Sau nhiều năm triển khai Đề án Kiểm soát dân số vùng biển, đảo, ven biển (Đề án 52) tại 18 phường trên địa bàn 5 quận cho thấy, nhận thức và hành vi về chăm sóc sức khỏe của người dân nơi đây được nâng cao. Nhiều phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.
Mục tiêu của Đề án 52 nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình nâng cao chất lượng dân số khi sinh và phòng chống bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản; phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục; phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn… cho người dân vùng biển và ven biển.
Theo đánh giá của Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, quy mô dân số các phường vùng biển, đảo và ven biển không vượt quá 376.000 người vào năm 2010, 415.000 người vào năm 2015 và 450.000 người vào năm 2020. Tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tại các phường vùng biển, đảo và ven biển áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 68% vào năm 2010, đạt 72,5% vào năm 2015 và đạt 74% năm 2020.
Tương tự, tỷ lệ người làm việc và người dân sinh sống trên đảo, ven biển, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch thuộc khu vực đảo, ven biển và trên biển được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình đạt 60% vào năm 2010, 75% vào năm 2015 và 95% vào năm 2020.
Các Trung tâm Y tế quận, huyện thuộc đề án đã thành lập được 5 đội dịch vụ Y tế - Kế hoạch hóa gia đình, hằng năm đã thực hiện công tác tuyên truyền, truyền thông tư vấn lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân vùng ven biển. Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã thực hiện các hình thức nhằm cung cấp thông tin tư vấn về chăm sóc sức khỏe cho hơn 180.000 người; bà mẹ mang thai được khám là hơn 38.800 người; số người được khám phụ khoa hơn 143.000 người… Ngoài ra, các trạm Y tế duy trì tổ chức khám thai định kỳ, cung cấp viên sắt, tiêm phòng uốn ván cho các bà mẹ mang thai. Đã quản lý hơn 1.700 bà mẹ mang thai có nguy cơ cao (tiền sử, có con dị tật, dị dạng, chất độc da cam) và hơn 5.000 bà mẹ mang thai có nguy cơ cao được khám và lập danh sách theo dõi.
Hằng năm Chi cục - Dân số Kế hoạch hóa gia đình tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về những bệnh nhiễm khuẩn đường tình dục, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn và lồng ghép thi tìm hiểu về kiến thức dân số, kế hoạch hóa gia đình cho người từ 15-24 tuổi chưa kết hôn, không đi học, chưa có việc làm tại các phường ven biển với khoảng 5.500 người tham dự. Ngoài ra, các trung tâm Dân số quận, huyện thuộc đề án đã triển khai nhiều hoạt động, mô hình có hiệu quả tại địa bàn dân cư, tổ chức tư vấn cho nhân dân lao động với các chuyên đề, nội dung liên quan đến việc nâng cao chất lượng dân số.
Theo ông Huỳnh Bá Tân, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, việc triển khai thực hiện Đề án 52 vẫn còn gặp nhiều khó khăn do bộ máy tổ chức thiếu tính ổn định, đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác dân số trong những năm qua có nhiều biến động, thay đổi, dẫn đến thiếu ổn định, đây là một trong những nguyên nhân và là yếu tố làm ảnh hưởng tới các nguyên nhân khác. Hiện nay quy mô dân số giữa các quận còn chênh lệch, tỷ lệ nhập cư tăng cao, sự di dời, giải tỏa, chỉnh trang đô thị của thành phố cũng đã ảnh hưởng đến công tác quản lý, các hoạt động dân số tại địa phương.
Để đề án tiếp tục triển khai và có hiệu quả, thời gian tới Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đề xuất việc củng cố, kiện toàn Ban quản lý Đề án 52 từ Trung ương đến địa phương; tăng cường công tác giám sát, theo dõi để quản lý và điều hành đề án đạt hiệu quả cao. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục nhân dân vùng biển và ven biển nhằm nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi về dân số, kế hoạch hóa gia đình, đồng thời ban hành các chính sách đặc biệt về công tác dân số để thu hút, khuyến khích mạnh mẽ nhân dân làm ăn sinh sống dài ngày trên biển vừa phát triển kinh tế, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, đảo và ven biển của Tổ quốc.
ĐẠI BÌNH