Ngày 22-7, Quốc hội nghe báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và người dân gửi đến kỳ họp thứ nhất; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2019; cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP |
Giữ nguyên cơ cấu tổ chức của Chính phủ
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, đề nghị giữ nguyên cơ cấu tổ chức của Chính phủ với 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XIV gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ được tổ chức theo mô hình quản lý đa ngành, đa lĩnh vực với quy mô và phạm vi quản lý từng bước được bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm bao quát đầy đủ chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XII đề ra, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, thực tiễn hoạt động trong nhiệm kỳ vừa qua có thể khẳng định, cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 được kiện toàn theo đúng chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội. Việc giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XIV như khóa XIII đã tạo điều kiện cho Chính phủ thực hiện tốt vai trò hiến định của cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội; tập trung hơn vào nhiệm vụ quản lý, điều hành vĩ mô theo quy định của pháp luật và kịp thời cụ thể hóa, thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành của Chính phủ.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (phải) chủ trì buổi thảo luận tổ chiều 22-7. Ảnh: TRẦN VINH |
Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%
Trình bày báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, là mức khá cao so với các nước trên thế giới. Nhiều địa phương có dịch nhưng vẫn tăng trưởng khá. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất ổn định. Thu ngân sách Nhà nước đạt kết quả tích cực, lũy kế 6 tháng đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ.
Trong những tháng còn lại của năm 2021 Chính phủ tiếp tục quán triệt các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội; tích cực triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, theo dõi sát diễn biến tình hình, có giải pháp kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp và tổ chức chỉ đạo, điều hành đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả; quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, nhưng ưu tiên lúc này là tập trung phòng, chống Covid-19 hiệu quả để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu đề ra.
Khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh
Trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, cử tri và nhân dân đồng thuận rất cao với chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta là phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển phồn vinh, hạnh phúc. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, nguy hiểm, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được tổ chức thành công rất tốt đẹp. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, là minh chứng sống động, thể hiện niềm tin tưởng sâu sắc của cán bộ, đảng viên, nhân dân, cử tri đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kiến nghị về 5 nội dung, trong đó có việc đề nghị các đại biểu Quốc hội khóa XV đề cao trách nhiệm, cố gắng thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chương trình hành động và lời hứa với cử tri trong quá trình vận động bầu cử. Cử tri, nhân dân mong muốn các đại biểu tích cực nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng hoạt động đại biểu; gương mẫu, bản lĩnh, thật sự gắn bó máu thịt với nhân dân; nỗ lực hành động theo phương châm: tận tụy để dân mến, trách nhiệm để dân thương, kỷ cương để dân trọng, năng động để dân nhờ.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2021. Thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Đẩy mạnh tiêm vắc-xin, thực hiện nuôi dưỡng nguồn thu Chiều 22-7, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chủ trì phiên thảo luận tại Tổ đại biểu Quốc hội số 9, gồm các đoàn Đà Nẵng, Quảng Ninh, Điện Biên và Khánh Hòa. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Quảng Ninh cho rằng, dù tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, tình hình kinh tế có bước tăng trưởng. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 5,64%, thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng là mức tăng tích cực trong bối cảnh khó khăn do tác động của Covid-19. Trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, để ổn định kinh tế, xã hội, cần phải đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nhằm đạt miễn dịch cộng đồng, chậm nhất là vào những tháng đầu năm 2022. Trong khi đó, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cũng trăn trở và cho biết với tư cách người đứng đầu thành phố, đã có những đề xuất với những người có trách nhiệm. Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, hiện nay, cần phải thay đổi cách tiếp cận về việc tổ chức tiêm vắc-xin và phân bổ vắc-xin, bởi lẽ, tiêm vắc-xin cũng như chữa cháy, là phải khoanh vùng an toàn. Do đó, với nguồn lực vắc-xin như hiện nay, các địa phương chưa có dịch cũng cần phải được phân bổ nguồn vắc-xin; đồng thời ưu tiên những lĩnh vực, đối tượng chưa có nguy cơ để khi xảy ra dịch sẽ có được kháng thể miễn dịch. Đối với các khu vực có dịch phức tạp, phải bảo đảm các trường hợp âm tính để được tiêm mới có tính hiệu quả. Liên quan đến vướng mắc các chính sách, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nêu ra ví dụ Đà Nẵng có nhiều dự án bị vướng mắc bởi một kết luận thanh tra, kiểm tra nên “dậm chân tại chỗ”. Do đó, Đà Nẵng đã có báo cáo gửi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để đề xuất tháo gỡ những khó khăn cho Đà Nẵng, nếu được việc này sẽ khơi thông nguồn lực phát triển thành phố. Đại biểu Trần Chí Cường, Phó trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng, đề xuất thời gian tới cần nuôi dưỡng nguồn thu từ các doanh nghiệp, để bảo đảm từ năm 2022 tạo thuận lợi trong vấn đề thu ngân sách. Bởi hiện nay nhiều doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường, doanh nghiệp thành lập mới rất ít. Bên cạnh đó, ông Cường cũng đề nghị Chính phủ cần có biện pháp kiểm soát giá cả, bảo đảm nguồn cung cho nguyên vật liệu, thức ăn chăn nuôi do thời gian qua, hai lĩnh vực này tăng giá mạnh, gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng như người dân. PHƯƠNG THANH |
B.T (Theo TTXVN/Chinhphu.vn)