Phòng, chống Covid-19: Chuyện giờ mới kể - Bài 2: Bác sĩ như người nhà

.

Giữa lằn ranh sự sống và cái chết, người bệnh không chỉ đối mặt với những nguy cơ sức khỏe gắn liền với các chỉ số khoa học về diễn biến bệnh tình mà họ còn phải xoay xở với những bất ổn khác. Đội ngũ nhân viên y tế không chỉ tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình bảo hộ, chống lây nhiễm, điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế mà họ còn là chỗ dựa tinh thần vững chãi cho những bệnh nhân ngày đêm đối mặt với bao nỗi lo lắng, sợ hãi.

Bác sĩ Trần Thị Thứ (bên phải), Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang chăm sóc, vui đùa với trẻ em mắc Covid-19 đang điều trị tại đây. Ảnh: N.Đ.V
Bác sĩ Trần Thị Thứ, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang chăm sóc, vui đùa với trẻ em mắc Covid-19 đang điều trị tại đây. Ảnh: N.Đ.V

Niềm vui của bác sĩ là F1

Trở về sau 2 tuần cách ly tập trung, bác sĩ Trần Thị Thứ (khoa Nhi, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang) vẫn không quên quá trình mình trở thành F1 bất đắc dĩ. Là người trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhi Covid-19 tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt về chống lây nhiễm nhưng cách chị Thứ trở thành F1 cũng không giống ai.

Đầu tháng 9-2021, bệnh nhân T.L (25 tuổi, trú phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) mắc Covid-19. L. phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 sau khi ngành y tế xét nghiệm đại diện hộ gia đình trên địa bàn phường. Em là F1 trong gia đình có đến 8 người cũng nhiễm Covid-19 thời điểm đó, gồm mẹ, ba, các chị và các cháu. Điều đặc biệt, L. mới sinh con được 3 tháng tuổi, cháu bị bệnh tim bẩm sinh, thời điểm đó cháu may mắn không mắc Covid-19. Chồng L. mắc kẹt vì dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh không về được, người thân lần lượt vào viện điều trị Covid-19. Đến lượt mình, L. lo lắng không yên và miễn cưỡng đưa con trai cùng vào viện với mình để chăm sóc hằng ngày.

“Một người mẹ trẻ đang đối mặt với những lo lắng, căng thẳng sau sinh khi con không được khỏe mạnh như bao đứa trẻ bình thường khác, nay bản thân lại mắc Covid-19, sự hoảng hốt, lo lắng thể hiện qua từng cử chỉ, lời nói. Là người từng làm mẹ, mình hiểu được những cảm giác có con nhỏ, nhưng có lẽ cũng chỉ một phần nào. Vì nỗi lo của em ấy không chỉ con nhỏ, con bệnh mà còn lo bản thân trở nặng vì Covid-19, lo con nhiễm bệnh theo mẹ”, chị Thứ kể.

Rồi nỗi lo ấy lên đến đỉnh điểm. Một buổi trưa giữa tuần, khi bác sĩ Thứ đang chuẩn bị ăn cơm trưa thì nghe tiếng hét thất kinh từ phòng bên. Nhìn qua cửa kính, L. đang đứng chênh vênh nơi ban công, một chân buông thõng ra bên ngoài. Áp lực vì con ốm, bản thân cảm thấy lo lắng, bất lực và luôn tự dằn vặt mình vì không thể chăm lo mọi thứ tốt hơn, L. trong phút kích động quyết định chấm dứt cuộc sống trong bế tắc và lo toan dồn nén. “Thời điểm đó mình chẳng nghĩ đến Covid-19, phòng hộ gì mà đẩy cửa kính bước vào, trong đầu chỉ nghĩ làm sao cho em ấy tin tưởng và quay lại không làm điều dại dột. Từng đối mặt với nhiều hoàn cảnh bi kịch, nghiệt ngã nhưng đây là lần đầu tiên trong đời mình đối diện với một trường hợp mà khoảng cách giữa sự sống và cái chết gần như vậy, chỉ cách nhau có một bước chân”, chị Thứ kể lại.

Bằng những lời động viên, chia sẻ và cảm thông rất phụ nữ với nhau, những lời chị Thứ nói dường như chạm được trái tim yếu đuối của L. Vừa chia sẻ, dỗ dành, động viên, bác sĩ Thứ vừa tiến đến trong một khoảng cách an toàn và trong chớp mắt kịp giữ lấy người mẹ trẻ đang chông chênh, nghẹn ngào trên lan can bệnh viện. Hai chị em ôm nhau nức nở trong tiếng thở phào của nhiều bệnh nhân và nhân viên y tế chứng kiến.

Do tiếp xúc với L. trong tình trạng không bảo hộ nên bác sĩ Thứ trở thành F1 bắt buộc, phải đi cách ly tập trung. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh bệnh nhân L. chỉ tin tưởng mỗi mình bác sĩ Thứ nên lãnh đạo bệnh viện quyết định phá lệ để bác sĩ Thứ toàn tâm lo cho mẹ con L. Hai mẹ con L. sau đó được bố trí ở một phòng riêng để thuận tiện hơn cho việc điều trị và chăm sóc. Đêm đến, cháu P., con trai L. được bác sĩ Thứ ôm ấp vào lòng và đưa vào giấc ngủ như một cách để L. có thời gian được nghỉ ngơi. Để bảo đảm an toàn cho bé, chị Thứ bắt buộc vẫn phải mang đồ bảo hộ khi chăm sóc cháu, kể cả giấc ngủ. Đều đặn 3 giờ mỗi lần trong đêm khi cháu bé khát sữa, chị Thứ lại nhẹ nhàng bế qua để tìm bầu sữa mẹ.

Bằng sự động viên của nhiều người, nỗ lực của bản thân khi nghĩ về những điều tích cực, một tuần sau, L. khỏi Covid-19 và được xuất viện. Điều đáng mừng hơn là cháu P., con trai L. không bị lây nhiễm chéo Covid-19 trong thời gian cùng mẹ ở bệnh viện điều trị Covid-19. Ngày mẹ con L. được xe y tế đón ở sảnh bệnh viện về nhà theo dõi sức khỏe cũng là ngày bác sĩ Thứ khăn gói lên đường đi cách ly tập trung theo diện F1.

Có những giấc ngủ bình yên, ấm áp

Trở về từ phòng điều trị bệnh nhi Covid-19 tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, T.K.S (9 tuổi, trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) khiến ba mẹ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Tháng 7-2021, mẹ S. mắc Covid-19. S. và ba cùng em gái 4 tuổi là F1 đi cách ly tập trung. Ba ngày sau, S. dương tính với SARS-CoV-2 và được chuyển lên Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang điều trị. “Những ngày đầu của gia đình hết sức khủng khiếp, trăm nỗi lo đổ dồn xuống. Gia đình 3 chốn 4 nơi không biết trước được điều gì, chỉ biết gọi điện động viên nhau và cầu mong mọi thứ đều tốt đẹp lên”, chị Q, mẹ cháu S. chia sẻ.

Lần đầu xa ba mẹ, lại ở trong môi trường khá đặc biệt khi phải hạn chế nhiều hoạt động chống lây nhiễm, xung quanh chỉ những người xa lạ, S. không giấu được những giọt nước mắt. Dù đã 9 tuổi nhưng thói quen của S. là phải ngủ cùng bố hoặc mẹ. S. sợ ngủ một mình, nhất là có bóng đêm. Nắm bắt được điều đó qua lời kể của phụ huynh, những ngày đầu nhập viện điều trị, S. được các nhân viên y tế luân phiên vào chăm sóc, đọc sách và ngủ cùng. Tần suất cứ thưa dần và sau 10 ngày điều trị, S. đã làm chủ được không gian riêng về đêm của mình.

Việc kiểm soát nhiễm khuẩn là điều được thực hiện hết sức nghiêm ngặt. Có nhiều bệnh nhi nhiễm Covid-19 được bố trí người thân, là mẹ, bà vào ở cùng. Vai trò của các bác sĩ, ngoài điều trị là hướng dẫn bệnh nhân, người nhà tuân thủ các biện pháp chống lây nhiễm. Đối với những trường hợp bắt buộc phải có người nhà vì bệnh nhân quá nhỏ tuổi, bệnh viện bố trí các phòng riêng biệt, hỗ trợ trang thiết bị bảo hộ chuyên dụng hơn để hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo. Mỗi lần xét nghiệm cho bệnh nhân và người nhà là một lần hồi hộp. Thành công của các nhân viên y tế chính là không để cho người thân lây nhiễm lẫn nhau trong thời gian ở tại đây. Đó không chỉ là niềm hạnh phúc của nhân viên y tế mà còn là bài học thực tiễn về công tác chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện có thể áp dụng cho các trường hợp bệnh nhân khác.

Theo bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, điểm khác biệt của đợt điều trị Covid-19 kéo dài suốt 5 tháng qua tại đơn vị là có hơn 1/3 số bệnh nhân là trẻ em dưới 15 tuổi. “Nếu không xem các cháu là người thân, không theo sát diễn biến tâm lý của các cháu thì việc điều trị rất khó thành công. Bệnh viện đã bố trí một số nhân viên y tế chuyên khoa Nhi để tiếp nhận, điều trị các bệnh nhân Covid-19 còn nhỏ tuổi. Đó là những bác sĩ, y tá, điều dưỡng có tâm lý tiếp xúc với trẻ tốt, giúp các cháu hợp tác trong suốt quá trình điều trị”, bác sĩ Vĩnh cho biết.

Suốt 5 tháng liền, các nhân viên y tế vẫn mặc trên mình bộ đồ bảo hộ kín mít và nóng bức. Có những giấc ngủ chập chờn trôi qua trong sự khắc khoải, mong ngóng trở về đoàn tụ cùng gia đình. Cũng có những giấc ngủ bình yên, ấm áp mà những đứa trẻ mắc Covid-19 cảm nhận được, dù chẳng biết cụ thể ai là ai…

PHAN CHUNG - LÊ HÙNG

;
;
.
.
.
.
.