Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến cường độ tia UV (tia cực tím, tia tử ngoại) cũng cao tương ứng, làm gia tăng nguy cơ gây hại sức khỏe. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần chủ động các biện pháp bảo đảm sức khỏe khi đi lại, làm việc dưới môi trường có tiếp xúc với ánh nắng.
Thời tiết nắng nóng, cường độ tia UV cao khiến người dân có nguy cơ mắc các bệnh về da. Ảnh: XUÂN SƠN |
Theo ông Đinh Phùng Bảo, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, chỉ số UV (UVI – Ultra Violet Index) được tính toán từ cường độ bức xạ cực tím. Đà Nẵng hiện không có máy đo cường độ bức xạ cực tím nên việc này được tính toán từ nhiều nguồn, trong đó có mô hình tính toán của tổ chức Khí tượng thế giới (WMO); tham khảo các trang dự báo thời tiết của các khu vực, các nước trong khu vực Đông Nam Á, châu Á và tính toán từ tương quan giữa tổng lượng ô-zôn…
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, chỉ số tia UV ở Hà Nội, Đà Nẵng tiếp tục ở mức gây hại rất cao. Trong khi đó, theo dự báo của trang thời tiết Weather Online (Anh), chỉ số tia UV tại Đà Nẵng từ ngày 10 đến 14-7 luôn dao động ở mức 10-11. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng khuyến cáo, khi chỉ số tia UV mức 8-10 nếu ở ngoài nắng khoảng 25 phút có thể bị bỏng da. Khi chỉ số tia UV từ mức 11 trở lên, nguy cơ da bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời khoảng 10 phút mà không được bảo vệ. Tia UV ở mức 12 rất nguy hiểm cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ em.
Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng thời gian qua liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến khám, điều trị các bệnh lý da bị tổn thương do tiếp xúc ánh nắng. Tại khoa Da, bệnh nhân T.N.A. (nữ, 45 tuổi) đang được các bác sĩ điều trị viêm da cấp tính. Trước đó, chị A. đưa người quen ra biển Đà Nẵng đi dạo, tắm suốt buổi sáng. Sau khi về nhà, các vùng da hở như tay, cổ, vai bị bỏng rát, nổi mề đay và ngứa. Các bác sĩ nhận định, đây là các dấu hiệu cho thấy da bị tổn thương do tiếp xúc với ánh nắng có cường độ UV cao.
Trong khi đó, tại khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, mỗi ngày có hàng chục bệnh nhân đến điều trị các triệu chứng ở mức độ nhẹ hơn do tia UV gây nên.
Theo bác sĩ Lương Quang Thẩm, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, tiếp xúc dưới ánh nắng có cường độ tia UV cao sẽ dẫn đến 2 hậu quả đó là mắc các bệnh lý về da và ảnh hưởng thẩm mỹ. Các bệnh lý về da thường gặp trong trường hợp này là ung thư da, viêm da cấp tính, dị ứng, phát ban, bỏng nước… Ở mức độ nhẹ hơn, da khi tiếp xúc tia UV sẽ bị nám da, sạm, da bị lão hóa, chảy xệ… Theo bác sĩ Thẩm, ảnh hưởng của việc tiếp xúc với tia UV là tích lũy, sẽ cộng dồn suốt đời người. Dù bất kể tuổi tác hay loại da nào, nếu tiếp xúc với tia UV thì có nguy cơ phát triển ung thư da.
“Để hạn chế tác hại do tia UV gây ra, người dân cần hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp dưới mặt trời trong thời gian từ 10 đến 15 giờ hằng ngày. Nếu buộc ra ngoài, cần bảo vệ da bằng cách thoa kem chống nắng, đeo kính râm, đội mũ rộng vành, mặc quần áo dài tay che kín toàn thân”, bác sĩ Thẩm cho biết.
Hiện nay, nhiều người lớn thường tắm nắng cho trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh để giúp tổng hợp vitamin D. Trước diễn biến thời tiết tiếp tục nắng nóng và cường độ tia UV ở mức cao, bác sĩ Trần Thị Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng khuyến cáo, nên chọn thời gian phù hợp, cụ thể là buổi sáng sớm để tắm nắng cho trẻ. “Tuy nhiên, nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng và tia UV có cường độ cao thì phụ huynh nên dừng việc tắm nắng lại và bổ sung vitamin D bằng cách khác. Nếu trẻ tắm nắng mà bắt gặp tia UV, không những da mà mắt cũng có nguy cơ bị tổn thương rất cao”, bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.
PHAN CHUNG