ĐNO - Đà Nẵng đang quyết liệt thực hiện “tuần lễ vàng” với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó” và tăng cường hết công suất lấy mẫu xét nghiệm cho khoảng 800.000 lượt người để sàng lọc, tìm ra F0 cũng như cắt đứt các chuỗi lây nhiễm, từ đó tiếp tục triển khai những biện pháp phù hợp trong công tác phòng, chống dịch.
Để chiến dịch đặc biệt này đạt hiệu quả cao nhất, bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng chức năng, vai trò của mỗi người dân vô cùng quan trọng, nhất là sự tự giác, chủ động trong khai báo yếu tố dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm.
Thực tế cho thấy, dù các đơn vị, địa phương từ thành phố đến quận, huyện và phường, xã đã triển khai quyết liệt các biện pháp điều tra dịch tễ, truy vết, khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm nhưng vẫn không theo kịp tốc độ lây lan của SARS-CoV-2.
Bên cạnh chủng Detal lây lan nhanh, nguyên nhân chính xuất phát từ việc một số F0 cung cấp lịch trình di chuyển, tiếp xúc không trung thực, thiếu chính xác cũng như thiếu sự chủ động hợp tác của người dân với cơ sở y tế khi liên quan đến các địa điểm có yếu tố dịch tễ. Ngoài ra, vẫn còn trường hợp có triệu chứng nghi ngờ không chấp hành việc đi lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.
Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, công tác truy vết F0, F1, F liên quan được triển khai 24/24 giờ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vì nhiều lý do khác nhau, có trường hợp F0 né trách các câu hỏi của lực lượng truy vết, chỉ cung cấp thông tin nhỏ giọt. Bên cạnh đó, cũng có những F0 do hoảng loạn nên không nhớ được lịch trình di chuyển, tiếp xúc.
Song song đó, khi phát hiện ca Covid-19 mới, các địa phương ngay lập tức phát đi thông báo tìm người đến khu vực có khả năng lây nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, số người chủ động liên hệ cơ sở y tế để khai báo y tế và được tư vấn hỗ trợ phòng, chống Covid-19 không đáng kể. Một số trường hợp khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở, đau họng… mới đến bệnh viện tư nhân khám, lấy mẫu xét nghiệm và khai báo trước đó có đến khu vực có yếu tố dịch tễ hoặc từng tiếp xúc bệnh nhân Covid-19.
“Việc F0 khai báo không trung thực, cung cấp thông tin lịch trình nhỏ giọt khiến lực lượng chức năng không thể truy vết đầy đủ, kịp thời F1, F2 và những F liên quan; đồng thời dễ bỏ sót các địa điểm có yếu tố dịch tễ. Điều này không chỉ gây khó khăn trong việc khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm mà còn tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan nhanh ra cộng đồng”, bác sĩ Tôn Thất Thạnh nói.
Tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố diễn ra chiều 17-8, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh, hiện số ca mắc Covid-19 mới chủ yếu vẫn liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại chợ đầu mối Hòa Cường và cảng cá Thọ Quang.
Tuy nhiên, thực tế những người liên quan đến 2 chuỗi lây nhiễm này chưa được rà soát hết nên nguy cơ vẫn còn tiềm ẩn rất cao. Song song đó, còn xuất hiện những ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng không rõ nguồn lây. Điều này cho thấy một số người dân chưa tự giác trong khai báo yếu tố dịch tễ và chủ động liên hệ cơ sở y tế để lấy mẫu xét nghiệm.
“Các đơn vị, địa phương phải thông báo những ai liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp đến chuỗi lây nhiễm tại chợ đầu mối Hòa Cường và cảng cá Thọ Quang liên hệ ngay cơ sở y tế; đồng thời, triển khai phát phiếu khảo sát đến tận từng hộ gia đình để nắm cụ thể trường hợp liên quan, tuyệt đối không được bỏ sót. Khi có danh sách thì tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện ngay các biện pháp theo quy định.
Trường hợp nào không khai báo, sau này phát hiện dương tính thì sẽ xử lý nghiêm, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, tuyên truyền để người dân khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở… thì báo ngay tổ trưởng để liên hệ ngành y tế can thiệp kịp thời, không để tình trạng tự ý đi lấy mẫu xét nghiệm dịch vụ như lâu nay”, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh.
Khai báo y tế trung thực, chủ động hợp tác với cơ sở y tế và tự giác cung cấp đầy đủ lịch trình di chuyển, tiếp xúc không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của mỗi người. Bởi điều này sẽ giúp cho người nhiễm hoặc có nguy cơ nhiễm Covid-19 được tiếp cận với dịch vụ y tế để xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm, ngăn chặn dịch bệnh lây lan sang người thân, gia đình và cộng đồng. Đồng thời, giúp cơ quan chức năng kịp thời khoanh vùng, khống chế và dập dịch.
Để chiến dịch phòng, chống Covid-19 đạt hiệu quả cao nhất và ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2, đòi hỏi sự chủ động, tự giác của mỗi người dân trong việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch cũng như khai báo yếu tố dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm.
Đây là cơ sở quan trọng để thành phố từng bước khống chế các chuỗi lây nhiễm, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.
LÊ HÙNG