Bão số 5 là một cơn bão mạnh, hướng di chuyển phức tạp, các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố cần xây dựng phương án ứng phó bão với nhận định bão đi thẳng vào Đà Nẵng. Thành phố phải chuẩn bị ứng phó với cấp độ cao nhất để khi có tình huống xấu xảy ra thì ứng phó kịp thời.
Các lực lượng chức năng giúp ngư dân phường Thọ Quang, quận Sơn Trà đưa thuyền nhỏ lên bờ trú bão. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp triển khai công tác phòng, chống thiên tai năm 2021 và ứng phó với bão số 5 trong bối cảnh phòng, chống Covid-19 vào chiều 10-9. Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến tham dự cuộc họp.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng lưu ý, lần này, thành phố chống bão khác với các lần trước và chưa từng có tiền lệ bởi vừa phải chống bão, vừa phòng, chống Covid-19. Mặc dù đã có kinh nghiệm chống bão, nhưng các đơn vị, địa phương không được chủ quan và không để lây nhiễm dịch bệnh trong quá trình chống bão. Do đó, các sở, ban, ngành và địa phương phải rất chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống bão, trong đó việc tổ chức lực lượng và phương án sơ tán dân đến nơi trú bão an toàn là những vấn đề lớn. Theo đó, bố trí nhiều địa điểm sơ tán và khi sơ tán thì thực hiện như phương án giãn dân ở các “vùng đỏ” trong thời gian qua với nguyên tắc là mỗi hộ gia đình ở 1 phòng, tránh bố trí nhiều hộ gia đình vào 1 phòng.
Các địa phương tập trung chống ngập úng cũng như nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở huyện Hòa Vang bởi tác động từ hoàn lưu bão. Ngoài ra, các sở, ban, ngành, địa phương lưu ý công tác phòng, chống bão ở các công trình trọng điểm, khu vực xung yếu, nhất là công trình dự án Nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý, Nhà máy nước Hòa Liên, khu cách ly y tế tập trung, bệnh viện dã chiến ở Khu ký túc xá phía tây thành phố... Sở Công thương phải có phương án cụ thể về việc tích trữ và cung ứng lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời gian chống bão.
UBND thành phố và các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức kiểm tra công tác triển khai ứng phó với bão ở các phường, xã để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là việc bố trí sơ tán dân trú bão. “Đối với khu vực âu thuyền Thọ Quang, phải tiếp nhận các tàu cá ngoại tỉnh vào trú bão, các đơn vị, địa phương cần xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho ngư dân trong công tác phòng, chống dịch và công tác phòng, cháy chữa cháy cho các tàu, thuyền đang neo đậu trú bão ở âu thuyền”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo.
Lực lượng chức năng giúp người dân ở phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu chằng chống mái tôn chuẩn bị đón bão. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu các địa phương tổ chức công tác chằng chống nhà cửa cho các hộ dân đang cách ly y tế tập trung, nhất là nhà ở trong các kiệt, hẻm. Cạnh đó, gia cố hệ thống cửa tại các trường học đang làm khu cách ly y tế tập trung, nhất là cửa kính để bảo đảm an toàn cho người dân. Sở Công thương và các địa phương tạo điều kiện bổ sung hàng hóa cho các đại lý, cửa hàng ở các khu dân cư để người dân tiếp cận nhanh nhất và phải có phương án cứu trợ, cung ứng hàng hóa cho các khu sơ tán dân trú bão.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh, quan điểm phòng chống bão của thành phố trên hết là bảo vệ tính mạng của nhân dân, bảo vệ tài sản, công trình, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. Các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch ứng phó với bão, trong đó có sự phân công, phân nhiệm một cách cụ thể. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng tiếp tục kêu gọi các tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn.
Các sở, ban, ngành, địa phương sớm hoàn thành công tác cắt tỉa, chằng chống cây xanh; xử lý ngập úng; chằng chống các công trình... và phối hợp dọn vệ sinh môi trường khi cơn bão đi qua. Các quận, huyện yêu cầu ngư dân đưa các thuyền nhỏ, thuyền thúng, lồng bè vào bờ để bảo đảm an toàn; khẩn trương thu hoạch mùa vụ..., nhưng lưu ý hạn chế tình trạng đuối nước xảy ra. “Mỗi phường, xã cần thành lập các đội xung kích, đội cơ động hỗ trợ cho các gia đình gặp khó khăn, thiếu người , đi cách ly y tế tập trung để chống bão.
Đồng thời, tạo điều kiện tối đa cho các cá nhân đi lại để phòng, chống lụt bão; mở lại các cửa hàng điện, nước, sắt, thép, bao, vật tư phục vụ phòng, chống bão... Ngoài ra, các đơn vị, địa phương chủ động triển khai theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó với bão”, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chỉ đạo.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng Nguyễn Phú Ban nhận định, đây là cơn bão rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp. Theo dự báo, dự kiến bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền thành phố Đà Nẵng vào rạng sáng ngày 12-9, gây gió mạnh khu vực ven biển và đất liền; nguy cơ xảy ra mưa lớn, lũ lớn gây ngập lụt vùng trũng thấp và các khu dân cư, mực nước biển và sóng biển dâng cao.
Theo phương án đã được phê duyệt, khi bão đổ bộ với gió bão từ cấp 8-11, dự kiến toàn thành phố sơ tán 58.683 người, trong đó, sơ tán tập trung 18.733 người, sơ tán tại chỗ là 39.950 người. Để chủ động ứng phó với bão, trong ngày 10-9, các quận ven biển đã tiến hành kéo các thuyền nhỏ, thuyền thúng lên bờ; khẩn trương thu hoạch lúa; tổ chức cắt tỉa cây xanh, lập phương án chuyển 1 máy bơm chống ngập từ trạm bơm khu vực Đảo Xanh về Trạm bơm Thuận Phước và tiến hành khơi thông, nạo vét các cửa thu nước mưa dọc các tuyến đường...
Chiều 10-9, Sở Xây dựng ban hành Công văn số 6977/SXD-HTKT chỉ đạo và hướng dẫn phương án ứng phó bão số 5 nhằm bảo đảm an toàn công trình hạ tầng kỹ thuật đối với công tác xử lý thoát nước, chống ngập úng. Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận, huyện và các đơn vị chức năng khẩn trương kiểm tra, có biện pháp bảo đảm an toàn chống ngã đổ, gãy cành cây xanh. Công ty CP Chiếu sáng công cộng, chủ đầu tư, đơn vị điều hành dự án khẩn trương thực hiện kiểm tra, thay thế trụ điện chiếu sáng tại các khu vực, tuyến đường có nguy cơ ngã đổ, bảo đảm an toàn cho người, công trình và phương tiện giao thông. Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng bảo đảm an toàn đối với các công trình cấp nước, duy trì hoạt động cấp nước an toàn. Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng có công văn đề nghị các đơn vị trực thuộc, doanh nghiệp đang tham gia hoạt động sản xuất tại Khu công nghệ cao, các khu công nghiệp khẩn trương triển khai công tác phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn. Theo đó, bố trí lực lượng trực ban 24/24 giờ tại đơn vị khi có thiên tai; theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết để kịp thời ứng phó khi có tình huống xảy ra. Kiểm tra, rà soát mức độ an toàn chịu lực, ổn định hiện trạng của công trình; tiến hành các biện pháp gia cố, giằng chống bảo đảm an toàn (đặc biệt hệ thống mái tôn, vách tôn, trần, cửa kính, thiết bị); tháo dỡ các thiết bị, bộ phận không bảo đảm an toàn khi mưa bão. Sáng 10-9, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) triển khai các phương án ứng phó với cơn bão số 5. Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) có thông báo đề nghị các cơ quan, đơn vị và nhân dân phối hợp thực hiện biện pháp kiểm tra, sửa chữa hư hỏng của hệ thống cung cấp điện do đơn vị hoặc gia đình quản lý. PC Đà Nẵng cũng công bố số điện thoại liên lạc khi có tình huống khẩn cấp: 19001909. Sáng 10-9, lãnh đạo các quận, huyện đã chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện để các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng; điện gia dụng được hoạt động trở lại, đáp ứng nhu cầu mua sắm các vật dụng chằng chống nhà cửa của người dân trước khi bão số 5 đổ bộ vào đất liền. Để bảo đảm an toàn cho người dân các phường đã giao cho Ban điều hành phòng, chống Covid-19 khu dân cư rà soát, đánh giá tình hình nhà cửa các hộ dân để có đề xuất mua sắm vật dụng chống bão. Người dân cần bất cứ vật dụng nào hãy liên hệ với Ban điều hành, phường sẽ liên hệ với cửa hàng vật liệu xây dựng đóng chân trên địa bàn để mua hàng giúp dân. Trước diễn biến của cơn bão số 5, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố Đà Nẵng đã thường trực quân số, bảo đảm thông tin liên lạc để kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển nhanh chóng tìm nơi trú tránh. Đồng thời chỉ đạo các đồn, trạm Biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, phối hợp hộ gia đình, chủ tàu thông qua hệ thống thông tin liên lạc, thông báo cho các phương tiện hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động tìm nơi trú tránh. BĐBP thành phố tiếp tục duy trì mạng thông tin liên lạc biển với tàu thuyền đang ở trên biển, đồng thời chỉ đạo cho Hải đội Biên phòng 2 sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia cứu nạn trên biển khi có lệnh. |
HOÀNG HIỆP