Chủ động thay đổi để thích ứng với dịch bệnh

.

Hai năm qua, nhiều hoạt động tạm dừng để ưu tiên công tác phòng, chống dịch. Trong đó công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) không là ngoại lệ. Cho đến hôm nay, chưa có con số thống kê cụ thể về ảnh hưởng trực tiếp của Covid-19 với công tác dân số cũng như vấn đề bảo đảm sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Thế nhưng, có một điều rất rõ là công tác truyền thông và các dịch vụ của KHHGĐ bị gián đoạn nhiều.

Tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng, gần 2 năm qua, các hoạt động truyền thông về dân số - KHHGĐ bị ảnh hưởng và khó triển khai thực hiện hiệu quả. Thậm chí dịch vụ y tế cho nhóm đối tượng trong độ tuổi sinh sản, cũng như việc thăm khám định kỳ cho các bà mẹ mang thai, dịch vụ KHHGĐ cũng bị gián đoạn. Điều này xuất phát từ hai phía: thứ nhất là yếu tố khách quan do ngành y tế phải dồn toàn lực cho “mặt trận” chống dịch. Thứ hai là yếu tố chủ quan khi những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và những phụ nữ mang thai ngại đến các cơ sở y tế thăm khám vì lo ngại lây nhiễm Covid-19.

Đặc biệt, ở lĩnh vực truyền thông về công tác dân số - KHHGĐ, lâu nay bên cạnh các kênh tuyên truyền chính từ các cơ quan truyền thông, các chương trình tuyên truyền, tập huấn của các cơ quan chức năng, thì chủ lực vẫn là đội ngũ cộng tác viên dân số ở cơ sở . Với đặc điểm rất riêng của công tác dân số - KHHGĐ là rất cần những cộng tác viên dân số để truyền thông theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, hoặc chiến thuật “chị em phụ nữ với nhau rủ rỉ, to nhỏ” để vận động. Thế nhưng, khi Covid-19 bùng phát, vai trò của các cộng tác viên dân số ở cơ sở không được phát huy do phải thực hiện lệnh giãn cách.

Thực tế này đặt ra vấn đề, đã đến lúc công tác dân số - KHHGĐ cần có sự chủ động thay đổi để thích ứng với dịch bệnh và thiên tai, mà trước hết là công tác truyền thông. Qua thực tế phòng, chống dịch cho thấy, việc tận dụng ưu điểm vượt trội của công nghệ, mạng xã hội đã phát huy được tác dụng trong việc tiếp cận đối tượng hiệu quả và tiết kiệm cho ngân sách.

Các cơ quan chuyên môn như Chi cục Dân số - KHHGĐ cần mạnh dạn áp dụng các hình thức họp, tập huấn, tuyên truyền, tư vấn bằng hình thức trực tuyến đến các đối tượng. Ở lĩnh vực cung cấp dịch vụ về KHHGĐ, sức khỏe sinh sản..., các cơ quan chức năng có thể tổ chức các đội cung cấp dịch vụ lưu động để tiếp cận đối tượng trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh xuất hiện theo phương châm “dịch vụ tận nhà”. Chỉ có cách này mới không làm đứt gãy việc cung cấp các dịch vụ, bảo đảm các chỉ tiêu về dân số - KHHGĐ không bị... vỡ.

T.S

;
;
.
.
.
.
.