Người dân thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) thường gọi già làng Bùi Văn Siêng (70 tuổi) là “già Siêng” với tất cả niềm tin yêu, kính trọng. Tận tâm, tận tụy, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, già Siêng góp phần giúp cuộc sống nơi đây chuyển biến tích cực.
Già làng Bùi Văn Siêng (hàng trước, thứ 2 từ phải sang) nhận giấy khen tại hội nghị điển hình tiên tiến xã Hòa Bắc giai đoạn 2015-2020. (Ảnh chụp tháng 4-2020). Ảnh: LÊ VĂN THƠM |
Đẩy lùi hủ tục
Đã “thất thập cổ lai hy” nhưng già Siêng còn minh mẫn lắm. Già tiếp tôi bằng nụ cười hiền đầy ân cần, niềm nở. Trong căn nhà gỗ 3 gian, mọi thứ đều chỉn chu, ngăn nắp. Trên bức tường phòng khách có rất nhiều huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen được treo ngay ngắn mà theo già Siêng, đó là niềm tự hào của cả dòng họ.
Nâng tách trà thơm, già Siêng vừa nói vừa chỉ, ánh mắt rạng ngời niềm tự hào: “Đây là 3 huân chương kháng chiến của cha, chú và bản thân già được tặng thưởng trong thời kỳ chống Mỹ; đây là Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng của già; đây là giấy khen về gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2020 của UBND xã Hòa Bắc tặng già hồi tháng 4-2020…”.
Già Siêng tham gia cách mạng từ năm 1967, hồi mới 16 tuổi, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt. Lúc tòng quân nhập ngũ, già và bao người bạn đồng trang lứa hừng hực ý chí diệt giặc cứu nước và chỉ mong đến ngày quê hương sạch bóng quân thù. Sau khi đất nước thống nhất (năm 1975), già Siêng trở về quê công tác và hăng say xây dựng cuộc sống mới. Giàu nhiệt huyết, năng nổ, xông xáo, già được bầu làm trưởng thôn, bí thư chi bộ, rồi chi hội trưởng cựu chiến binh thôn Giàn Bí. Nhiệm vụ nào già Siêng cũng tận tâm tận lực, cố gắng làm thật tốt.
Bao năm qua, ở thôn Giàn Bí, trước khi làm gì, bà con người Cơ tu đều hỏi ý kiến của già Siêng. Tất cả chuyện lớn, chuyện nhỏ, già đều hướng dẫn dân làng thực hiện chu đáo, vẹn toàn. Đơn cử như chuyện người Cơ tu quan niệm mồ mả nằm ở đâu thì để yên đấy, nếu động đến sẽ bị “bề trên” quở trách, làm ăn không ra, có khi “bị hành” cho đến chết. Vì vậy, khi chính quyền xây dựng khu nghĩa trang tại thôn Giàn Bí nhằm quy tập mồ mã, nhiều người phản ứng, không chịu di dời. Để thông suốt tư tưởng cho bà con, già Siêng trực tiếp bốc hài cốt của cha và chú đưa về cải táng tại khu nghĩa trang mới.
“Tôi nói với bà con rằng, di dời phần mộ không có chết, bằng chứng là tôi vẫn sống đây chứ có chết đâu! Tôi giải thích cho bà con hiểu việc quy tập phần mộ nằm rải rác nhiều nơi thành một khu nghĩa trang tập trung sẽ làm cho quê hương đẹp hơn. Bây giờ, mọi người đã thông cả rồi, không còn ai phản đối nữa”, già Siêng kể.
Lại còn có những tập tục lạc hậu lâu đời, nhận thấy nay không còn phù hợp, già Siêng cũng vận động dân làng thay đổi. Chẳng hạn, tục “gả con gái, xin của” của dân tộc Cơ tu từng diễn ra trong suốt thời gian dài. Theo tục lệ này, khi gả con gái lấy chồng, cha mẹ con gái sẽ xin tiền của nhà trai.
Già Siêng thấy điều đó không tốt, đẩy con cái vào cảnh khó khăn, nợ nần, xích mích và già đã vận động bà con bỏ tập tục này. Đối với lễ hội đâm trâu, già Siêng vận động bà con bỏ hẳn bởi lễ hội đâm trâu vừa tốn kém, vừa nguy hiểm, nhiều trường hợp người làm nghi lễ bị trâu húc chết hoặc bị thương, mang tật nguyền suốt đời. Không chỉ vậy, con trâu là đầu cơ nghiệp mà lại đi giết trâu thì quá sai rồi!
Tấm gương sáng cho thế hệ trẻ
Quanh năm, già Siêng nhắc nhở dân làng làm ăn lương thiện, chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Trong làng có gia đình nào mâu thuẫn, xích mích, già kịp thời đến hòa giải, khuyên nhủ điều hơn lẽ thiệt. Thấy chính quyền tiến hành nhiều hoạt động phục hồi và bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ tu, già vui lắm! Già khuyên các thế hệ người Cơ tu dù đi đâu, ở đâu cũng nhớ về tổ tiên, nguồn cội. Già mong có nhiều con cháu thi đỗ đại học, đem kiến thức trở về xây dựng quê hương.
“Già rất phấn khởi khi thấy đồng bào Cơ tu mình đang phục hồi nghề dệt thổ cẩm, mây tre, đan lát, tập lại điệu nhảy truyền thống “Tung tung - da dá”, phát triển nghề trồng rừng, du lịch sinh thái, xây dựng mô hình Vườn kiểu mẫu…”, già Siêng hồ hởi nói.
Hiện nay, già Siêng cùng bà con dân làng đang ra sức xây dựng các tuyến đường nông thôn mới trên địa bàn xã. Các tuyến đường này, UBND thành phố và huyện Hòa Vang đầu tư xi-măng, cát sạn để đổ bê-tông, còn nhân dân địa phương cùng nhau làm đường, trồng hoa, cây cảnh và làm tường rào bằng tre dọc hai bên đường để tăng thêm mỹ quan và bảo quản hoa cảnh. Từng trải công việc tre nứa, già Siêng thường đảm nhiệm “vai chính” trong việc làm hàng rào tre ở hai bên đường. Nhấp cạn tách trà, già Siêng chia sẻ thêm, trong mọi việc, mình phải gương mẫu, trách nhiệm, dân làng nhìn vào mới tin, mới phục và nghe theo mình.
Chúng tôi tạm biệt già Siêng khi trời đã nhạt nắng. Đường từ thôn Giàn Bí về trung tâm xã Hòa Bắc còn nhiều đoạn lồi lõm, gập ghềnh. Tôi chợt nghĩ, những con người nơi đây dẫu cuộc sống còn không ít khó khăn nhưng bằng nghị lực, tài năng và tình yêu quê hương, họ đang phấn đấu không ngừng cho những điều tốt đẹp. Và, tôi nhớ mãi lời nhận xét của Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc Lê Thị Thu Hà: “Già Siêng là tấm gương sáng về nhiệt tình, tâm huyết, uy tín đối với cộng đồng, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng nông thôn mới và giáo dục thế hệ trẻ”.
LÊ VĂN THƠM