Thành phố xác định đẩy mạnh phân cấp là bước đột phá trong cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền. Song, trong quá trình triển khai thực hiện tại Đà Nẵng, một số nội dung phân cấp còn gặp nhiều hạn chế, vướng mắc cần giải quyết để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền.
Việc phân cấp, phân quyền cần phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương, đơn vị. TRONG ẢNH: Một góc đô thị Đà Nẵng. Ảnh: NGUYỄN TRÌNH |
Chưa phát huy tính chủ động
Những năm qua, thành phố đã tạo thuận lợi cho các địa phương phát triển kinh tế - xã hội thông qua đẩy mạnh cơ chế phân cấp trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực vẫn còn biểu hiện của cơ chế xin - cho. Đơn cử trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng (GPMB), mặc dù việc phân cấp, phân quyền đã được quy định rõ ràng, cụ thể, nhưng còn những hạn chế khiến công tác GPMB ở những dự án trọng điểm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nhìn nhận, hiện vướng mắc lớn nhất làm chậm tiến độ các dự án là khâu giải tỏa đền bù. Nếu chiếu theo quy định, dự án nào chậm tiến độ GPMB là trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng GPMB các quận, huyện, nhưng trên thực tế các địa phương lại không có quyền tự quyết trong công tác này. Ví dụ, người dân xin hỗ trợ thêm 5 triệu đồng để bàn giao mặt bằng, cấp phường hay quận cũng phải đề xuất lên thành phố vì đã vượt khung theo quy định.
Theo ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, có những việc cả bí thư đảng ủy và chủ tịch UBND phường đưa ra tập thể bàn thảo, quyết định rồi vẫn phải xin ý kiến cấp trên mới có thể quyết định. Điều này làm cho tiến độ tháo gỡ, giải quyết vấn đề bị chậm lại.
“Phân cấp ít, sự sáng tạo bị hạn chế nhiều. Ngược lại, có sự phân cấp mạnh, may ra mới có sáng tạo, sáng kiến riêng”, ông Huy nói.
Phân tích vấn đề này, ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, một số nội dung phân cấp chưa tính đến yếu tố yêu cầu nhiệm vụ, điều kiện địa phương, tính thống nhất trong quản lý chính quyền đô thị so với chính quyền nông thôn; đặc biệt là các tỉnh, thành phố có diện tích tương đối nhỏ như Đà Nẵng. Mặt khác, các đơn vị, địa phương được phân cấp chưa chủ động, chậm triển khai cũng ảnh hưởng đến hiệu quả phân cấp. Chẳng hạn, công tác thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, nếu chậm triển khai sẽ gây thất thoát lớn, mất nguồn kinh phí sử dụng cho công tác bảo vệ môi trường của địa phương.
Cũng theo ông Đồng, việc phân cấp ở một số lĩnh vực đôi lúc còn bị gián đoạn, chậm trễ. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn lực đơn vị được phân cấp còn thiếu và yếu về trình độ chuyên môn, chưa được đào tạo tiêu chuẩn nghiệp vụ, hướng dẫn cụ thể quy trình. Mặt khác, do phân cấp quản lý chưa đi đôi với phân cấp ngân sách dẫn đến các địa phương không chủ động trong thực thi nhiệm vụ được giao và cân đối ngân sách để thực hiện.
Còn vướng nhiều khâu
Tại hội thảo phân cấp quản lý Nhà nước trên địa bàn thành phố gắn với thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, do UBND thành phố tổ chức vào cuối tháng 3-2021, ông Võ Công Trí, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố cho rằng, tiêu chí phân cấp quản lý Nhà nước trên địa bàn phải gắn với mô hình chính quyền đô thị. Vì vậy, khi phân cấp quản lý Nhà nước trên địa bàn thành phố cần tính đến một điều kiện rất tiên quyết, đó là phải tổ chức gắn với chính quyền đô thị.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Phan Thị Thắng Lợi, trong quá trình thực hiện phân cấp, phân quyền giai đoạn 2016-2020, địa phương gặp nhiều khó khăn là do nhiệm vụ công tác tăng lên, nhưng quận vẫn không được tăng cường tổ chức bộ máy, nhân lực, tài chính… để thực hiện nhiệm vụ. Điều này rất khó để thực hiện “quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm”.
Ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho rằng, khó khăn nhất hiện nay là nhiều vấn đề tồn đọng ở một số lĩnh vực được phân cấp lại chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, chưa có tính pháp lý rõ ràng, chưa quy định rõ trách nhiệm của các bên. Mặt khác, trong điều kiện tinh giản biên chế, nguồn nhân lực địa phương không đủ để đáp ứng giải quyết kịp thời; định mức chi hoạt động cho cán bộ, công chức cấp quận thấp so với cán bộ, công chức thành phố, trong khi quyền lợi không thay đổi mà công việc lại tăng lên.
Ông Tạ Tự Bình, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho hay, việc phân cấp phải phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan chuyên môn, UBND các quận, huyện trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước theo từng lĩnh vực và địa bàn đúng quy định của pháp luật, bảo đảm một việc không quá 2 cấp hành chính quản lý.
“Nói tóm lại là việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp đó triển khai thực hiện và chỉ khi thực hiện tổ chức chính quyền đô thị việc phân cấp mới hiệu quả”, ông Bình nhấn mạnh.
TRỌNG HÙNG