Chuyện về những "con số biết nói" trên báo chí

.

Dùng số liệu để làm vững chắc thêm những luận điểm nêu trong bài - đó là điều chẳng còn mới lạ với những cây bút chuyên mảng bình luận và phân tích. Nhưng giờ đây, với nền tảng dữ liệu đang ngày càng được mở rộng, nhà báo hiện đại có cơ hội nâng cao chất lượng tác phẩm của mình bằng những “câu chuyện từ con số” thật sự cuốn hút.

Thông tin đồ họa trên Báo Đà Nẵng Online về kết quả thực hiện chỉ tiêu về kinh tế - xã hội  của thành phố nhiệm kỳ 2015-2020. Đồ họa: MAI ANH
Thông tin đồ họa trên Báo Đà Nẵng Online về kết quả thực hiện chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của thành phố nhiệm kỳ 2015-2020. Đồ họa: MAI ANH

Năm 2015, hai nhà báo của tạp chí Wall Street Journal (Mỹ) là Tynan DeBold và Dov Friedman xuất bản tác phẩm có tên gọi “Cuộc chiến chống bệnh truyền nhiễm trong thế kỷ 20: vai trò của vắc-xin”. Điểm đặc biệt của bài báo này là được tạo nên từ 7 đồ họa thông tin thống kê số ca bệnh truyền nhiễm tại các bang của Mỹ trong lần lượt các năm của thế kỷ 20 (dựa trên nguồn dữ liệu mở của Project Tycho - một dự án cung cấp dữ liệu về sức khỏe cộng đồng của Mỹ). Trục tung xếp tên các bang, trục hoành xếp các năm, những ô vuông nhiều màu bên trong minh họa cho số ca nhiễm trên 100.000 người, cột màu đen ở giữa chỉ năm vắc-xin được phát minh. Độc giả không chỉ được tương tác với đồ họa trên bằng cách nhấp chuột vào từng ô vuông để tìm hiểu số ca nhiễm những bệnh nguy hiểm như sởi, uốn ván, ho gà… tại từng bang của Mỹ, mà còn có cơ hội cảm nhận bức tranh tương phản toàn cảnh giữa hai giai đoạn trước và sau khi có vắc-xin ngừa bệnh.

“Vũ khí” của người làm báo

“Con đê” màu đen mang tên vắc-xin đứng sừng sững ở đó chặn cơn sóng virus (được minh họa bằng những chấm vuông đỏ vàng) và mang đến bình yên cho cuộc sống trong những năm tiếp theo. Đây là một ví dụ tiêu biểu của số liệu hoàn hảo trong báo chí, khi các thông tin đồ họa không chỉ đạt độ chính xác (được xử lý tốt), mà còn mang lại cảm xúc cho người xem (được trực quan hóa tốt). Cảm xúc tích cực chính là điều mà hai nhà báo Tynan DeBold và Dov Friedman đã mang đến cho công chúng, xét trong bối cảnh phong trào chống tiêm vắc-xin đã quay lại với thế giới vào giai đoạn đó. Tác phẩm là một sản phẩm truyền thông chất lượng cả về nội dung lẫn hình thức, giúp người xem hiểu rõ hơn về vai trò quan trọng của vắc-xin.

Các con số biết thuyết phục, các con số giàu cảm xúc chính là vũ khí mà người làm báo, làm truyền thông chính trực cần hơn bao giờ hết để ngăn chặn những câu chuyện, những huyền thoại trên mạng xã hội đang cực đoan hóa, phi nhân đạo hóa con người. Khi nhân loại - nói như lời nhà sử học nổi tiếng người Israel Yuval Noah Harari - đang mải mê với những câu chuyện giả tưởng, còn khoa học thuần túy chỉ là chủ đề nói chuyện cao sang của những nhóm tinh hoa nhỏ bé, thì những câu chuyện dữ liệu giản dị, dễ nhìn, dễ hiểu như trên càng cần được lan rộng.

Mỏ vàng mang tên “Big Data”

Sự phát triển của công nghệ số trong thế kỷ 21 đã kéo theo cuộc cách mạng số hóa và dữ liệu hóa rộng khắp toàn cầu. Bất cứ hoạt động nào của con người: từ truy cập website, chụp ảnh selfie đến chấm công vân tay đều được chuyển đổi số và tạo nên nguồn dữ liệu lớn (Big Data). Theo các nhà khoa học, thuật ngữ “dữ liệu lớn” mô tả một tập hợp dữ liệu có khả năng tăng trưởng theo cấp số nhân đủ lớn để khiến chúng trở nên không thể định dạng và phân tích bằng các phương pháp thông thường được. Nguồn dữ liệu lớn đó chứa đựng những thông tin vô giá. Là ngành công nghiệp chịu nhiều tác động của công nghệ, đương nhiên báo chí truyền thông không thể bỏ qua mỏ vàng này.

Nếu trong giai đoạn đầu, báo chí chỉ khai thác dữ liệu nhằm xác định công chúng mục tiêu và tối ưu hoạt động quảng cáo, thì giờ đây họ phát hiện ra dữ liệu có thể tạo nên các câu chuyện thông tin hấp dẫn tác nghiệp báo chí trong kỷ nguyên truyền thông số đòi hỏi nhà báo nhiều kỹ năng mới, trong đó không thể thiếu kỹ năng xử lý và trực quan hóa số liệu. Báo chí dữ liệu đang trở thành xu thế đầy hứa hẹn của báo chí hiện đại. Nhà nghiên cứu người Anh M. Knight đã định nghĩa báo chí dữ liệu là hoạt động xây dựng các câu chuyện tin tức dựa trên nguồn thông tin định lượng và bao gồm các yếu tố của phân tích, trực quan dữ liệu kỹ thuật số. Quy trình sáng tạo sản phẩm báo chí dữ liệu sẽ nhiều công đoạn hơn so với việc thực hiện các sản phẩm báo chí khác. Quy trình này bao gồm: thu thập, chắt lọc và phân tích dữ liệu, trực quan hóa và xây dựng câu chuyện tin tức. Độ phức tạp của quá trình tạo dựng sản phẩm báo chí dữ liệu sẽ đòi hỏi nhà báo nhiều hơn cả về chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp.

Con dao hai lưỡi

Nhà báo có thể xây dựng tác phẩm báo chí từ số liệu một cách độc lập, hoặc với sự trợ giúp của các chuyên gia phân tích dữ liệu, tùy thuộc vào quy mô hoạt động của tòa soạn. Nhưng có một yêu cầu bắt buộc: Mọi công đoạn từ thu thập dữ liệu đến xây dựng câu chuyện phải được thực hiện cẩn thận, nghiêm túc nhất có thể, bởi con số cũng có thể trở thành kẻ lừa đảo nếu người sử dụng không thật sự hiểu nó. Nhà báo David Rose của tờ báo lá cải Mail (Vương quốc Anh) từng trở thành chủ đề đàm tiếu của công chúng khi sử dụng biểu đồ để khẳng định “quá trình nóng lên toàn cầu đã dừng lại”. Anh chàng David Rose không hiểu 2 điều: thứ nhất, biểu đồ chỉ hiện nhiệt độ không khí, mà nhiệt độ không khí chỉ là một yếu tố nhỏ của thay đổi thời tiết (bên cạnh nhiều yếu tố khác); thứ hai, chẳng ai căn cứ vào khoảng thời gian ngắn như vậy (từ năm 1960-2020) để đánh giá quá trình nóng lên toàn cầu.

Kênh truyền hình Fox News của Mỹ cũng khiến nhiều nhà phê bình phẫn nộ khi chiếu một biểu đồ trong chương trình tin tức “Ai đang hủy hoại nền kinh tế”. Nếu “thống kê” của các phóng viên Fox News là đúng, chẳng lẽ nước Mỹ đang phải nuôi vô ích quá nhiều người, khi số người ăn không ngồi rồi nhiều hơn số người đi làm? Nhưng khi lật lại nguồn số liệu mà đài Fox News dùng, người ta phát hiện các con số đã bị diễn giải hoàn toàn sai lệch. Con số 108,6 triệu người mà Census Bureau thống kê là số người sinh sống trong gia đình đã từng có thành viên nhận trợ cấp chính phủ. Nghĩa là nhiều người trong số 108,6 triệu đó có thể bây giờ đã đi làm và tự nuôi sống bản thân.

Hướng đến sự phát triển lành mạnh của báo chí dữ liệu

Những con số luôn đỏng đảnh là vậy. Việc chúng có thể khai sáng công chúng hay trở thành “lời nói dối chết tiệt” (như lời nhà văn Mark Twain) là tùy thuộc vào bàn tay người khai thác. Nhưng có một xu hướng không thể phủ nhận: Nguồn dữ liệu lớn đang và sẽ là yếu tố quyết định cuộc sống của con người trong tương lai. Google hằng ngày vẫn xử lý đến 4,5 tỷ lượt tìm kiếm và nắm dữ nhiều dữ liệu quan trọng khác. Các ông lớn công nghệ khác cũng dần dần xây dựng cho mình những kho dữ liệu đồ sộ. Nhưng sẽ thật không công bằng nếu Big Data chỉ là cuộc chơi của những người khổng lồ. Vì vậy, các cơ quan báo chí, truyền thông trên thế giới hiện nay cũng đang tham gia khai thác nguồn tài nguyên vô giá này. Điều này sẽ tạo ra nhiều lợi ích.

Thông tin đồ họa trên tờ Mail về hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Thông tin đồ họa trên tờ Mail về hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Thứ nhất, sử dụng nguồn dữ liệu lớn để phát triển báo chí, đặc biệt là báo chí dữ liệu sẽ tạo nên các sản phẩm báo chí chất lượng cao, nâng tầm cả tác giả lẫn độc giả.

Thứ hai, điều này sẽ kéo theo sự nở rộ của các trung tâm dịch vụ phân tích dữ liệu, khiến các thiết chế xã hội phải minh bạch hóa nguồn dữ liệu.

Hy vọng trong thời gian tới, báo chí Việt Nam sẽ khai thác được hết tiềm năng của hướng đi mới này, bắt kịp được xu hướng chuyển đổi số và tạo nên diện mạo báo chí Việt Nam thời cách mạng công nghiệp 4.0: hiện đại hơn, tiên tiến hơn.

TS. TRẦN DUY
(Giảng viên Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông,
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội)

;
;
.
.
.
.
.