MIỀN TRUNG LÀM GÌ ĐỂ ỨNG PHÓ THIÊN TAI?

Bài 3: Ứng phó những tình huống cực đoan mới

.

Trước tình hình thiên tai diễn biến theo chiều hướng ngày càng cực đoan ở khu vực miền Trung, các địa phương, đơn vị và nhà khoa học đề nghị cần sớm triển khai các giải pháp ứng phó, nhất là ứng phó các tình huống cực đoan mới bộc lộ trong các đợt thiên tai liên tiếp vừa qua.

Các đơn vị cần có giải pháp hợp lý hơn trong vận hành xả lũ các hồ thủy điện ở thượng lưu sông Vu Gia - Thu Bồn. Trong ảnh: Khu vực thôn La Bông, xã Hòa Tiến bị ngập sâu 9 lần chỉ trong vòng 2 tháng cuối năm 2020. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Các đơn vị cần có giải pháp hợp lý hơn trong vận hành xả lũ các hồ thủy điện ở thượng lưu sông Vu Gia - Thu Bồn. TRONG ẢNH: Khu vực thôn La Bông, xã Hòa Tiến bị ngập sâu 9 lần chỉ trong vòng 2 tháng cuối năm 2020. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Ứng phó những trận lũ “ngàn năm có một”

Trong các đợt mưa lũ xảy ra trong tháng 10, qua thống kê bước đầu, miền Trung đã xảy ra ít nhất 2 trận lũ “ngàn năm có một”, ứng với tần suất 0,1%. Đây là tình huống mới bộc lộ sau đợt mưa lũ lớn vừa qua. Tại hội nghị thúc đẩy phục hồi sản xuất nông nghiệp khu vực miền Trung sau thiên tai ngày 27-11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn thông tin: “Trong đợt mưa lũ xảy ra từ ngày 15-10 đến 21-10-2020, hồ Kẻ Gỗ đã gánh chịu đợt lũ ứng với tần suất thiết kế 0,1%, tức là lũ “ngàn năm có một”. Mưa quá dị thường, từ khi hồ Kẻ Gỗ được xây dựng vào năm 1976 đến nay, chưa từng xảy ra mưa lớn như vậy. Hơn 160 xã ở Hà Tĩnh bị ngập trong lũ, lụt, thiệt hại ước tính khoảng 5.500 tỷ đồng. Tỉnh Hà Tĩnh đề nghị các bộ, ngành quan tâm, nghiên cứu lại các vấn đề liên quan đến hồ Kẻ Gỗ. Hồ này cách thành phố Hà Tĩnh chỉ 15km, nếu tái diễn mưa lũ lớn “ngàn năm có một” như vừa qua thì thực sự không lường hết những khó khăn. Trước đây, hồ Kẻ Gỗ chỉ phục vụ mục đích nông nghiệp, hiện nay, cần điều chỉnh lại chức năng của hồ để làm sao tránh được “quả bom nước” treo trên đầu người dân thành phố nhằm ổn định tâm lý bà con”.

Còn tại huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, trong ngày 28-10-2020, đã xuất hiện đợt mưa lớn với cường độ mưa có lúc lên đến gần 100mm/giờ, gây lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng nhiều nơi trên địa bàn huyện, đặc biệt, lưu lượng lũ về hồ thủy điện Đăk Mi 4 lớn chưa từng thấy, lên đến 13.398m3/s, ứng với tần suất lũ 0,1% (tức là trận lũ lớn với tần suất 1.000 năm mới xảy ra 1 lần), cao hơn so với tần suất lũ thiết kế của hồ thủy điện Đăk Mi 4.

Trao đổi với Báo Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Đăk Mi Đinh Hữu Tấn (quản lý, vận hành hồ thủy điện Đăk Mi 4) cho biết: “Lưu lượng lũ về quá lớn, ứng với tần suất lũ “ngàn năm có một”. Trong gần 10 năm vận hành hồ, năm cao nhất thì lưu lượng lũ về hồ khoảng 5.000m3/s là quá lớn; nhưng trận lũ xảy ra vào ngày 28-10, lưu lượng lũ về hồ cao gấp gần 3 lần”. Còn Phó Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương Ngô Xuân Thế cho rằng, cần thiết phải tính toán trường hợp lũ cực đoan, ngang bằng hoặc lớn hơn lưu lượng lũ như đợt lũ xảy ra vào hai ngày 28 và 29-10-2020 để chủ động ứng phó.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đề nghị các bộ, ngành hỗ trợ tỉnh xây dựng kịch bản vỡ đập và bản đồ ngập lụt vùng hạ du các hồ chứa thuộc lưu vực sông Hương. TS. Lê Hùng, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng cho rằng: “Trước mắt cũng như lâu dài, cần đánh giá lại việc vận hành điều tiết các hồ chứa tại các lưu vực sông ở miền Trung trong các trận lũ diễn ra trong năm 2020 để làm cơ sở rà soát lại quy trình vận hành các hồ chứa và kiến nghị cách vận hành điều tiết hợp lý, đồng bộ giữa các lưu vực sông ở miền Trung. Đồng thời, xem xét lại việc điều tiết xả lũ của một số hồ chứa trong thời gian qua để tránh trường hợp mực nước ở hạ lưu đang ở trên mức báo động 3 mà vẫn xả lũ với lưu lượng lớn hơn lũ về hồ...”.

Chủ động di dân vùng sạt lở

Sạt lở đất nghiêm trọng liên tục xảy ra nhiều nơi và vị trí bị vùi lấp cách xa khu vực sạt lở cũng là một tình huống mới bộc lộ trong đợt mưa bão, lũ lớn vừa qua ở miền Trung. Nghiêm trọng nhất là tại công trình xây dựng thủy điện Rào Trăng 3 và trạm kiểm lâm số 67 (Thừa Thiên Huế); xã Trà Leng và Trà Vân thuộc huyện Nam Trà My và xã Phước Lộc thuộc huyện Phước Sơn (Quảng Nam)... Đặc biệt, vào ngày 18-10-2020, tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, dãy nhà của Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 đã bị vùi lấp bởi sạt lở đất ở một quả núi cách đó đến 1,6km, làm 22 người chết. Từ vụ sạt lở này, nhiều địa phương đề nghị Trung ương bố trí kinh phí để di dời dân ra khỏi các vị trí có nguy cơ ảnh hưởng bởi sạt lở đất từ cách đó hơn 1,6km.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Hà Sỹ Đồng cho biết: “Ngoài sạt lở đất ở khu vực Đoàn Kinh tế quốc phòng 337, trong đợt mưa lũ lớn vừa qua, nhiều thôn, bản trên địa bàn huyện Hướng Hóa và huyện Đakrông xảy ra sạt lở đất. Nhiều vị trí có nguy cơ sạt lở đất rất cao, đe dọa đến tính mạng của người dân. Một số thôn, bản nếu không di dời dân kịp thời và mưa lớn vẫn tiếp tục thì có nguy cơ bị xóa sổ, người dân rất hoang mang. Do đó, tỉnh Quảng Trị đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí để thực hiện di dân khẩn cấp, bố trí tái định cư cho nhiều hộ dân có nguy cơ cao bị vùi lấp do sạt lở đất”.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu xót xa: “Tỉnh Quảng Nam có 43 người chết, 18 người mất tích trong hai tháng 10 và 11-2020 do bão, lũ, sạt lở đất. Số người hiện mất tích chủ yếu do sạt lở đất. Tỉnh Quảng Nam đề nghị Trung ương hỗ trợ di dời dân khẩn cấp khỏi các vị trí bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất và khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Phong cho hay, trong đợt mưa lũ lớn vừa qua, tỉnh triển khai sơ tán dân ở 6 cụm dân cư để tránh bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất thì sau đó có đến 4 cụm dân cư trong số 6 cụm dân cư đã sơ tán dân, xảy ra sạt lở, nên đã tránh được thiệt hại. Hiện Quảng Bình có 107 điểm có nguy cơ sạt lở đất, trong đó có 6 điểm cần di dời khẩn cấp. Tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ di dân khẩn cấp ở các vùng có nguy cơ sạt lở đất để ổn định đời sống người dân.

An toàn trước thiên tai

Để an toàn tính mạng người dân trong các tình huống thiên tai như bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất..., nhiều địa phương đã thực hiện giải pháp sơ tán người từ nơi không an toàn đến nơi trú ẩn an toàn. Đồng thời, kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí di dời dân đến những nơi an toàn để xây dựng nhà ở, dân sinh sống; đặc biệt là hỗ trợ xây dựng nhà ở cao ráo, kiên cố, an toàn cho người dân tránh lũ, trú bão.

Ngay cả ở thành phố Đà Nẵng, trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung, dù có cơ sở hạ tầng hiện đại, có nhiều nhà ở kiên cố và cơn bão số 9, cơn bão số 13 không đổ bộ trực tiếp, nhưng thành phố cũng đã tiến hành sơ tán tổng cộng hơn 180.000 lượt người đến nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, nếu như ở khu vực trung tâm thành phố có nhiều nhà dân, khách sạn, trụ sở cơ quan, trường học... kiên cố, thuận lợi để sơ tán dân đến, thì nhiều địa phương có điều kiện kinh tế còn khó khăn, có quá ít điểm sơ tán tập trung, nhất là ở các khu vực miền núi như: xã Hòa Phú, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang)... Chẳng hạn, cả thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) chỉ có 14 nhà dân và 1 trụ sở cơ quan, 1 trường học được xem là có thể an toàn nên có rất đông người đến trú bão. Thậm chí, ngay ở điểm Trường Mầm non Hòa Phú tại thôn Phú Túc, với số lượng người sơ tán tập trung đến 240 người, một số người dân phải trải chiếu ngồi ở hành lang trước khi bão số 13 gây gió mạnh.

Trước tình hình này, trong các đợt mưa bão diễn ra trong tháng 10 và 11-2020, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo các địa phương cập nhật lại phương án phòng, chống thiên tai, trong đó khẩn trương rà soát số lượng người, hộ gia đình cần sơ tán theo các kịch bản thiên tai và cập nhật vị trí trú ẩn an toàn, kiểm tra các vị trí trú ẩn thật an toàn, kiên cố mới sơ tán dân đến cũng như bảo đảm các điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho người dân. Cạnh đó, khẩn trương rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, núi, sạt lở bờ biển trên địa bàn thành phố để thực hiện sơ tán dân đến các khu tái định cư khang trang của thành phố. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng thêm các nhà sinh hoạt cộng đồng có chức năng tránh lũ và trú bão tại các khu vực dân cư; tái thiết đô thị các khu nhà cấp bốn liền kề, khu vực dân cư không bảo đảm điều kiện sinh sống an toàn; xây dựng các cầu cạn bắc qua các khu vực ngập lũ sâu; nghiên cứu quy hoạch, khớp nối và đầu tư hoàn thiện hạ tầng để người dân chung sống an toàn với thiên tai... Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết: “Thành phố đã lên phương án di dân, xây dựng nhà tránh bão, lũ... để bảo đảm an toàn cho nhân dân trong các mùa mưa bão những năm tiếp theo”.  Trong đợt bão, lũ vừa qua, tỉnh Quảng Ngãi có 433 căn nhà bị sập hoàn toàn, 149.563 căn nhà bị hư hỏng, tốc mái. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên cho biết, các nhà phòng tránh bão, lũ trên địa bàn tỉnh đã phát huy được hiệu quả, nhưng số lượng còn hạn chế mà kinh phí đầu tư lớn. Do đó, tỉnh đề nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ để xây dựng nhà phòng tránh bão, lũ cho người dân nhằm bảo đảm an toàn trong các mùa bão, lũ.

An toàn nhân mạng trước thiên tai; nhà ở an toàn với bão, lũ; nhà trú bão, nhà tránh lũ lụt; nhà ở, khu tái định cư an toàn với sạt lở đất... là những vấn đề đặc biệt bức thiết sau các đợt thiên tai liên tiếp vừa qua ở miền Trung, bởi đã có 1.531 nhà bị sập và vùi lấp, 239.341 nhà bị hư hại và tốc mái, 473.449 lượt nhà bị ngập lũ, lụt trong đợt bão lũ vừa qua. Trong khi đó, theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, hiện ở miền Trung còn 223.008 nhà ở không an toàn với bão và 152.820 nhà không an toàn với lũ...

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, miền Trung là khu vực chịu tổn thương rất lớn do thiên tai hằng năm nên việc khắc phục hậu quả thiên tai và giải pháp lâu dài là vấn đề rất lớn. Khu vực miền Trung có địa hình hẹp và dốc nên chịu tác động lớn khi xảy ra lũ.

Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu phương án vận hành các hồ chứa ở thượng nguồn cắt lũ cho hạ du; sắp đến, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục nghiên cứu phương án cắt lũ cho hạ du đối với các hồ chứa lớn còn lại. Còn đối với vấn đề thoát lũ ở hạ du, hiện đã xác định được các “rốn” lũ, bộ sẽ cùng với các địa phương nghiên cứu và sau đó sẽ đề xuất cụ thể phương án đầu tư của Nhà nước, nhất là ở vùng trũng lớn như: hạ du hồ Kẻ Gỗ; khu vực huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình; huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị... Bản đồ ngập lụt hạ du đã được thực hiện ở những lưu vực sông lớn từ năm 2016, nhưng địa hình cũng như điều kiện kinh tế-xã hội ở những hạ du này đã thay đổi rất lớn, phải điều chỉnh lại và thay đổi các kịch bản, nhất là vừa qua, các trận lũ đã vượt trần và vượt khung kịch bản. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay, bộ sẽ nghiên cứu và đề xuất phương án đầu tư khắc phục sạt lở, trọng tâm là khu vực có khu dân cư, khu du lịch. Đối với bản đồ sạt lở đất, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu để cung cấp cho các địa phương bản đồ chi tiết, cụ thể hơn để chỉ đạo, điều hành và làm quy hoạch, kế hoạch di dời dân, bố trí tái định cư... Nhà tránh, trú bão, lũ là một vấn đề rất lớn, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất vấn đề này với tinh thần là “xây lại tốt hơn”.

HOÀNG HIỆP – THẢO NHI

;
;
.
.
.
.
.