Theo UBND huyện Hòa Vang, mùa mưa bão năm nay có khả năng kéo dài, diễn ra trên diện rộng, do đó, UBND huyện chủ động xây dựng các phương án phòng, chống thiên tai trong điều kiện bảo đảm an toàn phòng dịch.
Lực lượng dân quân xã Hòa Bắc giúp dân chèn chống nhà cửa. Ảnh: T.T |
Trong đợt bão số 5 (bão Côn Sơn), UBND huyện Hòa Vang triển khai di dời hơn 2.900 hộ với hơn 9.500 nhân khẩu đến nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai, trường học, trụ sở cơ quan, các công ty và nhà dân kiên cố để bảo đảm an toàn.
Sẵn sàng giúp dân
Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) xã Hòa Bắc Đỗ Ngọc Châu cho biết, sau khi nghe tin bão số 5, Ban CHQS xã nhanh chóng phối hợp các lực lượng thực hiện di dời 48 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở hoặc ven triền sông đến nơi an toàn. “Trong quá trình vận động, hỗ trợ dân, có một hộ ở thôn Nam Mỹ không di dời bằng xe máy được, lực lượng phải đưa xuồng vào chở người dân ra. Gia đình này có 2 vợ chồng già, nằm trong vùng thấp trũng, những ngày đó mưa lớn, nước dâng cao, cả vùng ngập lụt.
Người vợ bị bệnh huyết áp nên sau khi đưa ra khỏi vùng nguy hiểm, chúng tôi đưa bà về Trạm y tế xã theo dõi sức khỏe”, ông Đỗ Ngọc Châu nhớ lại. Ngoài hỗ trợ người dân di dời, chèn chống nhà cửa, các cán bộ, dân quân xã còn giúp dân 2 thôn Nam Yên và Phò Nam thu hoạch vụ mùa. “Công việc nhiều, vật lộn mấy ngày với mưa bão, anh em ai cũng mệt nhưng thấy bà con an toàn, tài sản không mất mát là chúng tôi an tâm, phấn khởi”, ông Đỗ Ngọc Châu nói thêm.
Tại xã Hòa Châu, trước khi bão số 5 ảnh hưởng, Ban CHQS xã chủ động triển khai lực lượng dân quân tại chỗ của 8 thôn phối hợp cán bộ quân dân chính thôn chèn chống nhà cửa giúp dân, các khu văn hóa, phát cây xanh có nguy cơ ngã đổ.
“Để bảo đảm tính mạng và tài sản cho nhân dân, chúng tôi di dời 144 hộ dân sống trong khu vực liền kề đến nơi an toàn; đồng thời, giúp bà con thôn Phong Nam thu hoạch khoảng 5ha lúa ngập úng”, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Hòa Châu Nguyễn Tiến cho hay.
Là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, từ đầu mùa mưa bão, UBND xã Hòa Tiến lên phương án, kế hoạch di dời dân theo từng cấp độ bão, lũ bảo đảm an toàn trong tình hình dịch bệnh; đồng thời, hỗ trợ người dân thu hoạch lúa gạo, hoa màu kịp thời trước khi bão vào.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến Đặng Quốc Tuấn chia sẻ: “Chúng tôi điều động 13 máy gặt đập liên hợp giúp dân gặt lúa. Trước khi bão vào, hơn 20 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ thu hoạch hơn 10ha lúa cho bà con. Không đủ phương tiện, các cán bộ, chiến sĩ dùng xe máy xuống từng cánh đồng chở lúa về tận nhà cho người dân bảo đảm nhanh chóng, an toàn “chạy đua với bão”.
Ưu tiên di dời vùng có nguy cơ sạt lở
Hòa Vang là địa phương có địa hình giáp đồi núi, suối, sông ngắn, độ dốc cao, vào mùa mưa bão có nguy cơ sạt lở đất đá. Các khu vực nằm ở triền núi, ven sông, suối như thôn An Định, Tà Lang, Giàn Bí, Lộc Mỹ, Nam Yên, Phò Nam (xã Hòa Bắc); tổ 4, 5 thôn Quan Nam 3, thôn Trường Định (xã Hòa Liên), thôn An Ngãi Đông 1 (xã Hòa Sơn), thôn Phú Túc (xã Hòa Phú)… vào mùa mưa bão kéo dài có nguy cơ sạt lở cao.
Từ đầu năm 2021, Ban CHQS huyện Hòa Vang xác định rõ nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Vì vậy, trong kế hoạch phòng, chống thiên tai, Ban CHQS huyện tiếp tục phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, tập trung đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị chuyên dụng phục vụ nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Song song đó, phối hợp chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan khảo sát các khu vực trọng điểm về ngập úng, sạt lở đất, nguy cơ sập đổ công trình; chỉ đạo các địa phương lập bản đồ địa bàn, xác định khu vực ngập lụt, khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất để có phương án di dời, chốt chặn.
Từ tháng 8, UBND huyện Hòa Vang lên phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó Covid-19 trong tình hình mới. Các phương án gồm: ứng phó với kịch bản bão cấp 8-17; ứng phó với kịch bản đối với lũ từ mức báo động 2 đến báo động 3; ứng phó với kịch bản sạt lở đất, ven sông… Trong bão số 5, UBND huyện di dời 146 hộ với 533 nhân khẩu nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao thuộc 4 xã Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Sơn và Hòa Phú.
“Chúng tôi huy động tất cả lực lượng tổ chức sơ tán, di dời dân nhanh chóng, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh. Phương thức di dời ưu tiên bảo đảm an toàn cho người dân trước, di dời tài sản sau; tổ chức cho người già, trẻ em, phụ nữ, người bệnh, tàn tật sơ tán trước, phụ nữ mang thai sắp sinh được đến trú tại Trạm y tế xã hoặc bệnh viện tuyến huyện”, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang Lê Đình Ca cho hay.
Cũng theo ông Ca, vì dịch bệnh, UBND huyện bố trí số người trong một phòng bảo đảm khoảng cách ít nhất 2 mét và ưu tiên bố trí mỗi gia đình một phòng hoặc khu vực riêng; đồng thời tổ chức xét nghiệm nhanh Covid-19 đối với người dân ở khu vực nguy cơ cao. Những năm trước, mỗi điểm di dời có thể chứa khoảng 50 người, năm nay chỉ ở được khoảng 25-30 người để bảo đảm an toàn. Tại các cơ sở di dời được trang bị nhiệt kế, khẩu trang, nước sát khuẩn phục vụ người dân. Song song đó, công tác quản lý, giám sát cũng kỹ hơn để bảo đảm không lây nhiễm Covid-19 khi di dời, sơ tán dân.
THANH TÌNH