Trên địa bàn huyện Hòa Vang, nhiều vùng đất mỏ được khai thác tối đa, những tưởng sẽ không thể hồi sinh. Thế nhưng, sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, màu xanh cho những vùng đất này được tái sinh.
Khu vực mỏ đá thôn Đại La, xã Hòa Sơn hiện nay đã được trồng nhiều cây để phục hồi môi trường. Ảnh: TRỌNG HUY |
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Hòa Vang Lê Đức Toại cho biết, trên địa bàn huyện có 28 mỏ đã kết thúc khai thác, trong đó có 10 mỏ đã hoàn thành công tác cải tạo, phục hồi môi trường, được UBND thành phố ban hành quyết định đóng cửa mỏ, bàn giao cho địa phương quản lý (đã nghiệm thu); 13 mỏ đang tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường; 1 mỏ đang chỉnh sửa đề án đóng cửa mỏ cải tạo, phục hồi môi trường; 4 mỏ không lập hồ sơ đóng cửa mỏ cải tạo, phục hồi môi trường, UBND thành phố đã giao cho UBND huyện Hòa Vang chọn đơn vị có năng lực tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ (hiện cơ bản đã hoàn thành việc cắt tầng, bảo đảm trạng thái an toàn và đang trồng cây xanh).
Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Quang Vinh, từ năm 2017 đến nay, hằng năm Sở TN&MT đều thành lập đoàn giám sát, kiểm tra công tác đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường của các mỏ đã được UBND thành phố phê duyệt đề án đóng cửa mỏ. Qua kiểm tra, giám sát, phần lớn các đơn vị chấp hành nghiêm túc các hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã kết thúc khai thác theo Đề án đóng cửa mỏ đã được UBND thành phố phê duyệt. Đối với các đơn vị chưa chấp hành nghiêm túc tiến độ cải tạo, phục hồi môi trường hoặc chậm lập hồ sơ đóng cửa mỏ, sở đã tham mưu UBND thành phố xử lý nghiêm vi phạm theo đúng quy định.
“Mới đây, Sở TN&MT đã thành lập đoàn kiểm tra, giám sát công tác cải tạo phục hồi môi trường theo Đề án đóng cửa mỏ đã được UBND thành phố phê duyệt. Qua kiểm tra, giám sát, nếu đơn vị nào không thực hiện đúng tiến độ hoặc chây ì trong công tác cải tạo, phục hồi môi trường, Sở sẽ tham mưu cho UBND thành phố xử lý nghiêm vi phạm theo quy định”, ông Vinh nói.
Theo quan sát của phóng viên, khu vực mỏ đất tại thôn An Tân xã Hòa Phong có diện tích khoảng 1ha do Công ty CP Xây dựng và thương mại Thùy Dương làm chủ mỏ, hiện đã đóng cửa. Màu xanh cây keo lá tràm đã bắt đầu phủ lên những khu vực trước đây từng bị nạo sạch tài nguyên đất. Dù chưa thực sự phủ kín, song lớp cây keo lá tràm được trồng thành hàng thẳng lối, tươi xanh cho thấy môi trường được phục hồi tốt sau khai khác mỏ.
Tương tự, mỏ đá tại thôn Đại La xã Hòa Sơn đã dừng khai thác từ lâu. Đến nay màu xanh đã quay trở lại, che lấp những hố thẳm trơ trọi đá. Mỏ đá tại thôn Đại La từng là nỗi ám ảnh của hầu hết người dân trong thôn bởi tình trạng đá rơi, tường nhà bị nứt, đường sá hư hỏng do hoạt động nổ mìn khai thác đá.
Theo ông Lê Đức Toại, về quy trình hoàn thổ, sau khi có quyết định đóng cửa mỏ, công tác khôi phục môi trường, hoàn thổ được triển khai theo từng bước có thời hạn 3 năm, bao gồm cả trồng, phát triển cây xanh. Sau 3 năm, nếu công tác cải tạo môi trưởng ổn định, cây xanh phát triển tốt sẽ trả tiền cược cho đơn vị khai thác mỏ đóng cược trước đó, tiến hành lập hồ sơ nghiệm thu theo quy định.
“Vừa qua, trong đợt đi kiểm tra, giám sát công tác hoàn thổ, nhận thấy cây xanh được trồng bị ngã đổ do gió bão khiến mật độ bị thưa so với quy định, chúng tôi đã đề nghị đơn vị xử lý, cải tạo môi trường trồng bổ sung để bảo đảm cây xanh phát triển ổn định”, ông Toại nói.
Cùng với việc hoàn thổ, cải tạo môi trường các mỏ đã dừng hoạt động, huyện Hòa Vang cùng với Sở TN&MT quyết liệt vào cuộc để nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hỗ trợ đối với diện tích đất canh tác bị bồi lấp (đặc biệt tại xã Hòa Nhơn) do hoạt động khai thác khoáng sản.
Ông Toại cho biết, theo quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 797/QĐ-UBND ngày 18-2-2019, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện Hòa Vang còn 13 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trong đó có 10 mỏ đá, 1 mỏ đất sét, 2 mỏ đất đồi.
Ông Nguyễn Ngọc Tôn, cán bộ địa chính xã Hòa Nhơn cho biết, trên địa bàn xã có nhiều mỏ khai thác khoáng sản hoạt động. Đến nay có 3 mỏ đã dừng hoạt động, hoàn thành các thủ tục đóng cửa mỏ; 1 mỏ đang lập thủ tục đóng cửa mỏ. Hằng năm, xã phối hợp với huyện và cơ quan chức năng để kiểm tra, giam sát việc khôi phục môi trường, hoàn thổ các mỏ đã dừng hoạt động, đồng thời yêu cầu các chủ mỏ đang hoạt động thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hỗ trợ người dân do đất, đá trôi lấp diện tích đất ruộng.
Không có phương án phục hồi môi trường sẽ bị phạt đến 200 triệu đồng Nghị định số 55/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 24-5-2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong đó, có quy định bổ sung mức phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi không báo cáo công tác thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường về cơ quan phê duyệt phương án và cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường tại địa phương; không báo cáo cơ quan phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong trường hợp có sự điều chỉnh phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định. Nghị định quy định xử phạt hành chính phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 120 triệu đồng đối với hành vi thực hiện không đúng, hoặc thực hiện không đầy đủ một trong các hạng mục công việc phải thực hiện trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định; phạt tiền từ 150 triệu đồng đồng đến 200 triệu đồng đối với hành vi không có phương án cải tạo, phục hồi môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; không lập lại phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định, trừ trường hợp thuộc đối tượng phải lập lại báo đánh giá tác động môi trường. |
TRỌNG HUY