Sơn Trà

Phòng, chống cháy nổ tàu, thuyền mùa nắng nóng

.

Trong thời điểm nắng nóng kéo dài như hiện nay, nguy cơ cháy nổ tàu, thuyền hoàn toàn có thể xảy ra. Tại nơi có số lượng lớn tàu, thuyền neo đậu như âu thuyền Thọ Quang (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), các đơn vị càng phải tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ.

Các chủ tàu, thuyền cần nâng cao ý thức cảnh giác và chủ động phòng, chống cháy nổ.  Trong ảnh: Một tàu neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang chuẩn bị ra khơi. Ảnh: M.QUẾ
Các chủ tàu, thuyền cần nâng cao ý thức cảnh giác và chủ động phòng, chống cháy nổ. Trong ảnh: Một tàu neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang chuẩn bị ra khơi. Ảnh: M.QUẾ

Cuối tháng 5 vừa qua, tàu cá mang số hiệu QNg 97060 do ông Phạm Quốc Thạnh  (trú tại tỉnh Quảng Ngãi) làm chủ, khi đang được sửa chữa tại xưởng đóng tàu thuộc Công ty CP đóng tàu Bảo Duy, khu trú bão âu thuyền Thọ Quang thì bất ngờ bốc cháy. Ngay khi nhận được thông tin, lực lượng phòng, cháy chữa cháy (PCCC) đã điều 6 xe chữa cháy nhanh chóng đến hiện trường.

Tuy nhiên, do tàu cá nằm sâu trong xưởng nên lực lưỡng chữa cháy khó tiếp cận nên phải mất 2 giờ đồng hồ, lực lượng chức năng mới dập tắt được đám cháy. Thiệt hại ước tính giá trị thành tiền khoảng 300 - 400 triệu đồng.

Đó chỉ là một trong nhiều vụ hỏa hoạn đáng tiếc xảy ra liên quan đến phương tiện tàu thuyền, bởi hầu hết các tàu đều đánh bắt lớn thường trang bị thêm bình gas, bếp gas, đèn, dầu lửa… Tất cả các vật dụng trên đều có trở thành tác nhân chính gây cháy nếu công tác bảo đảm an toàn cháy nổ không được thực hiện tốt. Ông Trần Văn Thạch (chủ tàu QNg 92125, trú tại tỉnh Quảng Ngãi) cho biết: “Cách đây vài năm, có một vụ ngư dân người Quảng Ngãi ra khơi từ âu thuyền Thọ Quang để đánh bắt, nhưng để bình gas ở dưới hầm tàu.

Khi tàu có va đập, bình gas bị đứt dây, lăn vào trong khoang máy dẫn đến nổ tung cả tàu gây thiệt hại cả người và tài sản. Chính vì vậy, tôi rút kinh nghiệm để bình gas là để trên cao, nơi mình kiểm soát được. Hiện tại tàu của tôi đã trang bị bình chữa cháy và các thiết bị bảo đảm an toàn như bơm công suất lớn để nếu có vấn đề gì sẽ xử lý”.

Theo ông Phạm Trung Thành, Phó ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, do âu thuyền là khu neo đậu trú tránh bão cho tàu, thuyền đánh cá vào trú khi có mưa bão. Các tàu, thuyền đánh cá khi vào trú bão được neo, cột vào các phao neo sắp xếp sát nhau, vào thời điểm nhiều nhất có khoảng gần 720 tàu vào trú bão. Do vậy, khi xảy ra cháy tại một tàu bất kỳ đang neo đậu thì nguy cơ cháy lan ra toàn bộ tàu và cháy lan sang các tàu lân cận là rất cao. Chính vì vậy, Ban quản lý đã thành lập đội PCCC được tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC và trang bị dụng cụ phương tiện chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.

Đơn vị cũng đã tổ chức nhắc nhở, có hệ thống loa phát thanh để tuyên truyền cho ngư dân. “Việc bảo đảm an toàn thì nhắc nhở, tuyên truyền để thay đổi nhận thức là rất quan trọng, nhưng đặc thù âu thuyền chỉ là nơi neo đậu khi 70-75% tàu, thuyền là từ các tỉnh khác. Các tàu thuyền ra vào không cố định, hôm nay tàu này vào neo nhưng mai lại là tàu khác, việc nhắc nhở rất khó. Hiện nay, dù các tàu, thuyền muốn ra khơi thì yêu cầu bắt buộc phải có đầy đủ phương tiện PCCC nhưng không phải ngư dân nào cũng biết phương án xử lý tình huống cháy nổ”, ông Phạm Trung Thành thông tin.

Hiện thành phố đã có kế hoạch mở rộng âu thuyền Thọ Quang cũng như bố trí khu vực neo đậu riêng cho tàu kinh doanh xăng dầu nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy nổ. Tuy vậy, việc nâng cao ý thức cảnh giác và chủ động với phương án PCCC để hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy nổ tàu, thuyền luôn là điều nên được ưu tiên hàng đầu để bảo đảm tính mạng và tài sản.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích