm qua, ở 6 CLB “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” đã trở tranh ngôi nhà chung của những thanh thiếu niên lỡ sử dụng ma túy lần đầu, không chỉ “nói không” với ma túy, các thành viên còn có cơ hội trở lại trường, học nghề, thậm chí là hỗ trợ vay vốn làm ăn. Từng có thời gian bỏ học, tập tành hút thuốc lá rồi “thử cho biết” ma túy, nhưng rất may mắn là ngay lần thử đầu tiên đó, T. N đã bị Công an phường Thọ Quang phát hiện. Sau khi tham gia CLB “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” của phường Thọ Quang, T. N được địa phương giới thiệu đi học nghề tóc và sau đó là bảo lãnh vay 50 triệu đồng để mở tiệm tóc. Bây giờ, không chỉ trở thành chủ tiệm tóc khá đông khách, thu nhập ổn định, T. N cũng là một thành viên rất tích cực của CLB.

Theo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố trong năm 2018, qua đánh giá xếp loại có 176/220 hội viên có tiến bộ, đạt tỷ lệ 78,6%. Báo cáo năm 2019 cho biết, đã có 193/236 hội viên của 6 CLB được xếp loại  tiến bộ, đạt tỷ lệ 81,7%. Nhận xét về kết quả này, bà Phạm Thị Sen, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố cho rằng đây là kết quả rất đáng khích lệ. Theo bà Sen, để một hội viên tham gia CLB là cả quá trình vất vả của các thành viên ban chủ nhiệm. Bên cạnh luôn gần gũi, động viên, khích lệ các hội viên, hình thức sinh hoạt của các CLB cần sinh động, hấp dẫn và luôn luôn đổi mới. Điều quan trọng nhất là phải cho hội viên thấy được những cơ hội nghề nghiệp, cuộc sống tương lai.

Thực tế trong thời gian qua, các CLB ở các địa phương có cách làm phù hợp với điều kiện từng nơi. Bên cạnh việc hỗ trợ giúp đỡ hội viên quay lại trường học, đi học nghề, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, các CLB còn giáo dục những kỹ năng sống tích cực cho hội viên. Điển hình là CLB tại phường Bình Hiên thường xuyên tổ chức các đợt sinh hoạt dã ngoại, sinh hoạt tập thể, qua đó, hướng dẫn các hội viên cách chia sẻ khó khăn, làm việc nhóm. CLB phường Nại Hiên Đông phối hợp với Đoàn Thanh niên phường, các tổ chức quốc tế tại Đà Nẵng thực hiện các chuyến đi dã ngoại, thi đấu thể thao... CLB phường Hòa An kết nối với các hoạt động của Đoàn phường để các hội viên cùng tham gia các hoạt động thiện nguyện...

Không phủ nhận những thành công bước đầu, song, cũng theo bà Phạm Thị Sen, vấn đề khó nhất của các CLB vẫn là việc quản lý hội viên của mình. Vì trên thực tế không ít hội viên do nhu cầu mưu sinh, học tập nên thay đổi chổ ở nên không thể sinh hoạt CLB thường xuyên. Một số doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng tiếp nhận người lao động vì còn ngại nhận người từng “dính” vào ma túy. Bên cạnh đó, vấn đề kinh phí để CLB sinh hoạt còn khiêm tốn cũng khiến cho các CLB không thể mở rộng và duy trì thường xuyên các hoạt động.

THANH VÂN
 

;
;
.
.
.
.
.