ĐÀ NẴNG THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM MÔ HÌNH CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ

Bài cuối: Đáp ứng niềm tin và kỳ vọng của nhân dân

.

Người dân, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn, khi thí điểm mô hình chính quyền đô thị từ 1-7-2021, các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có người đứng đầu sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đề xuất những giải pháp đúng đắn mang tính đột phá, tạo điều kiện thuận lợi để thành phố phát triển nhanh và bền vững.

Tổng đài dịch vụ công 1022 của Đà Nẵng, một trong những cơ sở hạ tầng của thành phố thông minh. 								                  Ảnh: HOÀNG NHUNG
Tổng đài dịch vụ công 1022 của Đà Nẵng, một trong những cơ sở hạ tầng của thành phố thông minh. Ảnh chụp tháng 3-2021. Ảnh: HOÀNG NHUNG

Tăng cường vai trò giám sát

Thực hiện thí điểm chính quyền đô thị (CQĐT), Đà Nẵng có 1 cấp chính quyền địa phương (ở cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (quận, phường). Không còn đại biểu HĐND cấp quận, phường, vai trò của đại biểu HĐND thành phố ngày càng nâng cao.

Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng cho rằng, với việc thực hiện mô hình CQĐT, người đứng đầu UBND quận, phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Khi đó, Chủ tịch UBND quận, phường là người đứng đầu cơ quan hành chính này, có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành UBND thực hiện chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao. Qua đó, vai trò, trách nhiệm giám sát của đại biểu dân cử cao hơn rất nhiều. Theo ông Đồng, để giám sát chặt chẽ cũng như kiểm soát quyền lực người đứng đầu, các đại biểu HĐND thành phố phải hoạt động tích cực hơn, phải luân phiên gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri.

Về vấn đề này, ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố cho rằng, thành phố có 14 đại biểu chuyên trách HĐND, làm nhiệm vụ của đại biểu “3 trong 1”, gánh vác trách nhiệm nặng nề hơn trước. Đặc biệt, trong hoạt động giám sát, các đại biểu HĐND cần tăng cường vai trò giám sát, nhất là với những vấn đề lớn, tác động trực tiếp đến sự phát triển của thành phố, được đông đảo nhân dân quan tâm như: điều chỉnh quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị; vệ sinh môi trường; quản lý đất đai.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc (trú phường Tân Chính, quận Thanh Khê) cho rằng, các đại biểu HĐND khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 cần tăng cường chức năng giám sát, nhất là với các dự án hạ tầng cơ sở đang triển khai trên toàn thành phố phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội. Theo ông Ngọc, công tác giám sát phải bảo đảm xuyên suốt từ khâu thiết kế, lập dự toán, đấu thầu hoặc giao thầu, thi công, nghiệm thu, quyết toán và đưa vào khai thác, sử dụng để tránh lãng phí tài sản của Nhà nước, tiền của nhân dân. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cần giám sát chặt chẽ việc thực thi pháp luật của UBND quận, phường; ngăn tình trạng lạm quyền. Mặt khác, khi không còn đại biểu dân cử cấp quận, phường, vai trò giám sát của Mặt trận và các tổ chức thành viên cấp quận, phường được nâng lên, góp phần xây dựng bộ máy hành chính hiệu lực, hiệu quả, từng bước xây dựng và phát triển thành phố giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại, xứng đáng là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Lắng nghe nhân dân hơn nữa

Trong các buổi tiếp xúc cử tri trước ngày bầu cử, hầu hết cử tri thành phố đều mong muốn đại biểu HĐND thành phố khóa X phải thật sự gần dân, sát dân, lắng nghe nhân dân hơn nữa; đồng thời giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri nơi mình ứng cử. Từ đó, quan tâm, kiến nghị giải quyết những ý kiến, bức xúc, khó khăn của người dân để tạo niềm tin trong nhân dân, nhất là những vấn đề đã được kiến nghị nhưng chưa được giải quyết hoặc giải quyết chậm.

Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, các đại biểu HĐND thành phố khóa X đều có công tác chuyên môn riêng biệt. Do đó, cần sắp xếp thời gian để thực hiện vai trò đại biểu của mình trước nhân dân.

“Các đại biểu HĐND phải là đại biểu của nhân dân suốt 365 ngày/năm, chứ không phải chỉ làm đại biểu trong 2 kỳ họp HĐND. Khi nhân dân, cử tri có những việc bức xúc, xin gặp để trình bày và nhờ can thiệp, các đại biểu cần sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ”, ông Ngọc nói.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Loan (trú tổ 23, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) mong rằng các đại biểu HĐND phải luôn cầu thị, sẵn sàng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Bà Loan dẫn dắt câu chuyện về nguyên Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, trong suốt nhiệm kỳ luôn mở cổng nhà từ 6 giờ sáng để đón tiếp công dân; đồng thời lập và công khai email cá nhân để mọi người dân đều dễ dàng chuyển tải ý kiến, nguyện vọng đến lãnh đạo thành phố.

Theo bà Loan, không còn đại biểu HĐND cấp quận, phường, người dân chỉ có thể phản ánh vấn đề của cá nhân hay địa phương với đại biểu ứng cử tại từng khu vực. Trong khi đó, mỗi năm chỉ có vài đợt tiếp xúc cử tri định kỳ nên nhân dân không thể phản ánh kịp thời, rốt ráo. Do đó, theo bà Loan, mỗi đại biểu HĐND thành phố phải thay đổi phương thức làm việc, có nhiều kênh để kết nối với cử tri tại địa bàn mình ứng cử, góp phần làm tốt vai trò đại biểu “3 trong 1”, xứng đáng là đại biểu của dân, đúng với kỳ vọng của nhân dân.

Nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân

Một trong những mục tiêu hướng đến của mô hình CQĐT là hướng đến sự tiện lợi, kết nối doanh nghiệp, mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Trong những năm qua, vấn đề cải cách hành chính được thành phố tập trung triển khai, giúp người dân, doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính một cách đơn giản, nhanh gọn, đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến. Hiện, toàn thành phố có 97% cơ quan hành chính triển khai trực tuyến; 50% số dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4 so với chỉ tiêu Chính phủ đề ra.

Theo thông tin từ Sở Nội vụ, hơn 10 năm qua, thành phố đã đơn giản hóa hơn 300 thủ tục hành chính. Đây là một trong những minh chứng cho thấy Đà Nẵng nhiều năm ở top đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Và trong 11 năm liên tiếp (2009 - 2019) đạt Chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (Vietnam ICT Index). Cuối năm 2020, Ðà Nẵng vinh dự đón nhận giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam 2020” (Vietnam Smart City Award 2020).

Mặt khác, Đà Nẵng đang nỗ lực xây dựng thành phố thông minh, đây là mục tiêu hướng đến của CQĐT. Trong lộ trình xây dựng thành phố thông minh, lĩnh vực giáo dục và y tế được Ðà Nẵng triển khai sớm. Đã có 100% trường học các cấp triển khai phần mềm quản lý trường học; phần mềm tuyển sinh trực tuyến đầu cấp; cơ sở dữ liệu dùng chung và cổng giao tiếp dữ liệu ngành giáo dục. Ngoài ra, cổng tra cứu điểm thi các cấp (web, SMS, Zalo) được xây dựng, gần 170.000 tài khoản được cấp cho giáo viên, học sinh để dạy học trực tuyến.

Mô hình CQĐT iúp bộ máy của chính quyền được tinh gọn, vận hành hiệu quả. Qua đó, giúp thành phố tiết giảm được chi phí quản lý, tập trung nguồn lực để đầu tư, giải quyết các vấn đề xã hội quan trọng như chính sách an sinh, xã hội. Với mô hình CQĐT, người dân có điều kiện tốt hơn để tham gia vào giám sát hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc các buổi tiếp xúc cử tri. Từ cơ chế làm việc theo chế độ thủ trưởng, lãnh đạo UBND quận, phường cũng như cán bộ, công chức cấp phường, quận nêu cao trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm giải trình trước người dân về những vấn đề xảy ra thông qua cơ chế chủ động và tự chịu trách nhiệm. CQĐT giúp thành phố chủ động hơn trong việc đề ra các chủ trương, quyết sách, để phát triển theo hướng năng động, sáng tạo, như tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị đề cập đến.

T.HUY - H.NHUNG - L.PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.