Qua 15 năm hoạt động, Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh Đà Nẵng đã trở thành mái nhà ấm áp cho trẻ em là nạn nhân da cam, khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thành phố. Đây không chỉ là nơi vui chơi, học tập mà còn giúp các em xóa bỏ mặc cảm, tự ti để vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Trẻ em tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh được tạo điều kiện học văn hóa và một số nghề như làm nhang, may mặc. (Ảnh chụp thời điểm không có Covid-19). Ảnh: XUÂN DŨNG |
Vòng tay che chở
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, Đà Nẵng hiện có hơn 5.000 nạn nhân nghi nhiễm chất độc da cam, trong đó có 1.400 trẻ em. Nhiều trường hợp hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, trong một gia đình có 2-3 nạn nhân. Các nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam và khuyết tật nhiều dạng như khiếm thính, thiểu năng trí tuệ, khuyết tật hệ vận động về tay, chân... Do đó thường mang tâm lý mặc cảm, tự ti, khó hòa nhập vào cộng đồng.
Nhiều năm qua, Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh Đà Nẵng có nhiều cố gắng trong công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ nạn nhân da cam, bất hạnh và khuyết tật với hình thức nuôi dưỡng, chăm sóc bán trú hằng ngày. Hiện trung tâm có 2 cơ sở (tại phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê và xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), đang nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy nghề cho 120 trẻ từ 10 tuổi trở lên.
Ngoài việc được học kiến thức văn hóa, các em ở bán trú còn được trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo, chăm lo hỗ trợ ốm đau kịp thời. Nơi nghỉ ngơi, học tập của các em sạch sẽ, khẩu phần ăn bảo đảm an toàn thực phẩm, dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, trung tâm luôn duy trì hiệu quả các mô hình, sân chơi cho các em với nhiều hoạt động như: giao lưu văn nghệ, hoạt động thể dục - thể thao bổ ích, vật lý trị liệu... Nhiều em phát huy năng khiếu, sở trường của mình để trung tâm bồi dưỡng tham gia các hội thi thể dục - thể thao, văn hóa - văn nghệ các cấp, đáp ứng nguyện vọng nhu cầu của gia đình nạn nhân.
Đặc biệt, các em ở tuổi trưởng thành được hỗ trợ kết nối với các công ty, doanh nghiệp và cá nhân bên ngoài để có việc làm, tăng thêm thu nhập cuộc sống cho gia đình. Đến nay, trung tâm hỗ trợ cho 10 em có việc làm, thu nhập ổn định.
Có con đang học tại Trung tâm Bảo trợ Nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh Đà Nẵng hơn 3 năm nay, chị Phạm Thị Bông, xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) chia sẻ: “Từ khi con tôi theo học tại trung tâm, được các thầy cô dạy dỗ, cháu biết chào hỏi, nói chuyện lanh lợi hơn trước đây rất nhiều. Ngoài ra, cháu con biết múa, hát và may quần áo cơ bản. Đây thực sự là niềm hạnh phúc lớn đối với gia đình chúng tôi”.
Xoa dịu nỗi đau
Để giúp các em tiếp thu tốt nội dung học tập, hằng năm, cán bộ, giáo viên, nhân viên Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh Đà Nẵng tham gia nhiều lớp tập huấn về nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ công tác xã hội và phương pháp dạy học phù hợp từng đối tượng. Đến nay, 100% nhân viên của trung tâm đều nắm vững kiến thức công tác xã hội, kỹ năng giao tiếp với trẻ, ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ khiếm thính.
Chị Võ Thị Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh Đà Nẵng (cơ sở 1) cho biết, trong quá trình dạy, trung tâm luôn lồng ghép các hoạt động ngoại khóa, hướng nghiệp dạy nghề, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu nhằm giúp các em dễ dàng tiếp thu kiến thức văn hóa. Bên cạnh việc hướng dẫn, chăm sóc, tạo nghề cho các em về may, làm hoa, nhang, vẽ, thêu..., cán bộ, nhân viên còn nhận gia công hàng may, làm nhang, tăng gia sản xuất như nuôi heo, gà, trồng rau, nấm, củ quả để tăng thêm thu nhập cho trung tâm nhằm cải thiện dinh dưỡng bữa ăn cho trẻ.
“Chúng tôi luôn xác định công việc của mình là một phần trách nhiệm của xã hội, vì vậy luôn đặt chữ “tâm”, lòng bao dung, vị tha, tính thiện nguyện lên trên hết. Nhờ đó, cán bộ, nhân viên trung tâm luôn kiên trì, thường xuyên động viên, giúp các em tự tin giao tiếp trước tập thể và tham gia các hoạt động cộng đồng”, chị Thu khẳng định.
Theo ông Tô Năm, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố, Thành hội luôn được Trung ương hội đánh giá cao hiệu quả về công tác vận động, hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin nói chung và trẻ em bất hạnh nói riêng. Đặc biệt, chương trình “Đồng hành chia sẻ nỗi đau da cam”, “Mùa xuân cho em” được tổ chức hằng năm đã thu hút và vận động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hàng tỷ đồng/năm. Đây là nguồn lực chính để Thành hội chăm lo cho nạn nhân da cam của thành phố và trẻ em đang nuôi dưỡng tại trung tâm.
Những năm qua, trung tâm không chỉ là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy học, dạy nghề, phục hồi chức năng cho những nạn nhân, trẻ khuyết tật mà còn là nơi gieo mầm hy vọng, nuôi dưỡng ý chí, tiếp thêm nghị lực, cổ vũ khát vọng sống và vươn lên hòa nhập cộng đồng của những con người bị nhiều thiệt thòi, đau khổ bởi hậu quả của chất độc da cam.
“Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới trung tâm tiếp tục nỗ lực phấn đấu vì nạn nhân chất độc da cam, xứng đáng là mái nhà chung để các bậc phụ huynh yên tâm gửi gắm con em vào học tập, sinh hoạt, vui chơi. Qua đó, từng bước xoa dịu nỗi đau của những nạn nhân để họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống”, ông Năm nhấn mạnh.
XUÂN DŨNG