Chiều 6-7, tại phiên thảo luận theo tổ của kỳ họp thứ 15, HĐND thành phố khóa IX, các đại biểu tham gia bàn thảo các vấn đề về phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Về các giải pháp phát triển kinh tế, đại biểu Nguyễn Đức Trị đề nghị thành phố cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tăng cường quảng bá, thu hút đầu tư; chuẩn bị tốt nguồn nhân lực cho công tác đầu tư; đồng thời phát động phong trào khởi nghiệp; cần có cơ chế, chính sách rõ ràng, công khai, minh bạch để các doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố.
Đại biểu Võ Văn Thương, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy chủ trì thảo luận tại Tổ đại biểu HĐND đơn vị quận Hải Châu và quận Thanh Khê. Ảnh: LAM PHƯƠNG |
Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Cẩm Lệ Trần Anh Đức đề nghị từ nay đến cuối năm, thành phố cần đẩy mạnh việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản để bảo đảm tốc độ tăng trưởng; cần tập trung vào những công trình trọng điểm, tạo sức lan tỏa sâu rộng.
Liên quan đến công tác giải tỏa đền bù chậm, theo ông Đức, kỳ họp nào cũng nêu vấn đề này nhưng vẫn không được giải quyết dứt điểm. Ông Đức đề nghị HĐND thành phố nên có một hội nghị chuyên đề với UBND để tìm ra nguyên nhân và giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư cho nhân dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng đề nghị thành phố cần có các giải pháp phát triển ở lĩnh vực tiêu dùng, không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng; chú trọng đầu tư vào các dự án lớn, trọng điểm, đồng thời đầu tư các dự án nhỏ nhưng có tác động lớn đến đời sống của người dân.
Đối với việc thu tiền nợ đất tái định cư theo Nghị định số 79/2019/NĐ-CP, ông Minh đề xuất cho người dân vay nguồn vốn ủy thác của UBND thành phố qua Ngân hàng Chính sách xã hội để giải quyết khó khăn cho người dân, đồng thời tạo nguồn thu cho thành phố.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Văn Trường, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang cho rằng, thành phố cần tập trung mũi nhọn phát triển du lịch và các dịch vụ phụ trợ đi kèm. Trước tác động lớn của Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, cần đánh giá khả năng phát triển các nguồn khách từ bên ngoài, vì hiện nay các đường bay quốc tế vẫn còn đóng cửa.
Liên quan đến tình hình triển khai thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế thành phố năm 2020 sau Covid-19, đại biểu Trần Thắng Lợi, Chánh Văn phòng Thành ủy, kiến nghị cần nghiên cứu, điều chỉnh cơ cấu ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố, nhất là trong thời điểm Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp.
Ông Lợi cho rằng cần có sự nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp sản xuất, tập trung vào những mặt hàng không chịu ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh như: chế biến thực phẩm, dược, y tế, công nghệ thông tin, công nghệ cao để phát triển thành phố trong 6 tháng cuối năm và thời gian đến.
Ông Lợi cũng nêu những vấn đề cử tri thành phố quan tâm hiện nay về xử lý rác, ô nhiễm môi trường, nhất là an ninh nguồn nước. Vừa qua, thành phố đã đầu tư, khởi công xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên nhưng tiến độ còn chậm; đại biểu đề nghị thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ; đồng thời có phương án nâng cấp nhà máy nước còn lại.
Bên cạnh đó, thành phố cần có giải pháp bảo vệ an ninh nguồn nước, nhất là nguồn nước đầu nguồn sông Cu Đê, có phương án giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác vàng trái phép ở khu vực Khe Đương (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang).
Thảo luận về giải pháp đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư trên địa bàn thành phố, đặc biệt là đầu tư FDI, thu hút các dòng vốn chuyển dịch vào Việt Nam, bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư thành phố cho rằng, hiện nay, các doanh nghiệp đầu tư vào Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn do vướng thủ tục, do vậy cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển.
Bà Liên cũng kiến nghị cần sớm xây dựng và ban hành đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, nhất là nguồn nhân lực về lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao, hướng đến xây dựng và phát triển thành phố theo tinh thần Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về lĩnh vực văn hóa - xã hội, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Huỳnh Văn Hùng nhận định, Đà Nẵng là địa phương hiếm hoi của cả nước chưa có trung tâm văn hóa cấp thành phố. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở cấp phường còn khó khăn.
Cùng ý kiến về vấn đề này, đại biểu Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Quận ủy Hải Châu đề nghị cần đầu tư cho văn hóa. Trong nhiệm kỳ qua, mức đầu tư cho văn hóa có tăng nhưng chưa nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh việc đầu tư xây dựng, cần có phương án tổ chức sử dụng hiệu quả. Hiện nay, hàng loạt thiết chế văn hóa được đầu tư kinh phí lớn nhưng hiệu quả sử dụng không cao. Nhiều thiết chế đầu tư hàng tỷ đồng nhưng xuống cấp nhanh do không có con người, kinh phí bảo trì. Ông Triết đề nghị cần nghiên cứu tăng cường hiệu quả sử dụng của thiết chế văn hóa ở cơ sở.
Về vấn đề sách giáo khoa lớp 1, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Minh Trung cho biết, cử tri thành phố rất quan tâm. Thực tế cử tri kiến nghị cho thấy, việc các trường tự lựa chọn bộ sách giáo khoa lớp 1 vừa gây lãng phí, vừa khó khăn cho công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra. Ông Trung đề nghị các đại biểu tiếp tục thảo luận, cho ý kiến theo hướng lựa chọn 1 bộ sách giáo khoa chung cho các trường tiểu học trên địa bàn thành phố.
NHÓM PHÓNG VIÊN THỜI SỰ