Tập trung xây dựng "Thành phố môi trường", hướng đến đô thị sinh thái

.

ĐNO - Ngày 3-10, tại hội thảo khoa học định hướng các chương trình, dự án, giải pháp xây dựng Đà Nẵng - "Thành phố môi trường giai đoạn 2021-2030" do Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng tổ chức, các nhà khoa học đề xuất Đà Nẵng cần tập trung thực hiện các mục tiêu xây dựng "Thành phố môi trường đến năm 2025", làm nền tảng xây dựng đô thị sinh thái.

Cán bộ, giảng viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng (bìa phải) góp ý về các tiêu chí của Đề án
Cán bộ, giảng viên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng (bìa phải) góp ý về các tiêu chí của đề án "Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường" tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Tại hội thảo, Trung tâm Công nghệ môi trường Thành phố Hồ Chí Minh (đơn vị tư vấn xây dựng đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030) trình bày 36 tiêu chí thuộc 4 nhóm về môi trường nước (11 tiêu chí), môi trường không khí và không gian xanh (7 tiêu chí), môi trường đất và chất thải rắn (9 tiêu chí), quản lý tổng hợp (9 tiêu chí) cùng 53 chương trình, dự án và giải pháp đề xuất thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030.

Những tiêu chí và giải pháp nói trên được đúc rút qua quá trình làm việc giữa đơn vị và Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các chuyên gia, nhà khoa học tại thành phố Đà Nẵng từ tháng 8-2020 đến nay.

PGS.TS. Trần Văn Quang, giảng viên Khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng cho rằng, thành phố đang thực hiện nhiều công trình, dự án về môi trường, trong đó có các công trình quan trọng về xử lý nước thải, chất thải rắn sinh hoạt... Trong khi đó, Đà Nẵng đang được định hướng trở thành đô thị sinh thái, thành phố thông minh, đây là mục tiêu cao hơn và là giai đoạn sau của thành phố môi trường. Do đó, trước mắt, cần đưa ra các tiêu chí thực hiện từ nay đến năm 2025 để hoàn thiện thành phố môi trường và làm nền tảng hướng đến đô thị sinh thái (eco city).

TS. KTS. Lê Phong Nguyên, giảng viên Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa đề nghị cần cập nhật thêm những tiêu chí và giải pháp mới về quy hoạch và xây dựng mà những nước tiên tiến mới thực hiện để việc xây dựng thành phố môi trường, hướng đến đô thị sinh thái của Đà Nẵng mang tính chất tiên tiến, tầm vóc quốc tế. 

PGS.TS Lê Thị Kim Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa cho rằng, với cách tiếp cận xây dựng thành phố môi trường hướng đến thành phố sinh thái, các nhà khoa học, giảng viên của trường sẽ tiếp tục có nghiên cứu sâu, góp ý chi tiết từng tiêu chí do đơn vị tư vấn đưa ra và đề nghị bổ sung, điều chỉnh các tiêu chí để góp phần xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường trong thời gian đến.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng yêu cầu đơn vị tư vấn nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý của các nhà khoa học để điều chỉnh, bổ sung các tiêu chí xây dựng thành phố môi trường cho phù hợp. Đồng thời, tiếp cận các tiêu chí mới và đưa ra các thông số để kiểm soát các tiêu chí đó.

Đối với các dự án, chương trình cũng phải đưa ra nguồn lực, cơ chế, chính sách để thực hiện được... Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các giảng viên, nhà khoa học của nhà trường tiếp tục nghiên cứu, góp ý chi tiết cho Đề án "Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường". 

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.