Đi bầu cử trong mùa dịch

.

Cùng với cả nước, cử tri thành phố Đà Nẵng chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Khác với trước đó, cuộc bầu cử lần này diễn ra trong tình hình diễn biến Covid-19 bùng phát trở lại, phức tạp. Song cả hệ thống chính trị và người dân đều đang rất nỗ lực chung tay cho cuộc bầu cử này thành công tốt đẹp.

Cả hệ thống chính trị thành phố, nhất là những người được trực tiếp phân công làm công tác bầu cử từ thành phố đến cơ sở đã phải lao tâm khổ tứ suốt mấy tháng qua để tìm các giải pháp hữu hiệu nhất thực hiện tốt hai mục tiêu: Khống chế được dịch bệnh và tổ chức thành công cuộc bầu cử lần này, bảo đảm tuyệt đối an toàn, quyết không để xảy ra tình trạng dịch bệnh lây lan cho cán bộ tổ chức bầu cử và cử tri trong quá trình bầu cử.

Chẳng hạn Ủy ban bầu cử thành phố đã tiến hành diễn tập 4 tình huống giả định: tổ chức bầu cử tại khu vực không có dịch; tổ chức bầu cử cho hộ dân đang thực hiện cách ly tại nhà; tổ chức bầu cử trong khu cách ly tập trung/khu vực phong tỏa hoặc giãn cách xã hội và tổ chức bầu cử cho người đang thực hiện cách ly tại khu cách ly tập trung hoặc trong cơ sở điều trị. Đặc biệt đây là cuộc bầu cử mà các ứng cử viên phải tiếp xúc cử tri theo hình thức trực tuyến, điều chưa từng có trong tất cả cuộc bầu cử ở các khóa trước.

Thực ra đây là hình thức phân tán số lượng cử tri tham dự các cuộc tiếp xúc cho phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch bệnh, thay vì tập trung một địa điểm với hàng trăm cử tri thì chia thành nhiều địa điểm để mỗi địa điểm chỉ có vài chục cử tri tham dự.

Khi trình bày tâm huyết, hoài bão của mình khi trở thành người đại biểu nhân dân, yếu tố tâm lý của các ứng cử viên rất quan trọng, phải làm sao để họ có thể “cháy hết mình” trong cuộc tiếp xúc, dù là theo hình thức trực tuyến. Và thế là ngay ở mỗi đầu cầu chính, các ứng cử viên vẫn có thể được truyền cảm hứng trước cử tri. Đương nhiên cách làm sáng tạo này chỉ có thể thành công nhờ công nghệ số.

Một giải pháp cũng đáng được trân trọng là hiện nay mỗi hộ dân đều nhận được cùng với thẻ cử tri là bản in danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội và ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp có ghi rõ số lượng tối đa được bầu. Cách làm này thiết thực hơn trước, giúp cử tri có thể chọn được đúng và đủ người mình muốn bầu.

Trước đây cử tri phải đến địa điểm bỏ phiếu để tìm đọc danh sách ứng cử viên, nghiên cứu rồi mới cân nhắc lựa chọn bầu cho ai nhưng với tình hình hiện nay thì việc này khó hơn vì đang phải hạn chế tập trung đông người. Chính cách làm này góp phần giải quyết bất cập khó tránh khỏi của các cuộc tiếp xúc cử tri trực tuyến là người đi dự phần lớn là đại cử tri, lại thêm số lượng rất hạn chế.

Vấn đề ở đây là làm sao đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để các cử tri biết mà nghiên cứu các bản danh sách này, không chỉ cử tri trong tình huống được thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân tại khu vực không có dịch mà cả cử tri trong ba tình huống còn lại. Không nắm rõ tiểu sử và chương trình hành động của từng ứng cử viên, sẽ khó bầu chọn được những người xứng đáng.  

Đi bầu trong mùa đại dịch cũng là chuyện xưa nay chưa từng có, nhưng với cách làm sáng tạo đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là với thái độ tích cực của đông đảo cử tri toàn thành phố, chúng ta hy vọng cuộc bầu cử lần này sẽ thành công, sẽ lựa chọn được những ứng cử viên có tâm, có tầm đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân trên diễn đàn Quốc hội và HĐND các cấp. Và trong bối cảnh Đà Nẵng chính thức thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị vào đầu tháng 7-2021, việc bầu cử đại biểu HĐND thành phố càng đòi hỏi những đại biểu xứng đáng như vậy nhằm có thể thực hiện vai trò đại biểu “ba trong một” khi không có đại biểu HĐND ở quận và phường.

BÙI VĂN TIẾNG

;
;
.
.
.
.
.