Đẩy mạnh liên kết vùng để phát triển kinh tế

.

ĐNO - Ngày 30-10, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Các đại biểu đề nghị thời gian tới cần nghiên cứu bổ sung một số vấn đề mới làm trọng điểm, đột phá trong phát triển kinh tế.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (giữa) cùng các đại biểu đoàn đại biểu thành phố trao đổi bên lề sàng 27-10. Ảnh: NGỌC PHÚ
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (giữa) cùng các đại biểu đoàn đại biểu thành phố dự phiên thảo luận trực tuyến ngày 30-10. Ảnh: NGỌC PHÚ

Cụ thể, các đại biểu đề xuất lấy liên kết vùng, phát triển đô thị, kinh tế đô thị làm trọng điểm; lấy xác định các ngành, sản phẩm, lĩnh vực có hiệu quả cao, đóng góp lớn và sức lan tỏa rộng trong nền kinh tế, nhất là các ngành dựa trên công nghệ và tri thức tiên tiến làm khâu đột phá.

Các đại biểu cho rằng, để đẩy mạnh quá trình liên kết vùng, Trung ương cần có chính sách ưu tiên đầu tư cho các địa phương có liên kết vùng với nhau mới mang lại hiệu quả, tạo tiền đề để các địa phương phối hợp trong các lĩnh vực có lợi thế so sánh, tránh đầu tư dàn trải làm giảm hiệu quả nguồn lực.

Với các địa phương chưa liên kết cao, đề nghị Trung ương xem xét, hỗ trợ ngân sách dựa trên hiệu quả của từng lĩnh vực có lợi thế.

Hiện nay, phân bổ nguồn lực nội tại của nền kinh tế đang mất cân đối. Nhiều vùng có tiềm năng phát triển rất tốt nhưng đầu tư phát triển lại không cân xứng. Nền kinh tế đang thiếu những trụ cột để tạo nên sự phát triển tự chủ và bền vững. Chính vì vậy, việc xây dựng kế hoạch là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém của giai đoạn trước, đưa các nội dung cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2021-2025 đi vào thực chất, hiệu quả hơn.

Tại buổi thảo luận, các đại biểu cũng đề nghị tái cơ cấu lại nông nghiệp, theo đó khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mô hình cơ cấu lại nông nghiệp chưa được thể hiện cụ thể trong kế hoạch, đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung các mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp đột phá trong đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã…

Chiều 30-10, thảo luận trực tuyến về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025), các đại biểu Quốc hội đề nghị cần phân tích kỹ, luận giải giữa việc giảm đất trồng lúa và bảo đảm chiến lược an ninh lương thực quốc gia, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu, diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các yếu tố an ninh phi truyền thống.

Trong quy hoạch đất đô thị cần quan tâm cân đối việc mở rộng, phát triển đô thị hiện có với quy hoạch, phát triển các đô thị mới, trên cơ sở quy hoạch tổng thể quốc gia, tránh lãng phí đất đai; cần rà soát lại quy hoạch tại các khu công nghiệp.

Đồng thời thời đề nghị Chính phủ quan tâm phát triển đất khu công nghệ cao, điều chỉnh đất trong khu công nghiệp, trong đó dành tỉ lệ phù hợp cho đất khu công nghệ cao chứ không phải thu hút các hoạt động sản xuất công nghiệp đơn thuần.

Ưu tiên thực hiện cơ cấu lại đối với từng lĩnh vực kinh tế

Trao đổi bên lề phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Trần Chí Cường thống nhất với 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp như kế hoạch đã đề ra, song cần xem xét phân nhóm mục tiêu rõ hơn, ưu tiên thực hiện cơ cấu lại đối với từng lĩnh vực kinh tế, ngành kinh tế để nâng cao khả năng “đề kháng”, vượt qua khó khăn và khôi phục phát triển cho bản thân các lĩnh vực, ngành kinh tế đó.

Bên cạnh đó, cần có lộ trình cụ thể và giải pháp quyết liệt hơn trong triển khai các nhiệm vụ có tác động lớn như hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật và các văn bản dưới luật; quan tâm nghiên cứu và triển khai quyết liệt việc phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm tăng tính chủ động, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm của địa phương đi đôi với công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện, xử lý trách nhiệm cá nhân. Tạo cơ chế, điều kiện để cán bộ dám tham mưu, đề xuất, lãnh đạo dám quyết định và chịu trách nhiệm vì lợi ích chung…

Về nguồn lực thực hiện, đại biểu Trần Chí Cường đề nghị trên cơ sở phân tích đánh giá từng nhóm giải pháp, nhiệm vụ, xác định tiêu chí, thứ tự ưu tiên… Cần tính toán phân bổ dự kiến nguồn lực cho từng nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để làm cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai xác thực hơn.

Để huy động thêm nguồn lực, bảo đảm thực hiện kế hoạch đề ra, cần tập trung quyết liệt, chỉ đạo giải quyết những vấn đề tồn tại, hạn chế và những sai phạm trước đây hiện đang ảnh hưởng, kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội tại một số địa phương, trong đó có Đà Nẵng, nhằm sớm khơi thông các điểm nghẽn, bổ sung nguồn lực nhằm thực hiện kế hoạch đề ra.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích