ĐNO - Đó là ý kiến của Tổ đại biểu Quốc hội số 9 tại buổi thảo luận về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng trong ngày làm việc thứ tư của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV (24-7).
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: TRẦN VINH |
Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh và đại biểu Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa đánh giá cao những điểm mới, nổi bật trong tờ trình về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng nêu ra những bất cập, trong đó nhấn mạnh kế hoạch chưa đề cập đến việc triển khai các dự án trọng điểm như cảng biển mang tính kết nối quốc tế; đường sắt tốc độ cao.
Hai đại biểu này cho rằng, trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chính phủ đã bố trí 100.000 tỷ đồng. Vì vậy trong đầu tư công, cần phải đối chiếu lại các danh mục, tránh trùng lặp; trong đó cần bố trí vào các dự án có tính trọng điểm và phải đưa ra lộ trình các dự án triển khai cùng niên độ thực hiện rõ ràng, tránh tình trạng làm đến đâu điều chỉnh đến đấy.
Tại buổi thảo luận, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết, để tạo sự linh hoạt trong việc thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nội dung kế hoạch thiếu một yếu tố rất quan trọng, đó là quá trình thực hiện phải có điều bổ sung.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng khẳng định, đến bây giờ nhiều địa phương, kể cả Đà Nẵng chưa chuẩn bị các danh mục dự án hạ tầng cho chuyển đổi số. Trong khi đó, theo kế hoạch đưa ra, giai đoạn 2021-2025, chuyển đổi số sẽ chiếm 20% GDP.
Vì vậy, theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, cần có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ, trong đó phải chuẩn bị tốt về hạ tầng mới có thể triển khai thực hiện và đạt kết quả.
Theo đại biểu Trần Chí Cường, Phó trưởng đoàn ĐBQH đơn vị thành phố Đà Nẵng, kế hoạch đầu tư công trung hạn cần được gắn chặt chẽ với kế hoạch tài chính 2021-2025, bởi nếu không bảo đảm được nguồn thu thì việc bố trí vốn và cân đối nguồn lực cho các dự án sẽ bị ảnh hưởng, khó đạt được kết quả như mong muốn.
Vì vậy, ông Cường đề nghị Chính phủ sắp xếp, phân bổ lại theo thứ tự ưu tiên và theo kịch bản về thu ngân sách để bảo đảm việc phân bổ nguồn vốn; đồng thời cần rút ngắn thủ tục triển khai dự án. Ngoài ra, Chính phủ cần có sự ưu tiên, tập trung, đặc biệt đối với các địa phương có cơ chế, chính sách đặc thù.
Chỉ rõ cơ quan, đơn vị gây lãng phí, tránh báo cáo chung chung
Chiều 24-7, các ĐBQH Tổ 9 thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng.
Đa số các đại biểu cho rằng, báo cáo về công tác tiết kiệm, lãng phí phải có thống kê, chỉ ra ngành nào, lĩnh vực nào đang có hiện tượng lãng phí, tránh tình trạng ước lượng, chung chung.
Mở đầu buổi thảo luận, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chỉ ra việc lãng phí hiển hiện ở rất nhiều ngành, lĩnh vực nhưng báo cáo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 do Bộ Tài chính trình bày vẫn còn mang tính chung chung, chưa đánh giá hết các mặt hạn chế, chưa nêu ra được những con số cụ thể, đơn vị cụ thể gây ra lãng phí. Do đó, việc quy trách nhiệm cho đơn vị, cá nhân chưa có.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề xuất những năm sau, báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải cụ thể từng con số, từng đơn vị và phải có những giải pháp khắc phục cụ thể.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nêu đơn cử thời gian qua, chúng ta làm nhiều chương trình, dự án nhưng không sát với thực tế, gây lãng phí.
Cụ thể là chương trình nông thôn mới làm nhà văn hóa dành cho các tỉnh Tây Nguyên nhưng không hiểu tập quán, văn hóa bản địa nên gây ra lãng phí; công trình làm ra không sử dụng được. Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, để thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong thời gian tới, cần bám sát Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng mới thực hiện hiệu quả.
Nói về chống lãng phí, đại biểu Trần Đình Chung, Đoàn ĐBQH đơn vị thành phố Đà Nẵng trăn trở về việc lãng phí chất xám. Ông cho rằng, thời gian qua nhiều bộ, ngành đã tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy, song vẫn chưa bảo đảm theo quy định, thậm chí nhiều đơn vị thực hiện chiếu lệ.
Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành phố có nhiều dự án đào tạo đội ngũ chất lượng cao, gửi cán bộ, sinh viên đi nước ngoài đào tạo nhưng khi về bố trí vào các vị trí không phù hợp, không đúng ngành nghề đào tạo, dẫn đến tình trạng xin ra khỏi cơ quan, gây lãng phí chất xám cũng như tiền của.
Đại biểu Trần Đình Chung cho rằng, Quốc hội cần giao trách nhiệm cho Chính phủ, các bộ, ngành để rà soát lại việc bố trí các vị trí xứng đáng với trình độ đào tạo, mang lại hiệu quả trong công việc, tránh gây lãng phí chất xám.
PHƯƠNG THANH - TRẦN VINH